Căn hộ 1,05 tỷ được ưu đãi, nhà hơn 700 bị đánh thuế: Khó hiểu

22/04/2018 19:13:48

Nhiều chuyên gia cho rằng việc đánh thuế tài sản là thông lệ quốc tế, tuy nhiên việc áp dụng tại Việt Nam cũng cần có những cân nhắc kỹ lưỡng và lộ trình cụ thể.

Ở Mỹ đóng tới 70%

Tại buổi toạ đàm trực tuyến liên quan tới dự thảo đánh thuế nhà trên 700 triệu, chuyên gia Vũ Đình Ánh cho rằng, đây là thông lệ áp dụng trên thế giới. Ông Ánh ví dụ, Singapore đánh thuế dựa trên giá trị nhà ở. Việc đánh thuế dựa trên điều kiện kinh tế, xã hội, có cả yếu tố chính trị ở đây.

Theo ông Ánh, thuế tài sản có lịch sử rất lâu đời, gắn với bản chất của nhà nước. Nếu áp dụng luật thuế tài sản với đất, thì thuế suất sẽ tăng lên gấp 10 lần, từ 0,03% lên 0,3 hoặc 0,4%.

Đồng quan điểm, TS. Đinh Tuấn Minh dẫn chứng, đối với thuế tài sản, ở Mỹ chiếm 60-70% tổng thu ngân sách và theo xu hướng giảm dần. Thuế thu nhập cũng chiếm tỷ trọng lớn của các quốc gia nhưng cũng giảm dần. Thu nhiều hơn vào thuế gián thu, thuế tiêu thụ, VAT, việc đánh vào thuế này đơn giản so với các thuế thu nhập.

Thứ hai là tính đơn giản trong thuế. Không nên loay hoay giữa việc đánh thuế nhà thứ nhất hay đánh thuế nhà thứ hai, hoặc xác định người ta sở hữu ngôi nhà thứ 3 hay thứ 4. Ông Ánh cho rằng, nhà nên và cần là một đối tượng để đánh thuế. Nhưng không nên đánh thuế là nhà giá trị thấp, phần lớn của người nghèo, thu nhập thấp, đời sống khó khăn thì không nên dồn gánh nặng lên vai họ. Liên quan tới bản thân ngành quản lý, nhà giá trị thấp thu cũng không đáng bao nhiêu, giống thu thuế đất phi nông nghiệp. Nó vi phạm một nguyên tắc của thuế là tính hiệu quả.

TS. Đinh Tuấn Minh nêu vấn đề, đối với thuế, về cơ bản đều đánh trên thu nhập của con người ta, có cái đánh trực tiếp khi thu được và tiếp đến là thuế tiêu thụ, cho người ta được quyền chủ động. Câu chuyện thuế tài sản đặt ra trong một giả thuyết của Bộ Tài chính, đó là nếu tôi có một căn hộ mà vì lý do nào đó tôi không đóng thuế được, từ đó xảy ra nợ thuế.

“Dự thảo của Bộ có dòng rất ngắn: trong trường hợp không đóng được thì cứ tích dần, khi nào chuyển nhượng tài sản thì đóng thuế. Điều này cho thấy tính khả thi của luật yếu và phải tính được làm thế nào để người dân phải nộp thuế. Nếu không rõ ràng, thuế tài sản sẽ dẫn đến một điều sẽ tạo ra cái xung đột giữa người đang được hưởng thụ tài sản với chính quyền”, ông Minh nói.

Căn hộ 1,05 tỷ được ưu đãi, nhà hơn 700 bị đánh thuế: Khó hiểu
Đánh thuế nhà người nghèo gặp khó khăn

700 triệu có hợp lý?

Ông Nguyễn Văn Đính, Tổng Thư ký Hội Môi giới BĐS Việt Nam, cho hay, ở nước ngoài có những căn hộ nghìn có giá nghìn USD/m2, khác xa thu nhập của chúng ta.

Trong khi đó, giá nhà 700 triệu đồng được Bộ Tài chính đưa ra đang có mâu thuẫn, Chính phủ có chính sách giá, nếu một nhà thương mại có giá 1,05 tỷ đồng thì được ưu đãi, hỗ trợ vay vốn cho người mua và cả người phát triển. Nhưng, giờ ta lại đánh thuế với mức giá 700 triệu đồng thì cần phải xem xét có phù hợp không. Đặc biệt là đối tượng đánh thuế.

Ông Vũ Đình Ánh tỏ ra bất ngờ và thắc mắc là ngưỡng 700 triệu để đánh thuế nhà, cơ sở nào để đưa ra mức này? Trong khi phần suất đầu tư để đánh thuế lại ở Bộ Xây dựng. Theo vị chuyên gia này, người ta chỉ tính giá đánh thuế với phần giá trị nằm trên 700 triệu đồng. Chúng ta không nên hiểu lầm.

Còn ông Nguyễn Văn Đính nhận định, hiện có nhiều loại thuế trong lĩnh vực xây dựng. Ở đây, khi hình thành ra một tài sản ngôi nhà, bản thân nó đã có phải gánh nhiều loại thuế. Thực tế đó đã tạo ra một giá trị, cao hơn so với các nước và ngang bằng nước phát triển.

“Thực tế, thông tin đánh thuế này đang trực tiếp gây tâm lý không tốt cho người tiêu dùng. Đặc biệt, tại phân khúc căn hộ chung cư, khi mà tâm lý người dân đang bị dao động sau những vụ cháy, thị trường đang bất lợi. Nếu chính sách không tốt sẽ tác động không tốt tới thị trường”, ông Đính lo ngại.

Theo vị chuyên gia này, chính sách nhà nước đang tạo điều kiện cho mọi người mua nhà, nhưng việc đánh thuế như đề xuất đang khiến cho khả năng người thu nhập thấp mua nhà khó hơn.

Về tính khả thi của việc đánh thuế tài sản, chuyên gia Đinh Tuấn Minh nhận xét không dễ gì thu được và thu công bằng còn khó hơn, nhiều khả năng dẫn đến những trường hợp xung đột, cưỡng chế, cưỡng ép, kiện cáo ra tòa.

“Các tài sản thế chấp ngân hàng, không trả được khi bán vẫn còn gian nan. Đền bù giải phóng mặt bằng người ta không đồng ý đền bù thì vài năm còn chưa xử lý được. Tôi thấy có nhiều cái phải suy nghĩ thấu đáo về tính hiệu quả của nó. So với khoản thu ngân sách như vậy, hay chăng nên cân nhắc khoản thu khác dễ, hợp lý hơn. Nếu bắt buộc phải đánh thuế, chỉ nên trao về cho chính quyền địa phương, quy mô sẽ nhỏ, hợp lý hơn”, ông Minh kiến nghị.

Theo Duy Anh (VietNamNet) 

Nổi bật