Tuy nhiên, nhìn vào thực tế của ngành dệt may Việt Nam, không ít chuyên gia lại đặt ra những câu hỏi và cảnh báo: Liệu dệt may Việt Nam và thương hiệu dệt may Việt Nam có thể xây dựng được chỗ đứng và vị thế trên thị trường, khi mà đa phần là các doanh nghiệp (DN) nhỏ và vừa, chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ làm gia công cho hãng ngoại và hưởng từng đồng nhỏ trong chuỗi giá trị.
Ông Nguyễn Tuấn Việt, Giám đốc Điều hành Công ty VIETGO là đơn vị chuyên tư vấn cho các doanh nghiệp xuất khẩu, cho biết đã có nhiều DN từ Trung Quốc, Hồng Kông, Đài Loan… tràn sang Việt Nam, không chỉ hưởng phần nhiều lợi ích trong chuỗi sản xuất dệt may mà còn có ý đồ “thâu tóm”, quản lý chuỗi dệt may của các DN nhỏ ở Việt Nam.
Vị này dẫn chứng, một sản phẩm có thương hiệu dệt may, bán trên thị trường là 100 USD nhưng thực chất chi phí sản xuất nhân công… có khi chỉ được thanh toán chưa đầy 2 USD. Phần hưởng lợi lớn, rơi vào các công ty may của Hồng Kông, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc và các nhà thầu trung gian…
Lý giải về sự chênh lệch này, ông Việt cho rằng là do những người sản xuất tập trung nhiều tại các khu công nghiệp ở Việt Nam, chủ yếu nhiều xưởng may hoạt động đơn giản và chỉ đợi đơn đặt hàng gửi tới, làm theo mẫu của các công ty trung gian mà chưa thể đáp ứng đơn hàng có yêu cầu cao hơn.
“Cũng do không có khả năng đáp ứng tất cả các khâu, mà chỉ làm thành phẩm – tức là gia công trên cơ sở nguyên phụ liệu có sẵn, nên thường bị “ép” giá khi làm thành phầm và cũng không thể nhận được các đơn hàng lớn trực tiếp từ các hãng mà chỉ làm hàng nhỏ lẻ” – ông Việt phân tích.
Một điểm đáng chú ý được vị chuyên gia trên cho biết nhiều trường hợp DN gia công của Việt Nam không những yếu thế trong sản xuất, mà còn không chịu thay đổi khiến cho các nhà thầu, nhà đặt hàng “quay lưng” với DN.
Dẫn chứng, có những nhà nhập khẩu thay đổi bản vẽ nhưng DN Việt Nam lại không đáp ứng yêu cầu này, cộng sự thiếu chuyên nghiệp dẫn đến chất lượng sản phẩm không đạt tiêu chuẩn. Thực tế, có nhiều trường hợp giám đốc của xưởng may này chấp nhận lãi ít hơn 2 USD để không phải thay đổi đơn hàng và cam phận làm thành phẩm.
“Thực tế này dẫn đến, ngành dệt may đang bị “chảy máu”. Dẫn chứng, với kim ngạch xuất khẩu được 2 tỉ USD thì có thể DN được lợi nhuận chỉ là 200 triệu USD. Lẽ ra, các DN có thể được nhiều hơn, nếu biết thay đổi về chất lượng, thì sẽ nâng cao thu nhập lên rất nhiều” – ông Việt nói.
Tới đây, với Hiệp định TPP đang mở ra nhiều cơ hội cho ngành dệt may khi đây là ngành được nhận định sẽ hưởng lợi nhiều nhất. Thế nhưng, với đa phần DN dệt may có quy mô nhỏ, chủ yếu làm gia công, chưa có nhiều thay đổi trong nâng cao năng lực sản xuất, thì không những rất khó để có thể nâng cao giá trị gia tăng hơn 2 USD như hiện nay, mà còn khó có thể tận dụng cơ hội mà TPP mang lại.
Ông Nguyễn Khắc Hiếu, Giám đốc Kinh doanh của Công ty cổ phần Nghệ thuật Quốc tế AZ, cho rằng DN cần mạnh dạn chuyển đổi sản xuất, làm hết các khâu của sản xuất thay vì chỉ làm gia công, thành phẩm như hiện nay. Cũng bởi, những nguyên vật liệu dệt may ở Việt Nam đều tương đối đầy đủ.
“Việc làm trọn vẹn các khâu để tạo ra một sản phẩm giúp DN chủ động trong sản xuất, thúc đẩy sự sáng tạo, nâng cao hơn năng lực cho DN. Mặc dù đây là thách thức không nhỏ với đa phần DN dệt may nhỏ và vừa, song nếu DN biết chủ động nâng cao hơn thì chắc chắn sẽ nâng cao hơn giá trị gia tăng và tận dụng tốt cơ hội” – vị Giám đốc của công ty AZ nói.
Theo An Ngọc (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)