Cân nhắc thời điểm tăng giá hàng hóa

18/04/2017 09:39:00

Tại phiên họp bàn về phương hướng điều hành giá 9 tháng còn lại năm 2017 ngày 17-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành cân nhắc thời điểm tăng giá hàng hóa, tránh gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Tại phiên họp bàn về phương hướng điều hành giá 9 tháng còn lại năm 2017 ngày 17-4, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành cân nhắc thời điểm tăng giá hàng hóa, tránh gây ảnh hưởng đến kinh tế vĩ mô.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu phải cân nhắc thời điểm tăng giá điện, tránh gây áp lực lên CPI Ảnh: TTXVN

Theo Phó thủ tướng, áp lực tăng giá những năm nay khá lớn nhưng Chính phủ quyết tâm kiểm soát chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả năm không quá 4% để ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo tăng trưởng.

Nhiều áp lực điều chỉnh giá

Theo ông Nguyễn Anh Tuấn - cục trưởng Cục Quản lý giá, Bộ Tài chính, dù tốc độ CPI những tháng đầu năm có xu hướng giảm dần nhưng CPI bình quân ba tháng đầu năm vẫn tăng 4,69% so với cùng kỳ năm ngoái.

Nguyên nhân chủ yếu là do giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế và học phí tăng, chỉ riêng học phí mầm non và phổ thông tăng khoảng 5% so với năm 2016, chưa kể mức lương tối thiểu vùng áp dụng cho người lao động ở các doanh nghiệp tăng từ ngày 1-1.

Cũng theo ông Tuấn, với việc điều chỉnh giá các dịch vụ công, CPI cả năm tăng khoảng 3,62%, gần chạm mục tiêu đề ra 4%, dư địa cho việc điều chỉnh giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý theo lộ trình thị trường như giá bán lẻ điện bình quân, giá nước sạch sinh hoạt, giá khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 14 địa phương... sẽ không còn nhiều.

Liên quan đến giá bán lẻ điện bình quân, Thứ trưởng Bộ Công thương Hồ Thị Kim Thoa cho biết đã gửi Bộ Tài chính một số phương án để tính toán, đang chờ Bộ Tài chính có ý kiến để báo cáo Thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Vương Đình Huệ cho rằng cần phải tách bạch từng loại nguồn điện, chẳng hạn riêng nhiệt điện đã có mấy loại (chạy dầu, than...), trong đó nhiệt điện chạy dầu đắt đỏ nhất nhưng từ đầu năm chưa sử dụng.

Trong khi tỉ trọng nhiệt điện chạy dầu khá lớn, nếu không dùng nguồn này, tổng chi phí sản xuất điện phải giảm xuống.

Với đề xuất sớm cho phép điều chỉnh giá dịch vụ khám chữa bệnh bảo hiểm y tế đối với 14 tỉnh còn lại của Bộ Y tế, ông Huệ cho rằng nếu điều chỉnh đồng loạt sẽ rất căng vì sẽ tác động ngay vào CPI.

Do đó, ông Huệ yêu cầu tính toán thời điểm phù hợp, đồng thời chỉ đạo ngay trong tháng 5 phải tiến hành đấu thầu thuốc tập trung để kéo giá thuốc giảm ít nhất 10-15%.

“Chính phủ giao mà các đồng chí không làm lại cứ nhăm nhăm điều chỉnh giá khám chữa bệnh” - ông Huệ nói.

Giá điện không tăng
 sẽ rất tốt

Sau khi nghe các bộ báo cáo, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh kiểm soát lạm phát tác động trực tiếp đến việc ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ cho tăng trưởng.

Trong khi tăng trưởng kinh tế đang gặp nhiều khó khăn, quý 1-2017 chỉ đạt 5,1% - thấp hơn cùng kỳ mấy năm trước, nếu CPI tăng sẽ ngay lập tức ảnh hưởng đến tăng trưởng, bởi các nhà đầu tư chỉ nhìn tỉ giá, lãi suất và CPI để đưa ra quyết định đầu tư.

“Việc điều chỉnh giá cả các mặt hàng do Nhà nước quản lý phải đảm bảo theo mục tiêu CPI cả năm là không vượt quá 4%” - ông Huệ nói.

Phó thủ tướng thừa nhận phải ưu tiên điều chỉnh giá dịch vụ y tế để các cơ sở khám chữa bệnh tự chủ tài chính và nâng cao chất lượng dịch vụ, nhưng phải cân nhắc thời điểm bởi giá xăng cũng có thể sẽ điều chỉnh, tránh gây tác động quá lớn đến sức chịu đựng của người dân và doanh nghiệp.

Riêng với giá điện, ông Huệ cho rằng áp lực tăng giá thời điểm này thấp hơn rất nhiều so với trước đây nhờ thủy điện thuận lợi, giá than giảm..., do đó nếu giá điện không tăng sẽ rất tốt.

Tuy nhiên, theo ông Huệ, giá điện rẻ cũng sẽ không thu hút được các nhà đầu tư vào điện gió, điện mặt trời... Nhưng điều hành giá phải tìm nhân tố giảm để kéo CPI xuống.

Năm nay đặt ra mức 4% là thấp so với VN, nhưng vẫn còn cao so với các nước trong khu vực. Do đó, phải triệt để kiểm soát tốc độ tăng giá các mặt hàng, nếu điều chỉnh phải cân nhắc thận trọng thời điểm và cả mức điều chỉnh. Dứt khoát CPI năm nay không được vượt 4%.

Tại cuộc họp, Ban điều hành giá thống nhất quan điểm phải phối hợp với Tổng cục Thống kê để tính toán mức độ và thời điểm điều chỉnh tăng giá đối với các mặt hàng mà Nhà nước còn quản lý giá, tránh tăng giá nhiều mặt hàng vào nửa đầu năm.

Với giá xăng dầu, vẫn điều hành theo cơ chế thị trường như hiện nay, nhưng sử dụng hợp lý quỹ bình ổn giá với liều lượng thích hợp để tránh tăng giá quá cao.

Ngoài ra, Bộ Công thương chủ trì xây dựng phương án điện phù hợp để báo cáo Thủ tướng kịch bản điều hành để kiểm soát được lạm phát, đảm bảo hài hòa giữa mục tiêu khuyến khích đầu tư sản xuất điện và hạn chế tác động đến sản xuất, tiêu dùng và đời sống của người dân.

 

"Phải triệt để kiểm soát tốc độ tăng giá các mặt hàng, nếu điều chỉnh phải cân nhắc thận trọng thời điểm và cả mức điều chỉnh

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ


Theo Lê Thanh (Tuổi Trẻ)