Đã xuất hiện tại Việt Nam vài năm nay nhưng Black Friday (ngày Thứ Sáu Đen) mới thật sự trở thành phong trào từ năm 2015-2016 và đặc biệt diễn ra rầm rộ trong năm nay. Nếu Black Friday ở Mỹ chỉ diễn ra trong 24 giờ ngày thứ Sáu (24-11) và là dịp xả hàng tồn kho để chào đón năm mới thì Black Friday tại Việt Nam được các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh kéo dài từ ngày 24-11 đến hết chủ nhật 26-11. Lần đầu tiên, người tiêu dùng Việt Nam không chỉ có thể mua hàng giá rẻ trên các trang thương mại điện tử trong nước như Lazada, Shopee, Adayroi, Tiki... mà còn lấn sân sang các trang ngoài nước như Amazon, Ebay, Walmart… Các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng bằng nhiều cách cũng rầm rộ giới thiệu về ngày giảm giá này đến người tiêu dùng.
Hệ thống bán lẻ của Liên hiệp HTX Thương mại TP HCM - Saigon Co.op lần đầu tiên hưởng ứng Black Friday với chương trình bán hàng đồng giá hàng loạt mặt hàng thiết yếu kéo dài từ ngày 21 đến 26-11. Giảm mạnh nhất là các loại bột giặt, dầu gội đầu, nước rửa chén, sữa tắm, bình đun siêu tốc, các loại dụng cụ nhà bếp và nồi inox…
Big C cũng tổ chức đợt giảm giá đặc biệt từ ngày 24 đến 26-11, tập trung giảm giá sâu đến 50% hàng chục loại sản phẩm gia dụng, thời trang, các sản phẩm tiêu dùng nhanh và thực phẩm tươi sống. Ngoài ra, đối với các khung giờ vàng từ 20-22 giờ sẽ có 20 loại sản phẩm bán đồng giá 25.000-99.000 đồng.
Tại các trung tâm Vincom, gần 2.000 gian hàng đến từ những thương hiệu nổi tiếng trong nước và thế giới với mức giảm giá đến 50% cùng hơn 5 tỉ đồng quà tặng. Các hệ thống siêu thị điện máy - công nghệ như Nguyễn Kim, Thiên Hòa, Chợ Lớn, VinPro, Thế giới Di Động, Điện máy Xanh… và các cửa hàng thời trang, giày dép, mỹ phẩm… cũng không đứng ngoài cơ hội bán hàng này.
Lý giải hiện tượng khuyến mãi rầm rộ dịp Black Friday năm nay, ông Đỗ Quốc Huy, Giám đốc marketing Saigon Co.op, cho biết xu hướng "ăn theo" các ngày lễ, kỷ niệm của các nước tại Việt Nam ngày càng rõ nét. Ngoài ngày Black Friday, ngày Single Day (ngày 11-11 của Trung Quốc) cũng được giới trẻ quan tâm nhiều. Không chỉ Saigon Co.op mà nhiều doanh nghiệp cũng đã bắt nhịp xu hướng này và có nhiều chương trình, sản phẩm phục vụ khách hàng.
Tuy nhiên, một số đơn vị cho rằng vì đây là chương trình giảm giá theo phong trào, không qua sự kiểm tra, giám sát nào của cơ quan chức năng nên khó tránh khỏi tình trạng một số nơi lợi dụng cơ hội bán hàng dỏm, hàng giả hoặc giảm giá "ảo" để lừa khách hàng. Do đó, để tránh mua nhằm hàng kém chất lượng, hàng bị nâng giá, người tiêu dùng cần tìm hiểu kỹ về sản phẩm, giá cả, nơi bán trước khi mua và chỉ mua những sản phẩm thật sự cần thiết; nên mua hàng tại những địa chỉ uy tín. Đối với những sản phẩm giá trị lớn, có thời hạn sử dụng thì cần kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo hành…
Sản phẩm bị báo xấu sẽ bị gỡ
Ngay sau Black Friday, Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số - Bộ Công Thương cũng sẽ có chương trình mua sắm trực tuyến Online Friday vào ngày 1-12. Chương trình này được bảo đảm với hàng ngàn sản phẩm giá siêu rẻ của gần 50 doanh nghiệp tham gia. Theo đó, cục sẽ sử dụng công nghệ vào kiểm soát chất lượng và giá sản phẩm, lọc giá bảo đảm giá sản phẩm đưa ra là thật. Ngoài ra, áp dụng cơ chế cho người tiêu dùng phản ánh trên trang Online Friday, sản phẩm nào có phản ánh xấu thì gỡ ngay khỏi trang, không còn hiển thị được.
Theo Phương An (Nld.com.vn)