Mua ròng kỷ lục lịch sử
Trong tuần 28/11-2/12, thị trường chứng khoán ghi nhận các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 9.150 tỷ đồng giá trị cổ phiếu Việt Nam, qua đó nâng tổng mức mua ròng từ đầu tháng 11 lên hơn 20.200 tỷ đồng.
Đây là đợt mua ròng với tốc độ nhanh và khối lượng lớn kỷ lục trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong vòng 22 năm qua.
Khối ngoại vẫn tập trung mua các cổ phiếu trụ cột nhóm VN30, nhưng gần đây cũng mua thêm nhiều mã cổ phiếu có quy mô nhỏ hơn, dù nhiều mã đã hồi phục 50% từ đáy (khoảng giữa tháng 11). Chỉ số VN-Index tăng khoảng 24%, từ mức 873 điểm ghi nhận vào sáng 16/11 lên trên 1.080 điểm hôm 2/12.
Trong phiên ngày 2/12, các nhà đầu tư nước ngoài mua ròng hơn 13,5 triệu cổ phiếu Sacombank (STB) của ông Dương Công Minh, với tổng trị giá khoảng 280 tỷ đồng kể cả khi cổ phiếu này đã tăng gần 49% trong vòng hơn một tháng qua, qua đó kéo STB tăng kịch trần với dư mua giá trần lên tới hơn 13,2 triệu đơn vị.
Cũng trong phiên ngày 2/12, khối ngoại mua ròng hơn 15,3 triệu cổ phiếu Thép Hòa Phát (HPG) của tỷ phú Trần Đình Long, dù cổ phiếu này tăng gần 65% trong vòng hơn 2 tuần qua, từ mức 11.800 đồng/cp hôm 15/11 lên 19.450 đồng/cp hôm 2/12.
Trong phiên cuối tuần, các nhà đầu tư cũng mua ròng hàng triệu cổ phiếu Vinhomes (VHM) của tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Vietinbank (CTG), Chứng khoán SSI (SSI), Nhà Khang Điền (KDH),... dù các cổ phiếu này đều đã tăng mạnh. Tổng cộng, khối ngoại đã mua ròng gần 2.200 tỷ đồng trong phiên 2/12.
Việc mua ròng lên tới cả chục nghìn tỷ đồng trong vòng một tháng là hiện tượng gần 4 năm qua chưa xảy ra.
Hoạt động mua ròng mạnh mẽ khi giá các cổ phiếu đã tăng 40-60% là một điều hiếm gặp của nhóm các nhà đầu tư nước ngoài.
Dù vậy, trên thực tế, so với mức giá trên đỉnh khi VN-Index ở mức 1.520 điểm hồi đầu tháng 4, giá nhiều cổ phiếu vẫn còn ở mức thấp. Nhiều cổ phiếu rớt 80-90% so với đỉnh trong bối cảnh thị trường và doanh nghiệp rơi vào tình trạng hụt thanh khoản.
Thị trường chứng khoán được dự báo sẽ đón nhận dòng tiền nội dồi dào hơn khi bước sang năm mới 2023.
Vốn Thái, Hàn, Đài Loan đổ dồn vào Việt Nam
Trong những tháng gần đây, giá cổ phiếu giảm mạnh và VN-Index từ đỉnh cao 1.520 điểm hồi đầu tháng 4 về 873 điểm (hôm 16/11), khối ngoại đã có 6 tháng mua ròng cổ phiếu Việt, trong tổng số 9 tháng.
Khối ngoại bán ròng trong 3 tháng: 7, 9 và 10 với tổng cộng hơn 5.400 tỷ đồng, nhưng mua ròng hơn 25.700 tỷ đồng trong các tháng còn lại. Chung cuộc, từ đầu năm, khối ngoại mua ròng hơn 18.000 tỷ đồng.
Những gương mặt nổi bật là các quỹ của Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan, Hàn Quốc,... Một số quỹ mua nhiều cổ phiếu Việt như Fubon (Đài Loan), VNM (US), DR Diamond của Thái, Dragon Capital...
Quỹ ETF Fubon đã được phép huy động thêm khoảng 4.000 tỷ đồng để tiếp tục đầu tư vào thị trường Việt Nam trong tháng 12 và năm 2023.
Có nhiều lý do dẫn tới việc khối ngoại mua ròng, nhưng theo đánh giá chung của nhiều công ty chứng khoán, là do chứng khoán Việt Nam hấp dẫn trong trung và dài hạn, hấp dẫn do vĩ mô ổn định, kinh tế phát triển. Bên cạnh đó, cổ phiếu Việt có định giá hấp dẫn (sau đợt tụt giảm mạnh)...
Theo VnDirect, P/E của VN-Index đang ở quanh mức 10 lần. Dự báo, VN-Index sẽ đạt 1.300-1.350 điểm trong nửa cuối 2023. Các doanh nghiệp niêm yết sẽ ghi nhận mức lợi nhuận tăng 14% trong 2023.
Nhóm ngân hàng, bất động sản, chứng khoán,... là các cổ phiếu được các nhà đầu tư nước ngoài lựa chọn và đổ tiền vào trong thời gian qua.
Theo Mạnh Hà (VietNamNet)