“Đỏ mắt” tìm lao động du lịch
Ngành du lịch đã hoạt động trở lại bình thường, các doanh nghiệp đang ồ ạt tuyển dụng nhân viên, tuy nhiên vẫn chưa thể lấp đầy các vị trí còn thiếu.
Trao đổi với PV. VietNamNet, ông Anton Besbalov - Tổng Quản lí khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hoi An (huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) - cho biết, doanh nghiệp này đang gặp khó khăn trong việc tuyển nhân viên sau dịch.
“Số nhân viên của chúng tôi trước dịch có khoảng 190 người. Thời gian dịch bệnh, nhân viên chủ động nghỉ việc, số lượng khoảng 50 người. Chúng tôi cần tuyển thêm khoảng 250 người nữa nhưng rất khó khăn”, ông Anton nói.
Theo ông Anton, trong tổng số các vị trí đang thiếu hụt, trầm trọng là nhân viên buồng phòng và nhà hàng. Lý do là bởi, việc mở cửa, du lịch bình thường trở lại sau dịch nên tất cả các khu nghỉ dưỡng, khách sạn… tại Đà Nẵng, Hội An đều tuyển dụng nhân sự nên có sự cạnh tranh cực kỳ lớn.
“Hơn nữa, khu nghỉ dưỡng có vị trí khá xa so với các trung tâm, không có hệ sinh thái du lịch xung quanh. Ngoài ra, đó là do sự thiếu hụt các trường đào tạo nghề, thiếu nhân viên được đào tạo nghề chuyên nghiệp”, ông Anton cho hay.
Cùng cảnh, CEO tập đoàn Le Pavillon Hội An group Đỗ Như Châu cũng thừa nhận, khách sạn của ông trước dịch có khoảng 300 nhân viên, nay chỉ còn 140 người. Tập đoàn đang loay hoay tuyển dụng thêm 100 nhân lực mới.
Ông Châu cho rằng, nguyên nhân chính là bởi nhiều nhân viên du lịch đã đổi nghề và sự cạnh tranh nhân lực giữa các doanh nghiệp. Trước dịch, các nhân viên của khách sạn tạm thời nghỉ việc, giờ nhiều đơn vị được gọi lại với mức lương cao nhằm lôi kéo người.
Tại khách sạn Vanda (đường Nguyễn Văn Linh, quận Hải Châu), Tổng quản lý Nguyễn Đức Cương bày tỏ lo ngại trước thực trạng khách sạn có nhu cầu tuyển dụng để đảm bảo khung nhân sự các bộ phận hoạt động ổn định, song số lượng hồ sơ nộp vào rất ít.
Chưa kể, chất lượng ứng viên không tốt và đều như trước. Theo ông, chỉ 50% nhân sự tuyển vào là đáp ứng được yêu cầu của khách sạn, số còn lại phải mất thêm thời gian để đào tạo lại.
Hụt nhân sự sẽ cản trở du lịch hồi sinh
Ông Nguyễn Đức Quỳnh - Chủ tịch Hội Khách sạn Đà Nẵng - nhận xét, nguồn nhân lực du lịch đang gặp hai vấn đề, đó là số lượng và chất lượng.
Theo ông Quỳnh, về số lượng, hiện nhiều nhân sự đã chuyển ngành và không quay trở lại. Về chất lượng, người lao động gặp khó khăn trong việc bắt nhịp và đáp ứng với guồng quay công việc sau khi mở cửa lại. Bên cạnh đó, sinh viên từ các trường dạy nghề không có cơ hội thực hành thực tế trong 2 năm học online, dẫn tới khoảng thời gian trống dài sau khi tốt nghiệp và đi làm.
“Sự thiếu hụt về nhân sự là một trong những cản trở lớn làm hạn chế những nỗ lực hồi sinh ngành kinh tế mũi nhọn của Đà Nẵng. Đây là vấn đề chung của ngành du lịch, không chỉ với riêng công ty du lịch hay khu nghỉ dưỡng nào. Giải pháp đặt ra là cần có một mô hình phát triển nguồn nhân sự du lịch bền vững cho toàn ngành, không chỉ để phục hồi hậu Covid-19 mà còn phục vụ cho các mục tiêu xa hơn”, ông Quỳnh nói.
Để giải quyết bài toán nhân lực, ông Anton Besbalov - Tổng Quản lí khu nghỉ dưỡng TUI BLUE Nam Hoi An, cho biết, đơn vị này đưa ra một số phương án thu hút nguồn nhân lực, như tận dụng nguồn nhân lực địa phương, không tuyển dụng người nước ngoài.
“Nhân viên ở địa phương không cần chi trả mức lương quá cao, điều quan trọng là cần đào tạo, giúp họ gắn bó và phát triển lâu dài ngay tại quê hương. Tới đây, chúng tôi sẽ hợp tác với các trường đại học ở Quảng Nam, Đà Nẵng để đào tạo cũng như tuyển dụng sinh viên vừa ra trường”, ông tiết lộ.
Ông Anton Besbalov cũng mong muốn chính quyền địa phương tổ chức những hội nghị, hội thảo chuyên đề về ngành du lịch, những hội chợ việc làm để sinh viên mới ra trường tiếp cận công việc dễ dàng hơn.
Tổng Thư ký Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Hồ Thanh Tú thông tin, thời gian qua, hội đã phối hợp với Liên đoàn Lao động TP và UBND TP. Đà Nẵng tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo nghiệp vụ hỗ trợ lao động du lịch. Sắp tới, các cơ quan sẽ phối hợp làm việc với các trường đại học, cao đẳng du lịch trên địa bàn để có thêm các khóa đào tạo cho nhân viên du lịch và tuyển dụng sinh viên mới ra trường.
Sở VH-TT&DL Quảng Nam cũng liên kết với Sở LĐ-TB&XH cấp phép thêm trung tâm đào tạo nghề du lịch tại địa phương.
Tại buổi làm việc với UBND TP. Đà Nẵng mới đây, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh cho hay, Bộ này đang xây dựng phần mềm kết nối thị trường lao động, dự kiến hoàn thành trong năm 2022, với mục tiêu tạo ra cơ sở dữ liệu về lao động cung - cầu nhằm hỗ trợ các địa phương ổn định và phát triển thị trường lao động.
Theo thống kê của Sở Du lịch Đà Nẵng, khi dịch Covid-19 bùng phát cuối tháng 4/2021, hơn 42.000 lao động trực tiếp và hàng trăm nghìn lao động gián tiếp trong ngành du lịch tại Đà Nẵng đã thất nghiệp, hoặc chuyển sang làm ngành nghề khác. Trong khi đó, tại Quảng Nam, đại dịch cũng ảnh hưởng trực tiếp đến khoảng 14.000 lao động du lịch.
Theo Hồ Giáp - Công Sáng (VietNamNet)