Chia sẻ với VnExpress, Trần Đức An chuyên săn mua sâm quý ở Kon Tum cho biết, cách đây 5 ngày anh được người dân chuyên đi "săn" sâm báo đào được cặp sâm Ngọc Linh, mỗi củ lần lượt có trọng lượng 920 gram và 950 gram tại núi ở huyện Đak Cheung, tỉnh Sekong (Lào). Núi này thuộc dãy Ngọc Linh, cách biên giới tỉnh Kon Tum không xa.
"Để đảm bảo không mua phải sâm giả, tôi mang 2 củ đi kiểm nghiệm và tất cả chỉ số đều thể hiện tương đồng với sâm Ngọc Linh ở Việt Nam", anh An nói và cho biết, mỗi củ anh phải bỏ ra gần một tỷ đồng để sở hữu.
Theo anh An, sở dĩ 2 củ sâm này có giá đắt đỏ vì tự nhiên, lại quý hiếm. Chỉ số kiểm nghiệm cho thấy chúng đã hơn 100 năm tuổi. Thay vì ngoằn nghèo như những củ sâm khác, 2 củ sâm này thẳng, dài 70 cm, vỏ ngoài sần sùi. Hiện tại, củ sâm được anh An bảo quản trong tủ mát, có thể trồng lại tại vườn sâm của mình và chỉ bán lại cho khách hàng phù hợp.
Trước đó vài năm, anh An từng mua được củ sâm nặng 1 kg nhưng khi đó giá sâm còn rẻ, chỉ hơn trăm triệu đồng. Còn nay, sâm được khai thác nhiều và trở nên hiếm, nhiều người muốn sở hữu nên phải "chịu chi" mới có thể mua được.
Sâm Ngọc Linh được đưa vào danh sách quốc bảo của Việt Nam, một trong những sản phẩm quan trọng nhất về dược liệu và cần gắn liền với quốc kế dân sinh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mới đây đề nghị Trung tâm Quốc gia nghiên cứu và phát triển sâm Ngọc Linh làm rõ sâm Ngọc Linh là đặc hữu của Việt Nam, là loại sâm tốt nhất thế giới. Phải bảo vệ nguồn gene và phát triển nguồn sâm Ngọc Linh tương xứng với thế mạnh tự nhiên và tiềm năng sẵn có của Quảng Nam, Kon Tum.
Sâm Ngọc Linh được dược sĩ Đào Kim Long tìm ra năm 1972. Lúc đó, dược sĩ Long được giao nhiệm vụ cùng đồng nghiệp nghiên cứu thực vật, đặc biệt là đi tìm nguồn sâm ở vùng K5 phục vụ bộ đội. Khi đến độ cao hơn 1.000 m của núi Ngọc Linh, ông phát hiện ra loại sâm tiết trúc quý hiếm. Loại sâm này từng được các nhà thực vật phát hiện ở Lào Cai, Lai Châu.
Khi đó, dược sĩ Long gọi là sâm tiết trúc K5, rồi sau gọi là sâm đốt trúc Ngọc Linh theo tên địa danh phát hiện ra. Sâm Ngọc Linh đã được nghiên cứu kỹ lưỡng và thống nhất gọi là Sâm Việt Nam, với tên khoa học là Panax Vietnamesis Ha & Grushv.
Hồi đầu tháng 3, Ủy ban nhân dân huyện Nam Trà My (tỉnh Quảng Nam) đã tổ chức hội chợ và trưng bày và bán sâm Ngọc Linh của 5 hộ trồng sâm tỉnh này. Sau 3 ngày trưng bày, các hộ trồng nơi đây đã bán được 27 kg, thu về gần 2,3 tỷ đồng. Hiện, giá sâm Ngọc Linh trồng ở mức 8 -15 triệu đồng một lạng (đối với loại có trọng lượng 3 củ một lạng). Giá của chúng sẽ tăng lên khi củ có trọng lượng lớn và lâu năm.
Theo Thi Hà (VnExpress.net)