Theo ghi nhận của PV Báo Gia đình & Xã hội, hầu hết các sản phẩm được rao bán tại các "kho đông lạnh" trên mạng xã hội đều được người bán quảng cáo là hàng xuất Nga, Mỹ,.. nhập theo lô nên có giá thành rẻ.
Điều gây bất ngờ là các loại thực phẩm như kê gà, đuôi bò được coi là hàng hiếm với giá thành cao trên thị trường thì nay chỉ được rao bán với giá từ 60.000 đồng đến 150.000 đồng/kg với kê gà, 70.000 đồng đến 90.000 đồng/kg với đuôi bò.
Không chỉ vậy, giá của nhiều loại thịt cũng rẻ đến bất ngờ. Dải sườn bò có giá chỉ 90.000 đồng/kg, chân giò heo giá 50.000 đồng/kg. Các sản phẩm truyền thống từ xưa nay vẫn được thị trường ưa chuộng như cánh gà, đùi gà có giá chỉ từ trên dưới 30.000 đồng/ kg trở lên.
Nguyên nhân chính của tình trạng này được cho là do việc Việt Nam tăng cường việc nhập khẩu thịt từ các quốc gia khác. Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, Việt Nam đã nhập khẩu hàng trăm nghìn tấn thịt đông lạnh các loại trong 8 tháng đầu năm 2020.
Trong đó, các sản phẩm về thịt heo chiếm tỷ lệ lớn với 64,66 nghìn tấn nhập khẩu, tăng đến 352, 6% về giá trị nhập so với cùng kỳ năm 2019.
Theo nhiều đầu mối bán lẻ các loại mặt hàng này, tuy có giá thành rẻ nhưng hầu hết đầu ra của sản phẩm vẫn là các nhà hàng, quán ăn lớn.
Chị Phan Thị Nhàn (42 tuổi, tiểu thương bán thịt) tại Trần Quốc Vượng, Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: "Trước đây, đùi gà, cánh gà vẫn là mặt hàng bán mạnh nhất. Các loạt thịt bò, thịt lợn nhập khẩu vẫn kén người ăn hơn. Tuy nhiên, thời gian gần đây do giá thịt tươi tăng cao nên nhiều người đã cân nhắc lựa chọn các loại thịt này. Ví dụ như chân giò Nga được sử dụng làm chân giò rút xương quay rất phổ biến. Các loại bò ba chỉ Mỹ được sinh viên ưa chuộng để nhúng lẩu".
Tuy có giá thành rẻ nhưng người tiêu dùng cần cẩn trọng xem xét về việc kiểm soát nguồn gốc xuất xứ các sản phẩm này đặc biệt là khi các sản phẩm đến tay người tiêu dùng chủ yếu qua hình thức chia nhỏ, bán lẻ.
Trao đổi với PV Báo Gia đình & Xã hội, chuyên gia dinh dưỡng Nguyễn Xuân Trà - nghiên cứu tại Đại học Leeds Beckett (Anh) cho rằng, bản chất thịt đông lạnh được sử dụng rất phổ biến ở các nước như Anh, Nga, Mỹ,… Người Việt thường có thói quen sử dụng thịt "tươi" hơn. Tuy nhiên, vấn đề quan trọng nhất khi sử dụng các loại thịt đông lạnh đó là vận chuyển và nhãn mác.
Về bảo quản, trong quá trình vận chuyển đến các đầu mối hoặc bán lẻ thì các loại thịt đông lạnh nếu không được bảo quản đủ độ lạnh sẽ gây ra tình trạng nhiễm khuẩn gây ra ngộ độc và các vấn đề về sức khỏe khi sử dụng lâu dài.
"Người tiêu dùng cũng không nên sử dụng các sản phẩm không rõ nhãn mác kể cả bày bán lẻ. Khi thấy các dấu hiệu như thịt có mùi, màu sắc bất thường, chảy nhớt trắng thì tuyệt đối không mua và sử dụng", chuyên gia dinh dưỡng khuyến cáo.
Theo Huy Hoàng (Gia Đình & Xã Hội)