Dự báo các khoản phạt sẽ còn tăng hơn nữa trong thời gian tới do các cơ quan điều hành của châu Âu và châu Á siết các quy định để bắt kịp với các cơ quan của Mỹ, vốn là những cơ quan ra các quyết định phạt nhiều nhất từ trước đến nay.
Số liệu của BCG cho thấy, chỉ tính riêng năm 2016 số tiền phạt các ngân hàng đã phải nộp lên đến 42 tỷ USD, tăng 68% so với năm 2015.
Hồi tháng 11/2014, 5 “ông lớn” ngân hàng quốc tế là HSBC, Citibank, JPMorgan Chase, RBS và UBS đã chấp nhận nộp phạt 3,3 tỷ USD cho giới chức Anh, Mỹ do bị cáo buộc thao túng tỷ giá. Cả 5 ngân hàng đều phải trả trên 600 triệu USD. Riêng UBS còn bị giới chức Thụy Sỹ phạt thêm 139 triệu USD và phải nộp tổng cộng 800 triệu USD. Citibank nộp số tiền lớn thứ hai, với 668 triệu USD.
Tháng 5/2015, Bộ Tư pháp Mỹ thông báo 5 ngân hàng JP Morgan Chase, Citigroup, Barclays, Ngân hàng Hoàng gia Scotland và UBS đã vi phạm luật chống độc quyền và sẽ phạt các ngân hàng này tổng cộng 5,7 tỷ USD. Ngân hàng Barclays chịu mức tiền phạt nặng nhất lên đến 2,4 tỷ USD.
Tháng 12 năm ngoái, ngân hàng lớn nhất nước Đức Deutsche Bank tuyên bố sẽ trả 7,2 tỷ USD cho Bộ Tư pháp Mỹ để dàn xếp vụ cáo buộc bán chứng khoán kém chất lượng giai đoạn 2005-2007.
Cuối tháng 1/2017, Sở Tài chính New York phạt Deutsche Bank 425 triệu USD do liên quan đến một kế hoạch rửa tiền ở Nga.
|
Số tiền các ngân hàng lớn trên thế giới đã nộp phạt. Nguồn: BCG, Bloomberg |
Theo các nhà phân tích, cùng với các chi phí pháp lý liên quan, các khoản phạt cũng sẽ được tính vào chi phí kinh doanh. “Các ngân hàng sẽ phải chú ý tới việc quản lý các chi phí này”.
Bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump cam kết sẽ đảo ngược Đạo luật Dodd-Frank năm 2010 vốn định hình lại hệ thống ngân hàng Mỹ sau khi Ngân hàng Lehman Brothers phá sản, các cơ quan quản lý sẽ tiếp tục tăng cường các quy định, BCG nhận định.
Đạo luật Dodd-Frank, hay còn gọi là Đạo luật Cải cách Tài chính Phố Wall và bảo vệ người tiêu dùng, do ông Barack Obama ký ban hành tháng 7/2010.
Đạo luật này đề ra những cách thức mới để giám sát rủi ro trong hệ thống tài chính, đề ra những quy định mới cho việc kinh doanh các sản phẩm chứng khoán phái sinh phức tạp vốn là nguyên nhân gây ra cuộc khủng hoảng nợ dưới chuẩn ở Mỹ ở thập kỷ trước và thành lập một cơ quan mới bảo vệ người tiêu dùng tài chính. Đạo luật cũng áp đặt những hạn chế cho vay lên các ngân hàng lớn.
Theo Minh Tuấn (Bizlive.vn)