“Trên nóng dưới lạnh”
Cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD là nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm với những chỉ đạo quyết liệt. Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành rà soát các ĐKKD, yêu cầu cắt giảm 50%.
Trước chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ về việc không thể duy trì tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” và những kiến nghị không dứt của các DN, hiệp hội ngành nghề, các bộ, ngành đã tiếp tục đề xuất phương án cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đến cuối tháng 6/2018, mới khoảng 11 bộ đã đưa ra được phương án cắt giảm, đơn giản hóa các ĐKKD. Thậm chí, hồi đầu tháng 7, cá biệt có bộ chưa có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về phương án đơn giản, cắt giảm ĐKKD.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Cải cách môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh quốc gia (Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương) cho biết, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP (NQ 19) nêu rõ, đối với các bộ, ngành chưa rà soát, chưa có kết quả rà soát, thì phải hoàn thành rà soát, xây dựng kế hoạch cắt giảm, bổ sung, sửa đổi các quy định về ĐKKD trước tháng 6/2018 và hoàn thành soạn thảo nghị định sửa đổi, bổ sung các nghị định về ĐKKD, đầu tư, trong đó bãi bỏ các ĐKKD không cần thiết, trình Chính phủ trong quý III/2018… Thế nhưng, thực tế, chất lượng cắt giảm ĐKKD là rất thấp!
Tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 8/2018, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết, trong tổng số 6.213 ĐKKD, các bộ, ngành dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 3.807 điều kiện. Tuy nhiên, tính đến nay, mới cắt giảm được 968 điều kiện (đạt 31,6% so dự kiến) của các ngành. Thực tế, chỉ mới có 4 bộ gồm Công thương, Xây dựng, Giáo dục và Đào tạo, Thông tin và Truyền thông có tên trong số những ngành có ĐKKD đã cắt giảm. Hiện các bộ, ngành vẫn còn 2.839 ĐKKD đã có phương án tiếp tục cắt giảm, nhưng chưa có văn bản quy định cụ thể.
Về thủ tục kiểm tra chuyên ngành, có tổng số 9.936 dòng hàng phải kiểm tra, các bộ dự kiến sẽ đơn giản, cắt giảm 6.003 dòng hàng. Đến nay, đã chính thức cắt giảm, đơn giản hóa được 1.689 dòng hàng, đạt 34% so với yêu cầu chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, nhìn chung, tỷ lệ cắt giảm danh mục sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành đã cải thiện hơn so với tháng trước (tăng 18,9%), nhưng tỷ lệ cắt giảm vẫn đạt thấp so với phương án dự kiến và tiến độ còn chậm so với yêu cầu đặt ra. Thời hạn rà soát, cắt giảm 50% về ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành không còn nhiều, Văn Phòng Chính phủ đang đốc thúc các bộ, ngành hoàn thành để đáp ứng sự mong đợi của cộng đồng DN.
Với tốc độ cắt giảm ĐKKD của các bộ, ngành như hiện nay, các DN, chuyên gia cho rằng, nhiều khả năng mục tiêu hoàn thành việc cắt bỏ 50% số ĐKKD khó có thể đạt được trong năm 2018.
Chưa đúng thực chất
Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc cho biết, trung bình mỗi năm, các cơ quan quản lý nhà nước ban hành khoảng 1.000 văn bản quy phạm pháp luật và khoảng 50% số văn bản này có liên quan hoạt động kinh doanh. Mỗi văn bản lại có hàng chục, thậm chí hàng trăm quy định. Chỉ trong 6 tháng, cơ quan quản lý nhà nước có thể đưa ra hàng chục nghìn quy định có tác động đến các DN. DN vui mừng vì 50% ĐKKD và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được xem xét cắt giảm, nhưng nhìn lại thì thấy nhiều khi không thực chất. Các bộ, ngành chưa làm “đều tay”, cán bộ, chuyên viên còn “lạnh”…
“Làm sao để quá trình cắt giảm ĐKKD phải là một đường thẳng liên tục và thực chất hơn. Đồng thời, việc cắt giảm là quan trọng, nhưng kiểm soát quan trọng hơn. Nếu muốn tăng một ĐKKD nào đó, thì phải giải trình và có sự giám sát của cả xã hội”, ông Lộc nói.
Theo Trưởng ban Pháp chế VCCI Đậu Anh Tuấn, các bộ phải cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 50% số ĐKKD với yêu cầu “cắt giảm, đơn giản hóa”. Tuy các phương án cắt giảm đều đạt mục tiêu, nhưng khi xem xét chi tiết hơn từng phương án, đôi khi “con số chỉ là con số”. Trong một số phương án, có khá nhiều điều kiện được sửa đổi thay vì được bãi bỏ. Có một số phương án đề xuất cắt giảm, đơn giản hóa ĐKKD, nhưng thực chất chỉ là sự sắp xếp lại cách thức thiết kế ĐKKD về mặt hình thức mà không có thay đổi nào về nội dung, nhưng cũng được tính ra các con số đơn giản hóa ĐKKD. Trong khi xét về bản chất, các điều kiện này gần như không thay đổi…
Bà Trần Hoàng Yến, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, nhiều quy phạm pháp luật vẫn hiện hữu dù DN liên tục kêu khó. Đơn cử, quy định về kiểm dịch hàng hóa, mặc dù hải quan phân loại hàng hóa dưới 3 luồng: luồng xanh, luồng vàng và luồng đỏ. Tuy nhiên, đối với mặt hàng thủy sản, 100% lô hàng đều bị kiểm tra. Việc này dẫn đến thời gian chờ đợi của DN lâu hơn, chi phí tăng lên và thật sự DN gặp rất nhiều khó khăn.
Luật sư Trương Thanh Đức (Công ty Luật Basico) đánh giá, phong trào hô hào cải cách thủ tục hành chính, cắt giảm ĐKKD thời gian qua phát triển rầm rộ, nhưng chuyển động trên thực tế lại… rất từ từ. Tốc độ cải cách chỉ đạt một nửa, nhưng luôn có tư tưởng cải cách đã tốt rồi.
Thí dụ, đề xuất bỏ các điều kiện ràng buộc quy mô kinh doanh quá mức với các DN XK gạo của Nghị định số 109/2010/NĐ-CP về kinh doanh XK gạo đã gần 8 năm - được xem là phi thị trường mà đến nay nghị định thay thế vẫn không được ban hành. Điều đáng nói là đề xuất của các DN đều được ghi nhận là hợp lý, nhận được sự ủng hộ của nhiều bộ, ngành, có cả sự chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ... Nhưng nhìn vào “lịch sử” sửa đổi các văn bản liên quan đến ĐKKD, kiểm tra chuyên ngành, thì việc DN phải chờ đợi nhiều năm xem ra rất phổ biến.
Trước thực trạng trên, Văn phòng Chính phủ kiến nghị các bộ tập trung, gấp rút hoàn thành các dự thảo văn bản quy định chi tiết thi hành các luật, pháp lệnh còn nợ đọng trình Chính phủ thông qua hoặc ban hành theo thẩm quyền.
Các bộ cần tập trung cao độ cho việc xây dựng, hoàn thiện, ban hành các văn bản để chính thức áp dụng phương án đơn giản, cắt giảm ĐKKD và danh mục hàng hóa kiểm tra chuyên ngành. Việc cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành và đơn giản, cắt giảm ĐKKD phải thực chất, khắc phục triệt để những bất cập hiện nay, ứng dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, giảm tối đa chi phí cho người dân, DN và xã hội.
Theo Hoan Nguyễn (Thương Hiệu & Công Luận)