Bộ Giao thông Vận tải đã từng lập đoàn công tác đi các nước, gặp khoảng 200 nhà đầu tư, 20 ngân hàng nước ngoài hàng đầu nhưng các nhà đầu tư, ngân hàng đều lo rủi ro về chính sách, về doanh thu. Ví dụ, lưu lượng xe thay đổi tùy vào quy hoạch của cả địa phương, lượng xe có thể giảm nếu một nhà máy di chuyển khỏi khu vực có con đường đó chạy qua.
Một thách thức nữa là tất cả những nhà đầu tư nước ngoài muốn đầu tư vào Việt Nam phải đổi từ ngoại tệ sang nội tệ, rồi thu được nội tệ lại phải chuyển thành ngoại tệ để chuyển lợi nhuận sang nước ngoài.
"Các nhà đầu tư nước ngoài đều lo ngại cơ chế chia sẻ rủi ro ở nước ta nên chưa dám đầu tư. Vì thế, trong tờ trình đề án đường cao tốc, chúng tôi có đề xuất với Chính phủ phải khơi thông nguồn vốn nước ngoài mới đầu tư được giao thông", ông Huy nói.
Đầu tư cao tốc cần vốn lớn, thời gian hoàn vốn kéo dài. Ảnh: Đoàn Loan |
Về góc nhìn doanh nghiệp, ông Nguyễn Văn Tỉnh, Tổng giám đốc Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (VIDIFI) cho rằng, các công ty đầu tư cao tốc Nhật Bản có quyền phát hành trái phiếu. Đây là một kênh tốt hơn kênh của nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, cần minh bạch các chính sách để thu hút đầu tư. Những nhà đầu tư lớn được rất nhiều nước chào mời chứ không riêng Việt Nam.
Thu hút đầu tư nước ngoài cần theo thông lệ quốc tế, bởi nếu lợi nhuận dưới 15% sẽ không nhà đầu tư nào dám làm đường cao tốc. Trong khi đó, các nhà đầu tư Việt Nam hiện nay đang cố gắng lấy công làm lãi, hoặc Nhà nước cần đầu tư xây dựng nên cố gắng đầu tư.
Ông Tỉnh bày tỏ quan ngại trường hợp đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, Thủ tướng đã có quyết định hỗ trợ doanh nghiệp khoảng 39% vốn đầu tư, trong đó hỗ trợ trực tiếp bằng tiền là 23%. Tuy nhiên, hiện nay VIDIFI chưa nhận được đồng nào.
Bên cạnh đó, để làm đường cao tốc, địa phương cần có sự cam kết trong công tác giải phóng mặt bằng. Bởi chỉ một xóm không đi thì đường cao tốc chắc chắn phải dừng lại.
Ông Mai Tuấn Anh, Tổng giám đốc Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam (VEC) cho rằng, các dự án đường bộ cao tốc cần nguồn vốn rất lớn, thu hồi vốn dài, có khi đến vài chục năm. Do đó, vai trò hỗ trợ của Nhà nước là rất quan trọng, nếu không rất khó thu hút vốn.
Các nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia, họ rất cần sự minh bạch trong tất cả các khâu của quá trình đầu tư dự án. Nhà đầu tư cần sự đảm bảo để họ huy động vốn chủ sở hữu. Mức lợi nhuận kỳ vọng của các nhà đầu tư là 14% cao hơn so với quy định của Bộ Tài chính (1,3 lần so với lãi suất trái phiếu tương đương khoảng 9-10%), nhưng thực ra nhà đầu tư đang phải gánh chịu nhiều rủi ro, như chênh lệch tỷ giá, doanh thu… Khi làm việc với nhà đầu tư nước ngoài, một số nhà đầu tư còn đòi hỏi cao hơn.
Ông Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia, cũng cho rằng, phần vốn đầu tư của tư nhân chỉ có thể từ ngân hàng thương mại, áp lực lên ngân hàng thương mại sẽ là cả 93.000 tỷ vốn trái phiếu Nhà nước và hơn 100.000 tỷ đồng vốn nội địa. Điều này sẽ tạo áp lực với các ngân hàngvì không còn vốn cho các dự án khác.
Hiện, các ngân hàng cũng rất cảnh giác cho vay BOT vì nợ xấu rất nhiều. Vì vậy, vốn nội địa rất khó khăn. Do đó, Bộ Giao thông phải có cơ chế hướng doanh nghiệp vay vốn từ nước ngoài. Bởi hiện các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến các dự án giao thông của Việt Nam, không chỉ đường cao tốc mà cả sân bay Long Thành. Có điều, các nhà đầu tư lo ngại về rủi ro pháp lý của Việt Nam bởi đây là dạng đầu tư tài chính. Bên cạnh đó, cũng cần làm rõ về cơ chế thu phí để hoàn vốn đầu tư, điều tiết nguồn lực để các nhà đầu tư an tâm.
Tại buổi tọa đàm, Thứ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Nhật khẳng định rất cần có vốn ngân sách hỗ trợ. So với các dự án đã đầu tư cao tốc trước đây, thì vốn của ngân sách khoảng 52,8%. Tuy nhiên, trong số 230.000 tỷ đồng đầu tư cho cao tốc Bắc Nam lần này, ngân sách Nhà nước rất hạn chế do nợ công của Việt Nam đã cao. Vì thế, Bộ Giao thông tính toán vốn ngân sách sẽ hỗ trợ vào khoảng 40,7%, giảm nhiều so với các dự án trước đây.
Trên toàn tuyến, dự án có những đoạn số lượng xe đông thu hồi vốn tốt nhưng có những đoạn rất hạn chế, thu hồi vốn khó vì thế cũng cần có sự hỗ trợ của Nhà nước. Từ kinh nghiệm mở rộng Quốc lộ 1 và đường Hồ Chí Minh, để đảm bảo tiến độ, chất lượng cần vốn ngân sách để hỗ trợ đầu tư, nhất là để giải phóng mặt bằng. Nếu ngân sách hỗ trợ được 40,7% vốn đầu tư thì việc kêu gọi vốn ngoài ngân sách còn lại là có thể thực hiện được.
Bộ Giao thông vừa trình Chính phủ đề án đầu tư xây dựng cao tốc Bắc Nam phía đông, đầu tư thêm 1.300km từ nay đến năm 2020 với tổng vốn đầu tư khoảng 229.800 tỷ đồng, trong đó nhà đầu tư huy động khoảng 136.300 tỷ đồng và Nhà nước hỗ trợ 93.500 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ 40%). Theo tờ trình, tuyến đường thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h. Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm. |