Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 (CM 4.0) đang có những tác động sâu rộng, IoT (thị trường Internet vạn vật kết nối) được coi là công nghệ đóng vai trò then chốt nhằm nâng cao trình độ, năng lực sản xuất và cạnh tranh trong chuỗi giá trị toàn cầu, tạo ra sự thay đổi lớn về quy mô kinh doanh và là cơ hội cho doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo.
Theo nghiên cứu của công ty Gartner, đến năm 2020, thế giới sẽ có khoảng 20 tỷ thiết bị sử dụng IoT, doanh số dự kiến trong năm là 437 tỷ USD. Các thiết bị này phần lớn sẽ chạy các thuật toán thông minh (AI), kết nối tự động với các hệ thống, quản lý sản xuất và mô hình kinh doanh kiểu mới.
Tại Việt Nam cũng đang có chiến lược cho IoT. Chia sẻ tại hội thảo và Triển lãm quốc tế Smart IoT của Việt Nam 2018 được tổ chức tại TP.HCM, tân Bộ trưởng bộ Thông tin và Truyền thông, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết chiến lược của Việt Nam đến năm 2020 về cơ bản mỗi gia đình Việt Nam một đường truyền cáp quang, mỗi người dân một máy smart phone và hạ tầng di động 5G phủ rộng, ưu tiên cho IoT trước. Thuận lợi lớn của Việt Nam là có hạ tầng viễn thông tốt, có một số doanh nghiệp viễn thông mạnh có khả năng đầu tư trước về hạ tầng phủ sóng toàn quốc. Bộ Thông tin và Truyền thông đã quy hoạch đủ số điện thoại, địa chỉ IP cho hàng tỷ thiết bị IoT.
Ông Hùng cũng cho rằng Việt Nam phải phát triển một nền công nghiệp an ninh mạng. Đồng thời, cần coi IoT là một ngành công nghiệp, trước hết là công nghiệp sản xuất Sensor.
Nhấn mạnh tầm quan trọng trong việc đuổi kịp công nghệ thế giới ngày càng thay đổi với tốc độ chóng mặt, ông Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban kinh tế Trung ương, cho rằng Việt Nam cần phải sớm xây dựng và triển khai Đề án phát triển kinh tế số quốc gia và các Chiến lược chuyển đổi số đối với những ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng, đồng thời cần có chính sách nâng cấp các ngành sản xuất thông qua các ứng dụng sâu công nghệ thông tin và tự động hoá. Thực hiện hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất tiến hành số hoá theo từng công đoạn… Do đó, việc đầu tiên là phải có cách tiếp cận đúng trong xây dựng chính sách phát triển IoT, việc tiếp cận IoT đơn thuần chỉ là về công nghệ là chưa đầy đủ và toàn diện. Cần quan niệm IoT phải là cuộc cách mạng về chính sách và công nghệ.
Ông Nguyễn Văn Bình cho biết thêm cần sớm định danh và công nhận các mô hình kinh doanh mới, ban hành khung khổ thử nghiệm có kiểm soát đối với một số lĩnh vực, sản phẩm, mô hình kinh doanh mới hình thành từ cuộc CM 4.0.
Theo ông Chu Ngọc Anh, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ cũng đang nghiên cứu xây dựng Dự thảo Nghị định sửa đổi quy định Điều lệ tổ chức và hoạt động của quỹ Quỹ Đổi mới công nghệ quốc gia (NATIF) về cho vay ưu đãi đối với doanh nghiệp khởi nghiệp.
Trong một nghiên cứu về IoT, ông Ernest S LO, Chủ tịch, Liên minh IoT Hồng Kông, cho biết IoT không thể tách rời các công nghệ khác và nói đến IoT là nói đến thành phố thông minh, nhiều quốc gia đã phát triển thành phố thông minh được chuẩn bị từ 7-10 năm trước. Chẳng hạn, Hàn Quốc bắt đầu phát triển thành phố thông mình với IoT từ năm 2003,
Trung Quốc từ năm 2005… Hay tại Trung Mỹ, các quốc gia đã dành nhiều nguồn lực vào phát triển các thành phố thông minh khi tạo ra các toà nhà kết nối…
Câu hỏi đặt ra liệu ASEAN có đi theo mô hình của Châu Âu hay Mỹ không? Câu trả lời là động cơ tiếp nhận CM 4.0 của các quốc gia là khác nhau. Nếu Mỹ có động cơ sử dụng công nghệ để thay thế con người vì chi phí lương tại Mỹ rất cao, còn ASEAN dùng công nghệ để có ngành công nghiệp sản xuất chính xác, ngành công nghiệp in 3D, tạo hệ sinh thái cho doanh nghiệp khởi nghiệp…
Tương lai, với IoT nhiều công nghệ thông minh hỗ trợ con người được ra đời và kết nối chặt chẽ trong việc hỗ trợ quản lý, chẳng hạn, cảnh sát sẽ được trang bị mắt kính thông minh có thể nhận dạng khuôn mặt… Hay như sự thay đổi về mô thức của các công ty bảo hiểm trên toàn cầu khi yêu cầu khách hàng đeo 01 cái đồng hồ để theo dõi sức khoẻ khách hàng thường xuyên...
Nhấn mạnh về việc Việt Nam nên tận dụng tốt cơ hội của cuộc CM 4.0 để thoát khỏi “bẫy thu nhập trung bình”, ông Nguyễn Văn Bình, cho rằng Việt Nam đã bỏ lỡ các cuộc cách mạng công nghiệp từ 1.0 đến 3.0, cũng như mục tiêu trước đó của Việt Nam là đến năm 2020 cơ bản trở thành nước công nghiệp, nhưng đến nay mục tiêu này không hoàn thành.
Đến nay, khi cơ hội của cuộc CM 4.0 mở ra, để triển khai được phải có quyết tâm chính trị rất lớn, cần phải có nghị quyết về vấn đề này, trên cơ sở đó Chính phủ sẽ vạch ra chiến lược thực hiện. Phải có sự đồng thuận và nhận thức rất cao trong toàn xã hội, từ trung ương đến địa phương, từ Nhà nước đến doanh nghiệp và mọi người dân thì mới có chuyển biến mạnh mẽ. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng cần phải thay đổi lại nhiều khung khổ pháp lý để tận dụng tốt cơ hội của CM 4.0.
Theo Hoàng Anh (Bizlive.vn)