Tiền gửi tiết kiệm vẫn có thể bị mất
Để khuyến khích khách hàng gửi tiền tiết kiệm trực tuyến (tiết kiệm online), các ngân hàng thường niêm yết lãi suất huy động cao hơn từ 0,1-0,5%/năm so với gửi tại quầy. Vì vậy ngày càng nhiều người lựa chọn gửi tiết kiệm trực tuyến. Nếu không đề cao cảnh giác, khách hàng có thể bị kẻ gian lấy tiền trong trường hợp tài khoản tiết kiệm khi tài khoản bị kẻ gian xâm nhập và chiếm quyền điều khiển thiết bị di động.
Chuyên gia an ninh mạng Lê Đức Anh cho biết, mấu chốt của các vụ tấn công bằng mã độc là hacker luôn lừa nạn nhân tải ứng dụng có chứa mã độc.
Một số trường hợp người dùng không được yêu cầu tải ứng dụng lạ nhưng lại được yêu cầu bấm vào đường link có chứa mã độc, từ đó hacker xâm nhập vào điện thoại người dùng.
“Gần đây, nhận thức về an toàn thông tin của người dân đã được cải thiện. Tuy nhiên, phải thừa nhận một thực tế là nhận thức của con người có lên cao đến đâu cũng không theo kịp với tốc độ biến hoá của mã độc”, chuyên gia nhận định.
Còn theo lời một chuyên gia về bảo mật an ninh mạng, để an toàn 100%, thay vì gửi tiền trực tuyến, người dùng có thể gửi tiết kiệm tại quầy và giữ sổ vật lý.
“Một khi đã có trong tay cuốn sổ tiết kiệm giấy, nếu chẳng may mất tiền tiết kiệm thì lỗi hoàn toàn thuộc về ngân hàng, nên khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng hoàn trả.
Hoặc nếu gửi tiết kiệm trực tuyến, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng xác nhận việc không cho tất toán trực tuyến. Đề nghị ngân hàng phong tỏa tài khoản, chỉ mở khi chính chủ trực tiếp đến phòng giao dịch đề nghị.
Ngoài ra, có thể gửi tiết kiệm đồng sở hữu tại quầy, khi cần tất toán hoặc rút một phần tiết kiệm bắt buộc phải có chữ ký của hai người đứng tên sổ tiết kiệm”, chuyên gia này cho biết.
Đồng thời, ông cũng cho biết, nếu muốn an toàn hơn đối với tiền trong tài khoản thanh toán, khách hàng nên đăng ký xác thực sinh trắc học. Thậm chí, khách hàng có thể yêu cầu ngân hàng xác nhận tài khoản chỉ được phép chuyển đi một hạn mức tối đa nhất định nào đó, có thể dưới 10 triệu đồng.
Những việc cần làm ngay khi bị mất tiền
Theo khuyến cáo của các ngân hàng, khi bị mất tiền tiết kiệm trong tài khoản tiết kiệm trực tuyến, khách hàng cần nhanh chóng liên hệ với ngân hàng để được hỗ trợ nhanh nhất, cung cấp cho ngân hàng bằng chứng chứng minh bản thân bị lừa đảo bằng cách:
Lưu trữ bản gốc và in ra 1 bản sao các thông tin liên lạc với kẻ lừa đảo như tin nhắn SMS, tin nhắn trên ứng dụng mạng xã hội, email, thư từ, ghi âm cuộc gọi (nếu có); làm bản kê khai/tường trình vụ việc, trong đó liệt kê toàn bộ mốc thời gian, nội dung sự việc đã xảy ra và toàn bộ thông tin mà bạn có về kẻ lừa đảo. Nếu có biên lai hoặc chứng từ giao dịch, khách hàng cũng phải lưu trữ bản gốc và in ra một bản sao để gửi về cho ngân hàng.
Ngoài ra, khách hàng có thể yêu cầu in sao kê giao dịch để chứng minh bị thất thoát tài sản.
Khách hàng cần liên hệ với ngân hàng thông qua số hotline, tổng đài chăm sóc khách hàng càng sớm càng tốt tính từ thời điểm phát hiện, tối đa trong vòng 30 ngày kể từ ngày xảy ra vụ việc.
Sau khi nhận được thông tin từ khách hàng, ngân hàng sẽ tiến hành kiểm tra và truy xuất thông tin giao dịch lừa đảo. Thời điểm này, khách hàng cần phối hợp với ngân hàng, cung cấp thêm các bằng chứng, giấy tờ mà ngân hàng yêu cầu để phục vụ việc điều tra như bản sao báo cáo từ phía công an, bản tường trình vụ việc…
Sau thời gian 30 ngày, nếu vẫn chưa có kết quả, khách hàng hãy liên hệ lại hotline hoặc tổng đài chăm sóc khách hàng của ngân hàng để hỏi về tiến trình xử lý khiếu nại. Thông thường, các ngân hàng sẽ cố gắng giải quyết vấn đề trong vòng 60 ngày, tối đa 90 ngày theo quy định tại Điều 512 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.
Để đảm bảo quá trình xử lý khiếu nại diễn ra thuận lợi và nhanh chóng, khách hàng có thể mời một luật sư tham vấn để theo sát vụ việc, tư vấn các hướng giải quyết tối ưu, giúp khách hàng lưu trữ các loại giấy tờ/hồ sơ cũng như thay bạn trao đổi với phía ngân hàng.
Ngoài ngân hàng, khách hàng cũng cần trình báo sự việc cho cơ quan công an để các cơ quan chức năng có thể lập hồ sơ và thụ lý nhanh chóng.
Dù tình huống mất tiền tiết kiệm khi gửi tiền trực tuyến rất hiếm khi xảy ra nhưng để phòng ngừa những tình huống không mong muốn, khách hàng nên bảo mật tốt thông tin tài khoản.
Một số ngân hàng lớn cho biết đã đầu tư không nhỏ cho hệ thống bảo mật của ngân hàng để đảm bảo an toàn tài khoản người dùng. Ngân hàng Techcombank cho biết, tài khoản tiền gửi của khách hàng tại ngân hàng này được kiểm soát bảo mật bởi hệ thống gồm: xác thực hai lớp gồm mật khẩu và sinh trắc học để đăng nhập và thực hiện giao dịch;
Mọi thông tin được truyền từ máy tính của khách hàng đến hệ thống của Techcombank đều được mã hóa; mọi giao dịch khách hàng thực hiện trực tuyến đều cần các bước xác thực bằng vân tay/Face ID/mật khẩu;
Các hệ thống ngân hàng của đều có tường lửa ngăn chặn truy cập trái phép vào hệ thống. Đồng thời, ngân hàng cũng sử dụng giải pháp bảo mật di động tiên tiến để nhận dạng máy chủ giả mạo/mạng không an toàn và đưa ra cảnh báo.
Các giải pháp kỹ thuật của ngân hàng đều tuân thủ luật an ninh mạng và quy định của cơ quan chức năng và các tiêu chuẩn quốc tế về không gian mạng: ISO 27001, PCI-DSS...
Theo Tuân Nguyễn (VietNamNet)