Xác lợn trôi đầy kênh ở Bắc Giang
Cấp đông thịt lợn là cần thiết
Tại Hội nghị trực tuyến đánh giá tình hình và triển khai các giải pháp phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi sáng 13.5, lãnh đạo Bộ NNPTNT đã đưa ra nhận định, mặc dù đã cố gắng nhiều nhưng dịch tả lớn châu Phi đã xảy ra trên diện rộng.
Theo đó, tình hình như hiện nay có thể coi là thảm dịch, rõ ràng phải được ứng xử bằng một nguồn lực tương xứng. Đại dịch cần có chế tài tài chính phù hợp nhất.
Theo đó, giải pháp cấp đông thịt lợn sạch để đảm bảo nguồn cung thịt trong thời gian sắp tới đã được các địa phương đề xuất để giảm áp lực tiêu hủy, giảm thiệt hại cho nông dân đối với những nơi chưa có dịch.
PGS. TS. Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm bày tỏ sự đồng tình với ý kiến trên và cho rằng, việc này đáng nhẽ phải được tính đến từ lâu.
“Giờ mới bàn đến việc xây kho dự trữ thịt đã muộn. Nhưng muộn còn hơn không”, TS Duy Thịnh khẳng định.
Theo ông, việc xây dựng kho dự trữ không chỉ đơn thuần để giải quyết vấn đề trước mắt là nguy cơ thiếu thịt do dịch tả lợn Châu Phi mà nó còn là chiến lược quốc gia.
Kho đông lạnh là giải pháp điều hòa sản lượng thịt cung cấp cho người dân và xuất khẩu, tránh tình trạng lúc thừa, lúc thiếu, lúc giá thịt lên cao do khan hiếm nguồn cung, khi lại xuống thấp, gây thiệt hại cho cả người chăn nuôi và cả người tiêu dùng.
“Tương tự như ngành lương thực, chúng ta không thể mang bán ngay tất cả số lương thực trong vụ thu hoạch mà phải có kho dự trữ để bán dần. Làm kho dự trữ là tất yếu để phát triển kinh tế bền vững, đối với chăn nuôi cũng như trồng trọt”, TS Thịnh nói.
Cũng theo TS Thịnh, nếu chúng ta có kho cấp đông thịt sớm hơn thì dịch tả lợn châu Phi đã không đe dọa đến nguồn cung của thị trường như hiện nay.
Việt Nam thiếu hệ thống kho lạnh cấp quốc gia
Công nghệ cấp đông đã có từ rất lâu tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ở các nước có nền chăn nuôi phát triển và xuất khẩu thịt ra nước ngoài thì việc xây dựng các kho cấp đông thực phẩm là chiến lược dự trữ quốc gia, đảm bảo nguồn thịt trong nước và xuất khẩu cũng như góp phần đảm bảo an ninh lương thực.
Theo đó, hệ thống cấp đông được giữ ở nhiệt độ -50 độ C. Khi thịt ra khỏi kho lạnh và xuất khẩu đi các nước sẽ được tiếp tục bảo quản trong các thiết bị giữ lạnh, để đảm bảo chất lượng thịt khi đến tay người tiêu dùng.
TS Thịnh nhận định, hệ thống kho lạnh của Việt Nam hiện còn rất ít, thường chỉ dừng lại ở các doanh nghiệp, còn hệ thống kho lạnh cấp quốc gia để đảm bảo vấn đề an ninh lương thực vẫn chưa có.
“Để đảm bảo an ninh quốc gia lương thực quốc gia, tôi hoàn toàn ủng hộ ý kiến xây dựng kho để cấp đông thịt lợn. Giờ việc chúng ta cần làm là xây dựng quy hoạch phù hợp cho hệ thống này”, TS Thịnh nói.
Theo ông, các kho cấp đông nên được xây dựng tại các địa phương phát triển ngành chăn nuôi như Đồng Nai, Đồng Bằng Sông Cửu Long và một số địa phương chăn nuôi nhiều tại miền Bắc. Kho cấp đông này không chỉ phục vụ bảo quản thịt lợn thì còn có các loại thực phẩm khác.
Theo Phạm Dung (Lao Động)