Trên thương trường, Khải Silk được biết đến như một cái tên quá “nhẵn mặt” với tầng lớp thượng lưu. Người đàn ông này xây dựng “đế chế” và tạo ra phong trào người Việt dùng khăn tơ lụa được sản xuất trong nước. Biểu tượng cũng như chiếc khăn mang nhãn mác KhaiSilk biến món hàng thành thứ xa xỉ, được nhiều người ưa chuộng và chọn mua để sử dụng hoặc làm quà tặng. Thậm chí, không ít người ngoại quốc đến Việt Nam, khi ra về vẫn chọn cho mình một sản phẩm mang thương hiệu KhaiSilk.
Thế nhưng gần đây, việc bị phát hiện và lột trần hành vi nhập hàng Trung Quốc về gắn mác KhaiSilk đã làm "tổn thương" đối với những người từng đặt niềm tin cho thương hiệu này.
Trước lúc xảy ra sự cố trên, sau thành công trên thị trường tơ lụa, ở TP.HCM, Khải Silk đã “tiến đánh” vào bất động sản và kinh doanh hàng loạt nhà hàng cao cấp như: Au Menoir de Khai, Ming Dynasty, Nam Phan chuyên ẩm thực Việt Nam; Cham Charm, Trois Pommes chuyên ẩm thực Pháp; Tao lI chuyên về hải sản; London Steak House, Khai’s Brothers và That’s Café.
Ngoài việc phát triển chuỗi cửa hàng độc lập, Khải Silk còn mở thêm các cửa hàng trưng bày và bán sản phẩm tại các khách sạn 5 sao. Hiện ông chủ Hoàng Khải có 7 cửa hàng lớn nằm tại khách sạn Mariott, Intercontinental, Legend, Sài Gòn và Hà Nội.
Riêng TP.HCM, Tập đoàn Khải Silk sở hữu biệt thự TajmaSago (nằm cạnh Hồ Bán Nguyệt, khu Phú Mỹ Hưng, quận 7). Lâu đài này xây dựng dựa trên cảm hứng từ ngôi đền Taj Mahal Ấn Độ, có trị giá khoảng 15 triệu USD và được tận dụng để làm resort.
Ngoài ra, Khải Silk cũng sở hữu một trung tâm thương mại cao cấp có tên Saigon Paragon (góc ngã 4 Nguyễn Lương Bằng – Hoàng Văn Thái, quận 7) trị giá 35 triệu USD khai trương vào tháng 7.2009. Thêm vào đó, toà nhà The Khai (quận 7) đang hoàn thiện được ước tính con số 30 triệu USD.
Theo Kỳ Phương (Dân Việt)