Theo dữ liệu từ CoinMarketCap, lúc 7h52' ngày 14/4 (giờ Việt Nam), Bitcoin - đồng tiền số vốn hóa lớn nhất thị trường tiền điện tử - đã lao xuống vùng giá 63.877 USD, sau khi lên mức 71.000 USD chỉ 1 ngày trước đó.
Trong 24h qua, giá trị Bitcoin đã giảm gần 5 %. Còn tính trong 7 ngày qua, Bitcoin đã mất 7,53%
giá trị.
Vài tuần lại đây, giá Bitcoin thường xuyên có sự rung lắc mạnh. Nhiều chuyên gia nhận định rằng tình trạng trên có thể đến từ tâm lý của các nhà đầu tư trước sự kiện halving cũng như những biến động của tình hình kinh tế toàn cầu.
Cứ bốn năm một lần, sự kiện halving sẽ xảy ra, cắt giảm một nửa nguồn cung tiền điện tử đang lưu thông để tạo ra hiệu ứng khan hiếm, khiến Bitcoin đúng nghĩa “vàng kỹ thuật số”. Việc này có thể đẩy giá Bitcoin lên phi mã nhưng cũng có thể kéo giá trị tài sản này xuống dốc.
Trong một bài đăng gần đây trên nền tảng mạng xã hội X, nhà phân tích tiền điện tử Rekt Capital cho rằng Bitcoin đang bước vào "vùng nguy hiểm" trước giai đoạn halving. Trong quá khứ, giá Bitcoin đã nhiều lần có sự điều chỉnh mạnh trước khi halving diễn ra.
Nhà phân tích Rekt Capital chia sẻ, những chu kỳ trước, giá Bitcoin đã giảm mạnh trong khoảng thời gian 14-28 ngày trước khi halving diễn ra. Trong đợt điều chỉnh vào năm 2016, giá Bitcoin đã giảm 40%. Vào năm 2020, Bitcoin cũng giảm 20% giá trị.
Từ đầu năm 2024 đến nay, Bitcoin đã liên tục tăng trưởng, thậm chí còn vượt mức đỉnh cũ trong lịch sử khi đạt giá trị gần 73.600 USD. Đây cũng là lần đầu tiên Bitcoin làm được điều này trước sự kiện halving.
Tuy nhiên, đến rạng sáng 13/4 (giờ Việt Nam), giá Bitcoin đã đột ngột có sự điều chỉnh mạnh. Việc Bitcoin giảm giá cũng kéo theo cả thị trường tiền điện tử trở nên "đỏ lửa". Hàng loạt đồng tiền điện tử lớn khác giảm giá mạnh.
Ethereum (ETH), loại tiền điện tử lớn thứ hai tính theo vốn hóa thị trường, có thời điểm giảm tới 12% trước khi thu hẹp đà giảm về mức gần 8%. Sáng 14/4, Ethereum được giao dịch ở vùng giá 2.900 USD.
Nhiều đồng tiền điện tử khác còn lao dốc mạnh hơn. Các Altcoin có mức vốn hóa trung bình hoặc thấp giảm 20-30% chỉ trong 1 ngày.
Theo Coinglass, trên 900 triệu USD các vị thế giao dịch hợp đồng tương lai trên các sàn giao dịch đã bị thanh lý sau nhịp giảm của thị trường, trong đó hơn 80% là các vị thế mua.
Sự lao dốc của thị trường tiền số xảy ra khi thị trường chứng khoán Mỹ chìm trong sắc đỏ, trong bối cảnh lo ngại xung đột ở Trung Đông leo thang.
Trong khi đó, trái phiếu kho bạc và chỉ số đôla Mỹ (DXY) lại bật tăng mạnh. Còn giá vàng biến động mạnh. Kim loại quý có thời điểm lên sát mức kỷ lục 2.430 USD mỗi ounce sau đó lao dốc về 2.335 USD chỉ trong vài giờ.
Bên cạnh đó, chỉ số CPI nóng hơn dự kiến trong số liệu mới nhất cũng làm giảm hy vọng hạ lãi suất của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed), trong bối cảnh lo ngại rằng việc kiềm chế mức giá tăng cao của cơ quan này chưa thực sự hiệu quả.
Theo Mai Anh (Vietnamfinance.vn)