Chỉ sửa chữa, cải tạo yếu tố hình học và rải thảm lại 4 làn đường cũ Pháp Vân - Cầu Giẽ nhưng Bộ GTVT đã cho phép nhà đầu tư BOT thu phí với giá 1.500 đồng/km - tương đương với đường cao tốc 6 làn làm mới Cầu Giẽ - Ninh Bình.
Trước sự xuống cấp của tuyến đường 4 làn xe dài 29 km Pháp Vân – Cầu Giẽ sau 12 năm sử dụng, năm 2014 Bộ GTVT đã cho phép nâng cấp tuyến đường lên 6 làn xe theo hình thức BOT.
Dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ có chủ đầu tư là liên danh Cty CP Đầu tư phát triển Minh Phương, TCtyXây dựng công trình giao thông 1, Cty CP Đầu tư và xây dựng giao thông Phương Thành. Thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2017, giai đoạn 1 đến quý IV/2015. Thời gian thu phí là 17 năm 2 tháng 18 ngày.
Theo kế hoạch, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ 6 làn xe có tổng mức đầu tư 6.732 tỉ đồng và được chia làm 2 giai đoạn; dự kiến toàn bộ dự án được đưa vào khai thác đầu năm 2018.
Trước khi thực hiện dự án, Bộ Tài chính đã có văn bản nêu ý kiến: “Việc đặt trạm thu phí trên đường BOT để thu phí hoàn vốn cho nhà đầu tư chỉ được thu phí khi dự án hoàn thành xây dựng và đưa vào sử dụng”. Thế nhưng, Bộ GTVT đã cho phép nhà đầu tư thực hiện việc thu phí hoàn vốn ngay sau khi hoàn thành đầu tư giai đoạn 1.
Theo Thanh tra Chính phủ, tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ sau khi sửa chữa, cải tạo các yếu tố hình học và rải thảm lại mặt đường cũ (vốn đầu tư chỉ là 30% của toàn dự án) nhưng giá thu phí tương đương với giá thu đường cao tốc 6 làn xe xây dựng mới Cầu Giẽ - Ninh Bình (1.500 đồng/km) là “bất hợp lý và bất thường, cần làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân”.
Thanh tra Chính phủ cũng chỉ rõ, Dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường Pháp Vân - Cầu Giẽ không có quy trình đánh giá, xác định căn cứ cụ thể là dự án cấp bách và cũng chưa được cấp thẩm quyền xác định vào danh mục dự án cấp bách.
Mặt khác, UBND TP. Hà Nội chưa có văn bản thống nhất thoả thuận cụ thể về việc phân kỳ đầu tư thành 2 giai đoạn vì lo ngại sẽ không đảm bảo kết nối đồng bộ các hạng mục hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật hiện có và quy mô đầu tư chưa phù hợp với quy hoạch thủ đô đã đã được Thủ tướng phê duyệt.
Việc phê duyệt và triển khai thực hiện dự án cũng đã không lường hết những bất cập về hệ thống thu phí, dẫn đến bất hợp lý khi kết nối với tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, gây bất tiện cho người tham gia giao thông và ùn tắc cục bộ nghiêm trọng tại các thời điểm mật độ giao thông cao. Dẫn đến buộc phải khắc phục thay thế bằng phương án thu phí tự động và bỏ trạm thu phí Đại Xuyên.
Chỉ định thầu, lãng phí tăng vốn đầu tư
Theo Thanh tra Chính phủ, việc Bộ GTVT xác định tính cấp bách của dự án để trình Thủ tướng Chính phủ phương án chỉ định nhà đầu tư là thiếu cơ sở, “việc không thực hiện đầy đủ quy trình xây dựng và công bố danh mục đầu tư dư án BOT theo quy định tại Nghị định số 108/2009/NĐ-CP ngày 27.11.2009 của Chính phủ, dẫn đến thông tin về dự án được công bố chưa thực sự rộng rãi, minh bạch, kịp thời để các nhà đầu tư có thể tiếp cận thuận tiện bình đẳng”. Việc lựa chọn nhà đầu tư “phức tạp”, 3 lần lựa chọn từ chỉ định thầu, đấu thầu rồi lại chỉ định thầu mới chọn được nhà đầu tư.
Về quản lý chi phí đầu tư, theo Thanh tra Chính phủ việc thiết kế dự án đã tính toán kết quả modul đàn hồi mặt đường cũ (Eo) làm cơ sở thiết kế các lớp áo đường trong Thiết kế bản vẽ thi công chưa phù hợp… việc tính toán thiết kế như vậy là cao hơn tiêu chuẩn quy định, là tăng chi phí đầu tư, gây lãng phí.
Chi phí quản lý dự án của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Bộ GTVT) theo quy định phải tính chung cho cả dự án là 9.129,860 triệu đồng. Tuy nhiên, Bộ GTVT đã phê duyệt chi phí theo 2 giai đoạn là 11.511,918 triệu đồng, tăng 2.382,058 triệu đồng.
Việc thực hiện trình tự phê duyệt tổng mức đầu tư, thiết kế cơ sở dự án còn thiếu chặt chẽ, không lường hết các yếu tố ảnh hưởng, dẫn đến phải điều chỉnh, thay đổi quá lớn trong một thời gian ngắn. Cụ thể, Thanh tra Chính phủ phát hiện, sau khi đã phát hành hồ sơ yêu cầu lần thứ 3 để lựa chọn nhà đầu tư, Bộ GTVT đã phê duyệt điều chỉnh giảm tổng mức đầu tư từ 8.475.737 triệu đồng xuống 6.731.770 triệu đồng (giảm 1.743.967 triệu đồng).
Thế nhưng, ngay sau khi triển khai thực hiện dự án, Bộ GTVT đã phê duyệt thay đổi cơ bản thiết kế cơ sở giai đoạn 1, bỏ lớp cấp phối base bù vênh và thay hoàn toàn bằng bê tông nhựa tăng cường mặt đường dẫn đến tăng chi phí 25.000 triệu đồng.
Ngoài ra việc áp dụng đơn giá đất đắp chưa đúng khu vực theo thông báo giá dẫn đến phê duyệt tổng mức đầu tư tăng sai 21.177 triệu đồng; trong đó áp dụng đơn giá vật liệu của các quận chưa phù hợp dẫn đến là tăng tổng mức đầu tư giai đoạn 1 là 2.393,4 triệu đồng, giai đoạn 2 là 18.783,9 triệu đồng.
Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và Bộ Tài chính phải kiểm điểm và xử lý trách nhiệm đối với tập thể, cá nhân có liên quan về việc quyết định đầu tư dự án, phương án thu phí bất hợp lý, phê duyệt tổng mức đầu tư sai lệch, lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng thiếu chặt chẽ và thu phí chưa hợp lý...
Theo Hoài Nam (Lao Động)