Luật sư Trương Thanh Đức cho rằng người tham gia sân chơi Bitcoin nên lường trước tất cả rủi ro có thể xảy ra cho mình vì khác với những tài sản có thể nắm bắt được như vàng, nhà đất hoặc một số hình thức đầu tư khác có sàn giao dịch, tức có sân chơi rõ ràng.
Theo ông Đức, các giao dịch tiền điện tử, tiền ảo, nhà đầu tư không biết giao dịch với ai, tất cả đều thông qua mạng. Khi sự cố xảy ra cũng không có căn cứ nào để khiếu nại.
Về giá cả, do tất cả là ảo nên cũng không biết thế nào là cao, thế nào là thấp.
Bằng chứng là vừa qua dù có thời điểm giá một Bitcoin lên đến 20.000 USD nhưng cũng chỉ trong thời gian ngắn giảm về mức 14.000 USD.
"Về phía cơ quan chức năng, tất nhiên trong lúc nhà đầu tư "say máu" thì cơ quan chức năng cũng khó mà cấm được vì cấm chỗ này họ sẽ lách chỗ khác. Do vậy theo tôi, trước tiên các tổ chức cần ngồi lại với nhau, từ đó đưa vào một luật cụ thể để kiểm soát", ông Đức nói.
PGS.TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính Trường đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng phía sau đồng tiền điện tử là công nghệ blockchain (chuỗi khối) là một trong những xu hướng công nghệ đột phá, có khả năng ứng dụng rộng rãi ở nhiều ngành nghề, lĩnh vực như tài chính ngân hàng, bán lẻ, vận chuyển hàng hóa, sản xuất, viễn thông...
Tuy nhiên thời gian qua gần như nhà đầu tư không quan tâm đến công nghệ này mà chỉ quan tâm việc đầu tư giá lên giá xuống. "Như vậy rõ ràng họ xem đó là một dạng tài sản để đầu cơ", ông Bảo nói.
Ông Bảo cho rằng trong cơn sốt tiền điện tử, rõ ràng có chuyện cơ quan chức năng lúng túng, vì đây là hình thức quá mới và cơ quan chức năng cũng thận trọng.
"Không chỉ tại Việt Nam mà nhiều quốc gia trên thế giới cũng vậy, nhất là khi mọi giao dịch đều mang tính ẩn danh, khó truy cứu. Theo tôi, ngoài việc cảnh báo, thời gian tới cơ quan chức năng nên có hành động mạnh hơn để đưa hoạt động này vào khuôn khổ", ông Bảo đề nghị.
Tại buổi tọa đàm "Bitcoin và làn sóng blockchain" do tạp chí NDH tổ chức tuần qua, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán SSI, cho rằng Bitcoin không phải là tiền mà chỉ là một loại tài sản đầu cơ.
Do lượng người quan tâm đến Bitcoin và các loại tiền điện tử khác ngày càng nhiều nên giá tăng rất nhanh, biến động với biên độ lớn và thu hút ngày càng nhiều người tham gia thử vận may trong cơn sốt này.
Chính vì vậy đây là mảnh đất màu mỡ để các tổ chức và cá nhân hình thành các hoạt động lừa đảo.
Nhiều chuyên gia kiến nghị Nhà nước cần nhanh chóng có khung pháp lý để điều chỉnh hoạt động này, qua đó sẽ minh bạch thị trường mua bán, kiểm soát được các hoạt động phạm tội, giảm thiểu rủi ro cho những người tham gia và quan trọng nhất là Nhà nước kiểm soát được hoạt động và thu được thuế.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, khẳng định ràng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác không phải là phương tiện thanh toán hợp pháp tại Việt Nam.
Chính vì thế, việc phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác làm phương tiện thanh toán là hành vi bị cấm, theo ông Minh.
Ông cho biết Ngân hàng Nhà nước TP.HCM đã báo cáo với Ngân hàng Nhà nước, UBND TP.HCM và đề nghị cơ quan công an phối hợp để xử lý hình sự các trường hợp vi phạm.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về tiền tệ, tài chính, ngoại hối, ông Minh cũng khuyến cáo và đề nghị người dân, các doanh nghiệp không nên tham gia các hoạt động liên quan đến các đồng tiền ảo có rất nhiều rủi ro.
Theo Bộ Luật Hình sự sửa đổi, bổ sung, từ 1-1-2018, hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng Bitcoin và các loại tiền ảo khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Phạt 150 - 200 triệu đồng
Theo quy định tại Khoản 6 Điều 27 Nghị định 96 năm 2014 về xử phạt hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng, các hành vi phát hành, cung ứng, sử dụng các phương tiện thanh toán không hợp pháp (bao gồm cả Bitcoin và các loại tiền ảo tương tự khác) sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính mức từ 150 - 200 triệu đồng.
Theo Ánh Hồng - Sơn Bình (Tuổi Trẻ)