Cái kết khó lường của các vụ đấu giá mỏ cát gây sửng sốt

20/10/2024 14:50:48

Gần đây, nhiều vụ đấu giá mỏ cát với mức giá trúng thầu cao gấp hàng trăm lần so với giá khởi điểm khiến dư luận sửng sốt.

Sau 200 vòng đấu giá, mỏ cát ở Quảng Nam từ 1,2 tỷ lên 370 tỷ 

Điển hình là kết quả đấu giá mỏ cát, vừa diễn ra tại tỉnh Quảng Nam, khiến nhiều người choáng váng khi mức khởi điểm chỉ 1,2 tỷ đồng nhưng kết quả trúng đấu giá lên tới 370 tỷ đồng.

Phiên đấu giá mỏ cát BĐ2B tại xã Điện Thọ (thị xã Điện Bàn) bắt đầu từ 8h ngày 18/10 và kết thúc lúc 4h sáng 19/10.

Đáng chú ý, mức giá khởi điểm là 1,2 tỷ đồng nhưng trải qua 20 tiếng với 200 vòng đấu, mỏ cát được chốt 370 tỷ đồng, tăng hơn 1.500% so với giá khởi điểm. Doanh nghiệp trúng thầu có trụ sở tại TP Đà Nẵng.

Theo một doanh nghiệp chuyên mua bán cát tại thị xã Điện Bàn, hiện giá cát theo UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt là 150.000 đồng/m3. Giá cát tại bến cũng chỉ từ 150.000-180.000 đồng/m3. Vì vậy, kết quả đấu giá mỏ cát này khiến nhiều người không khỏi bất ngờ vì mức giá "khủng".

Ông Nguyễn Thanh Vỹ, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thị xã Điện Bàn, thừa nhận, giá công ty này trúng đấu giá là quá cao. Giá cát sau khi đấu hơn 2,3 triệu đồng/m3, nếu tính thuế, phí các loại, giá 1m3 cát lên đến gần 3 triệu đồng. Điều này là phi thực tế so với giá thị trường hiện nay.

Hơn nữa, không biết sau khi trúng đấu giá, doanh nghiệp có bỏ cọc hay không. 

Cái kết khó lường của các vụ đấu giá mỏ cát gây sửng sốt
Phiên đấu giá mỏ cát ở xã Điện Thọ kéo dài 20h đồng hồ. Ảnh: CTV

Theo báo cáo của Sở TN&MT Quảng Nam, kết quả đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại điểm mỏ này có yếu tố bất thường. Mức giá trả cao gấp rất nhiều lần so với giá khởi điểm và giá vật liệu xây dựng được cơ quan chức năng công bố.

Mức giá cuối cùng cũng cho thấy có dấu hiệu thao túng thị trường để trục lợi, đẩy giá vật liệu cát xây dựng lên cao, tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Chiều 19/10, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam đã có văn bản chỉ đạo tạm dừng công nhận kết quả vụ đấu giá mỏ cát này, đồng thời giao công an tỉnh điều tra, xác minh, làm rõ động cơ của việc trả giá cao bất thường.

Hà Nội hủy kết quả đấu giá gần 1.700 tỷ đồng với 3 mỏ cát

Sở TN&MT đã ra quyết định hủy kết quả lựa chọn đơn vị thực hiện gói thầu tổ chức đấu giá quyền khai thác 3 mỏ cát gồm: Thượng Cát (quận Bắc Từ Liêm), Tây Đằng - Minh Châu (huyện Ba Vì) và mỏ Châu Sơn (huyện Ba Vì).

Lý do dẫn đến quyết định trên là do nhà thầu vi phạm quy định của Luật Đấu thầu, như cố ý cung cấp thông tin, tài liệu không trung thực, không khách quan trong các hồ sơ liên quan nhằm làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Trước đó, ngày 5/11/2023 và ngày 6/11/2023, cơ quan chức năng TP Hà Nội tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản mỏ cát Thượng Cát, Tây Đằng - Minh Châu và Châu Sơn. Kết quả có 3 đơn vị trúng đấu giá với tổng số tiền khoảng 1.700 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần giá khởi điểm.

Tháng 5/2024, trong văn bản báo cáo Thủ tướng về kết quả rà soát quy trình đấu giá 3 mỏ cát trên, UBND TP Hà Nội nêu rõ, qua việc đối chiếu giá vật liệu xây dựng cho thấy một mét khối cát chưa khai thác ở 3 mỏ cát này đã cao hơn, thậm chí cao gấp nhiều lần so với giá cát đến chân công trình.

Việc này dẫn đến các dự án khai thác cát tại 3 mỏ này không thể có lợi nhuận. Khi xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư, các dự án đầu tư sẽ vừa không đạt tiêu chí về lợi nhuận kinh tế, có thể tác động xấu đến an ninh kinh tế và trật tự xã hội.

Cần chế tài mạnh hơn nếu bỏ cọc

Thực tế từng xảy ra việc doanh nghiệp trúng đấu giá cao gấp hàng chục lần giá khởi điểm rồi “tháo chạy”. Vì thế, nhiều địa phương và chuyên gia cho rằng phải tăng cường chế tài đối với các doanh nghiệp trúng đấu giá nhưng không tiếp tục thực hiện.

Cụ thể, nếu doanh nghiệp bỏ mỏ cát sau khi đấu giá thành công, thay vì bị cấm tham gia đấu giá 1 năm thì cần tăng lên cấm 5-10 năm hoặc vĩnh viễn. Tiền đặt cọc cũng cần tăng lên 20-40%, thay vì 15%. Việc này nhằm tránh các doanh nghiệp không đủ khả năng vào nâng giá cao, cuối cùng lại bỏ.

Ông Nguyễn Minh Đức, chuyên gia chính sách công từng cho biết: Quy định đấu giá quyền khai thác khoáng sản được đưa vào Luật Khoáng sản năm 2010. Khi đưa vào luật quy định này, dự kiến tất cả mỏ đều đấu giá song sau đó lại có thêm rất nhiều trường hợp ngoại lệ. Cuối cùng, số lượng mỏ đấu giá không quá nhiều.

Mỏ không được đấu giá, tiền Nhà nước thu về chỉ đúng bằng giá khởi điểm. Điều này dẫn tới việc thất thoát ngân sách từ những mỏ không được đấu giá quyền khai thác.

Vì thế, ông Đức cho rằng: Từ việc Nhà nước thu được số tiền lớn từ đấu giá quyền khai thác mỏ cát, khi sửa Luật Khoáng sản phải yêu cầu đấu giá tất cả các mỏ, không có ngoại lệ.

Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)

Nổi bật