Nhiều người cho rằng các ngân hàng lớn nhất Mỹ hẳn đang phải trải qua thời kỳ khó khăn lắm. Lãi suất hiện ở mức thấp kỷ lục, ảnh hưởng đến khả năng kiếm tiền từ cho vay của họ. Người dân và doanh nghiệp Mỹ thì thiếu thốn tiền mặt, làm tăng nguy cơ các nhà băng lỗ lớn từ các khoản cho vay. Trên hết, triển vọng kinh tế cũng còn rất bất ổn.
Tuy nhiên, đầu tuần này, nhà băng lớn nhất Mỹ JPMorgan Chase báo cáo đạt lợi nhuận 9,4 tỷ USD trong quý III - tăng 4% so với cùng kỳ năm ngoái. Con số này nằm ngoài kỳ vọng của giới phân tích tại Wall Street.
JPMorgan đã hưởng lợi từ sự bùng nổ của thị trường chứng khoán, khiến các công ty tăng phát hành cổ phiếu, trái phiếu và cân nhắc sáp nhập. Riêng mảng ngân hàng đầu tư và doanh nghiệp của JPMorgan có lợi nhuận 4,3 tỷ USD quý trước, tăng 52%. Doanh thu mảng này tăng 12% nhờ làn sóng IPO và phát hành trái phiếu, khiến họ nhận được nhiều phí bảo lãnh hơn.
Các mảng kinh doanh khác lại có kết quả trái chiều. Doanh thu từ cho vay mua nhà tăng vọt khi người Mỹ ồ ạt tận dụng lãi suất thấp. Tuy nhiên, chi tiêu bằng thẻ tín dụng lại ít hơn.
JPMorgan cũng vẫn lo lắng về tình hình kinh tế. "Vấn còn nhiều bất ổn lắm", Giám đốc Tài chính Jennifer Piepszak cho biết trước báo giới, "12 triệu người vẫn đang thất nghiệp".
Hôm thứ Ba, Citi cũng công bố doanh thu từ mảng giao dịch và ngân hàng đầu tư tăng, giúp nhà băng này có 3,2 tỷ USD lợi nhuận. Dù vậy, không như JPMorgan, con số này lại giảm 34% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, điều đáng chú ý ở đây là họ vẫn có lãi trong tình hình hiện tại.
Goldman Sachs hôm qua cũng thông báo kết quả kinh doanh quý III ấn tượng. Lợi nhuận gần như tăng gấp đôi lên 3,6 tỷ USD, vượt dự báo của Wall Street. Doanh thu cũng tăng 30% so với năm ngoái.
Nhà băng này hưởng lợi từ việc thị trường chứng khoán bùng nổ kể từ sau khi chạm đáy hồi tháng 3. Doanh thu mảng giao dịch tăng mạnh. Mảng quản lý tài sản, phí bảo lãnh phát hành cổ phiếu cũng đi lên nhờ làn sóng IPO.
Dù các ngân hàng ăn nên làm ra, cổ phiếu của họ lại đi xuống. JPMorgan Chase đã mất 28% năm nay, còn Citi mất 45%.
Trong thông cáo báo chí, CEO Goldman Sachs David Solomon thừa nhận thế giới "vẫn còn rất bất ổn" do Covid-19. Tuy nhiên, ông khẳng định "khi các khách hàng bắt đầu vượt qua khó khăn kinh tế, chúng tôi cũng có vị thế tốt để giúp họ hồi phục và tăng trưởng".
JPMorgan thì không tăng dự phòng thua lỗ khoản vay. Đây là tín hiệu tốt, cho thấy họ đã có chuẩn bị đầy đủ cho tương lai. Dù vậy, CEO Jamie Dimon cho rằng "một gói kích thích hợp lý sẽ có tác dụng" với nền kinh tế. Ông cũng không cho rằng khả năng xảy ra suy thoái kép là cao.
Theo Hà Thu (VnExpress.net)