Cạm bẫy tín dụng đen: Vay 200 triệu, mất nhà 10 tỷ

08/09/2015 09:55:35

Lãi vay lên đến 150%/tháng, thậm chí cao gấp tới 128 lần so với lãi suất ngân hàng. Không trả được nợ, thì cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Bị dồn vào đường cùng, thậm chí án mạng đã xảy ra. Người bị lừa mất nhà, trắng tay, kẻ tù tội, mất mạng…

Lãi vay lên đến 150%/tháng, thậm chí cao gấp tới 128 lần so với lãi suất ngân hàng. Không trả được nợ, thì cướp tài sản, cưỡng đoạt tài sản. Bị dồn vào đường cùng, thậm chí án mạng đã xảy ra. Người bị lừa mất nhà, trắng tay, kẻ tù tội, mất mạng… Đó là bức tranh tối của hoạt động tín dụng đen đang diễn ra nhan nhản trong cuộc sống, được nhiều nạn nhân tìm đến chia sẻ tại Hội thảo “Giải cứu người nghèo khỏi bẫy tín dụng đen” được tổ chức chiều 7/9 tại Hà Nội.
Đây là cách ví von đầy chua xót được các chuyên gia dùng khi nói về tình trạng vay nặng lãi của những người nghèo, khi họ bị dồn đến chân tường, phải chấp nhận trả lãi vay với mức “cắt cổ” lên đến 150%/tháng- thực tế tưởng như đùa nhưng đang diễn ra khắp nơi.
 
Vay 200 triệu, mất nhà 10 tỷ
 
Tìm đến hội thảo để chia sẻ bài học từ kinh nghiệm đau thương của mình, ông Vũ Duy Hà (56 tuổi, trú tại Nghi Tàm, Hà Nội) bước đi trên đôi chân xiêu vẹo do cú sốc tiền bạc từ vụ vay nặng lãi. Vốn có một mảnh đất 50m²mặt phố Nghi Tàm do cha mẹ để lại (định giá theo thị trường vào khoảng 10 tỷ đồng), hai vợ chồng ông cùng với con cháu dựng tạm căn nhà cấp 4, bán quán nước chè dạo kiếm sống.
 
Năm 2012, một người quen tên Sơn đã tìm đến thuyết phục ông bà vay 200 triệu để xây sửa lại nhà, cho thuê kinh doanh. Lãi suất mà người này đưa ra chỉ 1,2%/tháng - khá “mềm” so với cái gọi là “tín dụng đen” trên thị trường. Nghe bùi tai, với lại cũng muốn tạo cơ hội kiếm thêm thu nhập cho gia đình gần chục miệng ăn, vợ chồng ông đồng ý.
 
Ngay lập tức, Sơn đưa ông lên 1 chiếc ôtô, chở đến Thụy Khuê (Tây Hồ) gặp Nguyễn Thị Hồng Nhung, tự xưng là Giám đốc Công ty TNHH Phần mềm CFA. Trên đường đi, Sơn đã đọc cho ông Hà nghe một bản hợp đồng vay vốn và yêu cầu ông ký ngay khi gặp Nhung. Chẳng hiểu biết hết, nghe cũng lõm bõm, nhưng tin vào Sơn và “công ty làm ăn uy tín”, ông đã không ngại đặt bút ký và đồng ý theo yêu cầu của Nhung là đưa sổ đỏ cho Nhung giữ để “làm tin”. Cầm tiền về, hằng tháng, ông đều đặng mang 2,4 triệu đến những quán café do Nhung hẹn gặp để trả lãi.

Nạn nhân tín dụng đen Vũ Duy Hà đang chia sẻ bài học đau thương của mình.
 
Mọi chuyện “êm xuôi” được 10 tháng, thì gia đình ông bỗng “được” đón cán bộ ngân hàng ghé thăm, ngó nghiêng nhà cửa và hỏi lý do sao ông lại bán nhà. Đến lúc này, cả gia đình ông mới tá hỏa khi biết ngôi nhà ông đang ở đã có giấy tờ chuyển nhượng cho người đứng tên là Nguyễn Thị Hồng Nhung, và người này đã mang sổ đỏ đi ngân hàng thế chấp để vay 4,8 tỷ đồng cách đây 9 tháng.
 
Đến nay, khi Nhung không trả được nợ, nên ngân hàng đến “xem xét tài sản thế chấp” để phát mãi. Gọi cho Nhung, thì điện thoại không liên lạc được. Viết đơn lên chính quyền, thì mới biết Nhung đã bỏ trốn. Đứng trước nguy cơ mất nhà, ông Hà gần như suy sụp hẳn. Suốt 2 năm nay, ông gõ cửa khắp nơi khiếu nại, nhưng bài toán của ông vẫn chưa có lời giải.
 
Cũng tình trạng bị lừa ký hợp đồng bán nhà, ông Vũ Anh Tuấn, một đại diện của nạn nhân khác tại hội thảo cho biết: do thiếu tiền kinh doanh, năm 2013, cả chục hộ gia đình, trong đó có gia đình ông đã đến Công ty CP Cát Nam Phong, trụ sở tại tòa nhà M3+M4 Nguyễn Chí Thanh (Đống Đa- Hà Nội) vay tiền.
 
Ở đây, ông và những người khác được yêu cầu giao sổ đỏ và ký hợp đồng chuyển nhượng đất với Nguyễn Thị Hải Yến là Chủ tịch Hội đồng quản trị và Hoàng Phúc Đường là PGĐ công ty, để vay từ 300-500 triệu đồng, lãi tính theo ngày. Yến cam kết việc ký hợp đồng chuyển nhượng và giao sổ đỏ chỉ để nhằm đảm bảo khách hàng có nghĩa vụ trả lãi và gốc cho Công ty Cát Nam Phong.
 
Các hộ dân này đều tin tưởng, vì thực tế giữa họ và Yến không có bàn giao nhà, cũng không nhận tiền chuyển nhượng. Và kể từ khi giao sổ đỏ, ký hợp đồng, các hộ dân này vẫn sống trong chính ngôi nhà của mình, không thấy bất kỳ ai đến đo đạc, xem xét, kiểm tra, đánh giá hay ký tá các văn bản giấy tờ để thế chấp ngân hàng.
 
Tuy nhiên, đến năm 2014, các hộ dân vay tiền ở Cát Nam Phong đều được các cán bộ một số ngân hàng “hỏi thăm”, xem xét nhà để thu hồi nhà đất, do đây đều trở thành tài sản thế chấp vay vốn ngân hàng của Nguyễn Thị Hải Yến. Lúc này, mọi người đều ngã ngửa khi biết mình bị lừa. Đứng trước sự đã rồi, các hộ dân cùng nhau đi “kêu oan”, nhưng xem ra, mọi chứng cứ đều rất khó lòng bảo vệ họ.
 
24 giờ, có 4 vụ vỡ nợ tín dụng đen
 
Con số giật mình này được Ban tổ chức cuộc hội thảo đưa ra cho thấy tình trạng tín dụng đen đã đến hồi báo động khủng khiếp, và nó đang ăn mòn hàng chục nghìn người nghèo lỡ “sa chân”. Thực ra, khái niệm tín dụng đen không hề mới, và nó đã là bài học đắt giá của rất nhiều người hàng chục năm nay, nhưng với nhiều người, dường như những bài học này vẫn chưa hề “ngấm”.
 
Thượng tá Trần Thị Thúy, Phó trưởng Phòng 5 (Tổng cục Cảnh sát - Bộ Công an) cho biết, từ lâu, tín dụng đen có thể được hiểu là “ngân hàng ngầm” hay “tín dụng phi chính thức”. Hiểu một cách thông dụng, tín dụng đen là hình thức tín dụng tư nhân, nằm ngoài hoạt động của các tổ chức tín dụng, không theo các quy định của pháp luật về hoạt động tín dụng, ngân hàng, được sử dụng với ý nghĩa tiêu cực, đó là những khoản cho vay với lãi suất rất cao và có phần tham gia của các tổ chức tội phạm, gắn với các hành vi phạm tội, vi phạm pháp luật.

Hoạt động tín dụng đen vẫn đang diễn ra nhan nhản trong cuộc sống thường ngày. Ảnh minh họa
 
Hoạt động tín dụng đen hiện nay diễn ra khá phổ biến và ngày càng phức tạp, hậu quả của nó gây ra cho xã hội là rất nghiêm trọng. Trong đó, đáng lo ngại nhất sự an toàn của hệ thống ngân hàng thương mại, ảnh hưởng trực tiếp đến an ninh tài chính quốc gia, là nguyên nhân, điều kiện thúc đẩy các loại tội phạm hình sự, ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển kinh tế - xã hội và tình hình, công tác đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội.
 
Theo thống kê chưa đầy đủ, từ năm 2010 đến năm 2014, ở nước ta liên tiếp xảy ra hàng trăm vụ vỡ nợ lớn với thiệt hại lên đến hàng nghìn tỷ đồng, ảnh hưởng đến nhiều cá nhân, gia đình, tổ chức và liên quan với 6.367 vụ việc, trong đó có 41 vụ giết người, 318 vụ cố ý gây thương tích, 558 vụ cướp tài sản, 1.089 vụ cưỡng đoạt tài sản, 1.707 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, 2.496 vụ lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, 104 vụ hủy hoại tài sản…
 
Ngoài ra, những hệ lụy phát sinh từ tín dụng đen đã dẫn đến các hành vi vi phạm khác như bắt giữ người trái pháp luật, hủy hoại tài sản, gây rối trật tự công cộng, làm nhục người khác, tệ nạn xã hội (cờ bạc, mại dâm, nghiện ma túy), các vi phạm pháp luật về cầm cố, thế chấp tài sản…
 
Tội phạm, vi phạm pháp luật có liên quan đến hoạt động tín dụng đen xảy ra liên tiếp ở nhiều địa bàn trong cả nước, từ thành thị đến nông thôn, thậm chí cả những vùng quê hẻo lánh, miền núi… làm cho người dân hoang mang, bất bình, giảm niềm tin vào các tổ chức tín dụng, các cơ quan quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có liên quan.
 
Nạn nhân của tội phạm liên quan đến tín dụng đen cũng rất đa dạng, ở nhiều lứa tuổi, trình độ học vấn, tính chất công việc khác nhau; nhiều người với vai trò trung gian huy động, cho vay vốn với lãi suất cao, vừa là nạn nhân, vừa là đối tượng tham gia thực hiện hành vi vi phạm pháp luật. Lãi suất của tín dụng đen thông thường cao hơn lãi suất ngân hàng từ 3-9 lần, cá biệt có trường hợp cao gấp 10-20 lần nên có sức hút rất lớn đối với người hám lời.   
 
>> Khốn đốn vì “tín dụng đen”
>> Giám đốc treo cổ vì tín dụng đen ?
 
Theo Lệ Thúy (CAND Online)

Nổi bật