Cái dớp Vinashin: Bắt giam cả loạt sếp lớn, về hưu hội ngộ trong khám

12/12/2018 13:37:20

Từ khi con tàu Vinashin bị gặp khó, các sếp Vinashin lần lượt hầu tòa và nhận những bản án nghiêm khắc. Nhưng ngay cả khi đã “thay tên đổi họ” từ Vinashin thành SBIC, thì các sếp Vinashin lại một lần nữa nhận cái kết bẽ bàng.

Loạt lãnh đạo bị bắt từ thời Vinashin

Tháng 8/2010, ông Phạm Thanh Bình - nguyên Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin) bị bắt về tội "Cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế, gây hậu quả nghiêm trọng”. Khi đó, Vinashin ngập trong nợ nần, thua lỗ.

Một tháng sau, vào tháng 9/2010 cựu Tổng giám đốc Vinashin cũng bị bắt. Đó là ông Trần  Quang Vũ. Ông Vũ còn là cựu Tổng giám đốc Tổng công ty Nam Triệu, mặc dù biết tàu Bạch Đằng Giang là tài sản thế chấp cho công ty tài chính nhưng vẫn quyết định thanh lý, nhượng tài sản không đúng thẩm quyền, trình tự pháp luật gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng hơn 27 tỷ đồng.

Người kế nhiệm ông Bình tại Vinashin này phải bồi thường hơn 24 tỷ đồng.

Cái dớp Vinashin: Bắt giam cả loạt sếp lớn, về hưu hội ngộ trong khám
Phạm Thanh Bình, cựu Chủ tịch Vinashin

Theo cáo trạng của Viện KSND tối cao, bị cáo Phạm Thanh Bình (58 tuổi), nguyên Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Vinashin, cùng các đồng phạm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn cố ý làm trái các quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế trong lĩnh vực đầu tư, quản lý, sử dụng vốn và tài sản của Nhà nước ở năm dự án với tổng thiệt hại trên 910 tỷ đồng.

Cụ thể, Nguyễn Thanh Bình cùng các đồng phạm đã cố tình mua tàu Hoa Sen khi không được Thủ tướng cho phép; tự ý bán vỏ tàu Bạch Đằng Giang mà không xin ý kiến tập đoàn; đầu tư dự án tàu Bình Định Star gây thua lỗ; phê duyệt thực hiện đầu tư xây dựng nhà máy nhiệt điện Sông Hồng (Nam Định) khi chưa có ý kiến thẩm định của các cơ quan chức năng; nhập các thiết bị công nghệ lạc hậu, gây thiệt hại trên 313 tỷ đồng.

Cũng theo kết luận của cơ quan điều tra, việc đầu tư mua tàu Hoa Sen không thực hiện đúng quy trình và thủ tục đầu tư, không có biên bản tổng nghiệm thu bàn giao đưa công trình vào khai thác sử dụng, không lập báo cáo quyết toán dự án đầu tư hoàn thành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, quá trình kiểm tra chất lượng trước khi nhận bàn giao tàu không đảm bảo tính khách quan.

Hậu quả do hành vi cố ý làm trái nêu trên đã gây thiệt hại 469 tỷ đồng. Trong đó, Phạm Thanh Bình giữ vai trò là người tổ chức, Trần Văn Liêm, Hồ Ngọc Tùng, Giang Kim Đạt, Trịnh Thị Hậu và Hoàng Gia Hiệp là đồng phạm thực hiện hành vi phạm tội. 

Kết thúc phiên tòa, Phạm Thanh Bình bị tòa xử 20 năm tù. Trần Quang Vũ 11 năm tù cùng nhiều án tù khác cho các bị cáo.

Loạt cựu sếp dầu khí tại Vinashin bị bắt

Khi những lãnh đạo tai tiếng của Vinashin bị pháp luật xử lý, thì Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam cũng được tái cơ cấu thành Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy, tên viết tắt mới là SBIC.

Nhưng những lãnh đạo của SBIC vẫn không khác gì những người tiền nhiệm. Ông Nguyễn Ngọc Sự là dẫn chứng tiếp theo.

Cái dớp Vinashin: Bắt giam cả loạt sếp lớn, về hưu hội ngộ trong khám - 1
Ông Nguyễn Ngọc Sự cũng đã bị bắt.

Ông Nguyễn Ngọc Sự nhận ghế nóng Vinashin trong bối cảnh Tập đoàn Tàu thủy lâm vào khủng hoảng, đứng trước nguy cơ phá sản. Tháng 8/2010, hàng loạt lãnh đạo của tập đoàn này đã bị khởi tố, bắt giam, trong đó có cựu Chủ tịch Vinashin Phạm Thanh Bình. Ông Sự từng là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí.

Điều đáng chú ý là, khi còn là Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí phụ trách tài chính, ông Nguyễn Ngọc Sự cũng đồng thời được cử là người đại diện phần vốn Nhà nước tại Ngân hàng thương mại cổ phần Đại Dương (OceanBank).

Đến tháng 8/2017, ông Nguyễn Ngọc Sự đã nhận quyết định nghỉ hưu, thôi vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy.

6 tháng sau khi nghỉ hưu, ông Nguyễn Ngọc Sự đã bị cơ quan bảo vệ pháp luật sờ gáy. Ngày 25/1/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an (C46) đã ra Quyết định Khởi tố vụ án; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt bị can để tạm giam và Lệnh khám xét đối với bị can Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Quá trình điều tra, tài liệu chứng cứ thu thập được xác định: Nguyễn Ngọc Sự, nguyên Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam Vinashin (SBIC) đã có hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn trong việc sử dụng nguồn tiền của Tập đoàn Vinashin gửi vào Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank) để một số cá nhân thuộc Vinashin nhận, chiếm đoạt hơn 100 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất, phạm vào tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ” quy định tại Điều 356 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Cái dớp Vinashin: Bắt giam cả loạt sếp lớn, về hưu hội ngộ trong khám - 2
Ông Trương Văn Tuyến là sếp mới nhất của "Vinashin" bị bắt.

Sau khi ông Sự bị bắt, thì mới đây cựu Tổng giám đốc SBIC cũng chung số phận. Theo cơ quan điều tra, quá trình điều tra cơ quan chức năng xác định ông Trương Văn Tuyến, cựu Tổng giám đốc và Phạm Thanh Sơn, Phó Tổng giám đốc đã lạm dụng chức vụ, quyền hạn để ký duyệt gửi tiền có kỳ hạn của Tập đoàn Vinashin (nay là Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam SBIC) vào Ngân hàng Đại Dương (Oceanbank) trái quy định pháp luật.

Hai bị can này là đồng phạm với Trần Đức Chính, Kế toán toán trưởng Vinashin, trong việc chiếm đoạt hơn 105 tỷ đồng tiền ngoài lãi suất từ Oceanbank.

Đáng nói, cũng giống như ông Nguyễn Ngọc Sự, thì ông Trương Văn Tuyến cũng từng nắm giữ chức Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Trưởng ban Quản lý dự án nhà máy lọc dầu Dung Quất trong giai đoạn từ 2003 đến tháng 6/2008.

Theo Hà Duy (VietNamNet)

Nổi bật