Lãnh đạo 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) sẽ nhóm họp ở Philippines vào cuối tháng này và có thể thông qua nội dung toàn văn TPP.
Theo kế hoạch, Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) sẽ diễn ra từ ngày 18 đến 19/11, tại thủ đô Manila (Philippines).
12 nước trong TPP cũng đều là thành viên APEC nên lãnh đạo các nước đang mong muốn sẽ tổ chức một cuộc họp bên lề sự kiện này, nhằm có thể công bố toàn văn chung về TPP.
Trưởng đoàn đàm phán 12 nước thành viên TPP họp báo công bố đạt được thỏa thuận cuối cùng tối 5/10 (giờ Hà Nội). Ảnh chụp màn hình.
Trước đó, hồi giữa tháng 10/2015, trao đổi với báo chí, đại diện thương mại Hoa Kỳ Micheal Fronman cho biết, toàn văn hiệp định TPP đang được ráo riết hoàn tất và dự kiến được công bố sau 30 ngày nữa, có nghĩa là giữa tháng 11/2015.
Tuy nhiên, cuối tuần trước, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho rằng, quá trình để hoàn tất văn kiện chính thức Hiệp định TPP cần mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến ban đầu, một phần nguyên nhân từ cuộc bầu cử ở Canada.
Hiện Hoa Kỳ cùng một số nước như Nhật Bản, Úc, New Zealand… đã công bố một số thông tin liên quan đến những ngành, lĩnh vực kinh tế có tác động mạnh đến doanh nghiệp nước mình.
Đây cũng được xem như là động thái thăm dò ý kiến của người dân trước khi TPP chính thức được ký thông qua. Một khi được thống nhất, các nước thành viên TPP sẽ đồng loạt đăng nội dung này lên trang web của mỗi nước.
Trong báo cáo đánh giá triển vọng thị trường Việt Nam tháng 11/2015 vừa được HSBC công bố ngày 4/11, TPP được cho là đã tăng sức hấp dẫn của Việt Nam như là một trung tâm sản xuất, thúc đẩy hoạt động đầu tư của nước ngoài.
Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam đã tăng trong vài năm qua, nhằm đón đầu Hiệp định TPP và các hiệp định thương mại tự do khác.
Nguồn vốn giải ngân FDI hằng năm vẫn đang theo đúng kế hoạch, khi đã thu hút 14 tỷ USD trong năm nay so với mức 12,5 tỷ USD trong năm 2014. “Chúng tôi kỳ vọng đến năm 2020 Việt Nam sẽ giải ngân vượt mức 20 tỷ USD nguồn vốn FDI”, nhóm chuyên gia nhận định.
Theo N.Bình (Tuổi Trẻ)