Các nhà máy lọc dầu: Bỏ chết lãi hơn bảo hộ!

18/03/2016 06:49:49

Hết Lọc dầu Dung Quất, nay đến Lọc dầu Nghi sơn xin Nhà nước bảo hộ, nếu không chúng sẽ phá sản. Hãy để cho chúng phá sản hơn là bảo hộ chúng!

Hết Lọc dầu Dung Quất, nay đến Lọc dầu Nghi sơn xin Nhà nước bảo hộ, nếu không chúng sẽ phá sản. Hãy để cho chúng phá sản hơn là bảo hộ chúng!

Nhà máy lọc dầu Dung Quất (ảnh minh họa)

Lọc dầu Nghi Sơn, còn chưa đầu tư xong, còn chưa đáp ứng nổi tiêu chuẩn Việt Nam về chất lượng mà lại đi đòi Chính phủ ra lệnh cho những người mua phải mua hết sản phẩm của mình rồi mới được nhập khẩu. Thậm chí nó còn đòi Nhà nước ưu đãi cho nó 75.000 tỷ đồng (tương đương 3,4 tỷ USD). Thật là quá quắt!

Phá sản không có nghĩa là nhà máy biến thành đống sắt vụn, mà là quá trình buộc nó phải bán rẻ tài sản cho các chủ đầu tư khác. Các chủ đầu tư (kể cả Nhà nước) phải chịu trách nhiệm với tính toán sai lầm của mình! Thí dụ, Lọc dầu Nghi Sơn, được cho là có tổng đầu tư 9,5 tỷ USD; nếu các chủ đầu tư bán cho chủ mới với giá 5,5 tỷ USD, thì chủ mới sẽ có chi phí đầu tư giảm đáng kể (do 9,5-5,5= 4 > 3,4 tỷ USD đòi ưu đãi) và chắc chắn hoạt động sẽ có lãi trong tương lai (giả như vẫn không hiệu quả thì lại phải bán rẻ cho chủ khác, chỉ đến mức không ai mua với giá 0 USD thì có thể phải đành để cho nó thành đống sắt vụn).

Trong khi Việt Nam ở trong nước vẫn hô hào kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa nhưng đồng thời nài xin EU, Mỹ và các nước khác công nhận mình có nền kinh tế thị trường, trong khi chúng ta cố gắng hội nhập với bao cam kết xóa bỏ bảo hộ, thì nhiều người lại đòi bảo hộ cho các nhà máy lọc dầu này. Điều này là không thể chấp nhận được, và cũng chẳng được phép vì các cam kết quốc tế đó. May là các bộ liên quan đã lên tiếng phản đối đề nghị phi lý này của Tập đoàn Dầu Khí Việt Nam (PVN).

Có thể thấy gì qua sự phi hiệu quả của các “quả đấm thép”?

Thứ nhất, phải xóa bỏ mọi sự ưu ái cho các doanh nghiệp nhà nước và bắt chúng phải cạnh tranh sòng phẳng.

Thứ hai, phải rà soát lại tất cả các dự án đầu tư nước ngoài (FDI), chú ý đến các ngành gây ô nhiễm mạnh và tốn năng lượng như sắt thép (chẳng hạn Vũng Áng), lọc dầu. Lưu ý rằng Lọc dầu Nghi sơn là dự án FDI (PVN chỉ chiếm 25,1% phần còn lại của các đối tác nước ngoài là Kuwait và Nhật Bản). Đấy là những dự án tốn năng lượng và gây ô nhiễm. Họ lợi dụng quy định môi trường lỏng lẻo của Việt Nam để tránh đóng thuế ô nhiễm ở nước họ. Đáng tiếc VPN cam kết bao tiêu sản phẩm trong vòng 10 năm và tính ra phải bù đến (3,4 tỷ USD cho cam kết này). Phải rà soát và chấm dứt mọi sự ưu ái cho các dự án FDI tốn năng lượng và gây ô nhiễm.

Thứ ba, có thể thấy năng lực quản lý của nhà nước quá kém. Không những Bộ thương mại đã đàm phán hớ với Hàn Quốc (chấp nhận thuế nhập khẩu 10%) trong khi Dung Quất phải chịu thuế nhập khẩu 20%. Không những thế, năng lực lãnh đạo của các tập đoàn kinh tế nhà nước cũng quá kém (không chỉ là cam kết của PVN bao tiêu sản phẩm của Nghi Sơn trong 10 năm, mà năng lực quản lý của Vinashin, Vinalines đã gây ra tai họa cho các tập đoàn này). Nhưng các lãnh đạo doanh nghiệp ấy đều do Thủ tướng bổ nhiệm!

Cho nên, thứ tư, phải xóa bỏ càng sớm càng tốt “cơ chế Thủ tướng chủ quản” đã gây tai họa cho nền kinh tế suốt 10 năm qua.

Cuối cùng, có thể thấy chính sách phát triển công nghiệp nặng của Việt Nam rất có vấn đề và phải chỉnh sửa càng sớm càng tốt.

Muốn thế, trước tiên phải đổi mới tư duy và kiên quyết loại trừ khỏi bộ máy nhà nước những người đã gây ra bao nhiêu thiệt hại cho nền kinh tế quốc dân (những người liên quan đến việc duyệt các dự án như Vũng Áng, Nghi Sơn chẳng hạn).
 
>> Nỗi sợ Dung Quất, món nợ lọc dầu

Theo TS.Nguyễn Quang A (Dân Việt)