Theo báo cáo về mô hình bán lẻ diện tích lớn của IDG, châu Á tiếp tục là nơi các siêu thị, đại siêu thị tập trung phát triển. Các trung tâm mua sắm quy mô hàng nghìn m2 đang thu hút nhiều khách hàng.
Tại một hội thảo về ngành bán lẻ gần đây được tổ chức ở TP.HCM, Giám đốc thương mại Công ty nghiên cứu thị trường Kantar Worldpanel Việt Nam - Nguyễn Huy Hoàng, tiết lộ hiện các doanh nghiệp ngoại như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản… đang nắm 92% mô hình đại siêu thị tại Việt Nam.
Nắm gần hết phân khúc đại siêu thị trong kinh doanh bán lẻ tại Việt Nam suốt chục năm qua nhưng nhiều đại gia ngoại vẫn đều đặn báo lỗ.
Lotte lỗ 800 tỷ đồng vì mở đại siêu thị
Năm 2008, Lotte Mart bắt đầu hoạt động tại Việt Nam. Đại siêu thị đầu tiên của doanh nghiệp có 100% vốn Hàn Quốc này được đặt tại TP.HCM. Hiện Lotte Mart có 13 trung tâm trên khắp cả nước.
Theo kế hoạch, năm nay, doanh nghiệp này dự định mở thêm 12 điểm bán mới tại Việt Nam để nâng lên con số 25 đại siêu thị. Tuy nhiên, dù tháng 12 đã cận kề vẫn chưa thấy bất kỳ động thái nào từ tập đoàn Hàn Quốc Lotte.
Không chỉ việc mở rộng chuỗi không như kỳ vọng, thời gian qua, báo cáo tài chính của doanh nghiệp này liên tục ghi nhận thua lỗ.
Theo Giám đốc Tài chính Công ty cổ phần Trung tâm thương mại Lotte Việt Nam - ông Jeong Seong Won, đến cuối năm 2017, doanh thu của Lotte Việt Nam là 5.268 tỷ đồng. Các năm 2016, 2015 lần lượt là 5.072 và 4.191 tỷ đồng.
Dù doanh thu tăng hàng năm, Lotte Mart báo cáo lỗ lũy kế gần 800 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của công ty hiện ở mức 1.600 tỷ đồng.
Doanh nghiệp này giải thích nguyên nhân là do từ năm 2008 cho đến nay đã chi hơn 8.913 tỷ đồng đầu tư cho 13 trung tâm thương mại và đại siêu thị. Đồng thời, doanh nghiệp phải chi nhiều cho các hoạt động khuyến mãi, quảng cáo, ưu đãi, dịch vụ… nhằm tạo lợi thế cạnh tranh, thu hút khách hàng.
Đại diện Lotte cho rằng số trung tâm hoạt động hiệu quả hiện vẫn chưa thể bù cho được các trung tâm còn lại và chi phí đã đầu tư.
Big C mất “quả ngọt” khi về tay người Thái
Từng đạt doanh thu trên 10.000 tỷ đồng mỗi năm trước đây, tuy nhiên, từ khi về tay người Thái, Big C bắt đầu không còn nhiều “quả ngọt”. Năm 2016, thương vụ mua bán và sáp nhập này diễn ra khi Central Group mua lại chuỗi Big C với giá 1,05 tỷ USD.
Sau khi nhà bán lẻ hàng đầu Thái Lan thâu tóm, tình hình hoạt động của hệ thống siêu thị này có phần giảm sút. Các điểm kinh doanh lớn của Big C như Big C Thăng Long hay Big C An Lạc bắt đầu báo cáo doanh số giảm trong năm 2017.
Big C Thăng Long, siêu thị Big C lớn nhất Việt Nam báo cáo doanh thu 2.698 tỷ đồng và lợi nhuận 150 tỷ đồng trong năm 2017, thua kết quả kinh doanh 2015 khi doanh thu đạt 2.811 tỷ đồng và lợi nhuận 167 tỷ đồng.
Còn Big C An Lạc, lợi nhuận trước thuế 2015 đạt 184 tỷ đồng nhưng đến 2017 còn 92 tỷ đồng. Chuỗi các siêu thị Big C ở nhiều tỉnh thành khác cũng không còn tăng trưởng nổi bật.
Tuy nhiên, Central Group cho biết vẫn sẽ tiếp tục đầu tư vào ngành bàn lẻ Việt Nam với quy mô khoảng 500 triệu USD trong vòng 5 năm tới để mở thêm khoảng 500 cửa hàng bán lẻ cho các ngành mà doanh nghiệp này đang đầu tư.
Hiện Big C có tất cả 35 siêu thị trải dài khắp cả nước và tương tự Lotte Mart, 2 năm qua, ông lớn Thái Lan này đã không còn tiếp tục mở thêm nhiều siêu thị như khi mới vào Việt Nam.
Metro đổi tên nhưng vẫn chưa có lời
Tập đoàn Metro của người Đức có mặt tại Việt Nam từ năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh bán sỉ. Vào Việt Nam khá sớm, tuy nhiên, suốt thời gian kinh doanh, Metro Cash & Carry liên tục báo lỗ, mỗi năm từ 89-160 tỷ đồng, tổng lỗ lũy kế âm gần 600 tỷ đồng và chỉ ghi nhận 1 năm có lãi.
Đến năm 2015, chuỗi này bất ngờ quyết định bán lại toàn bộ mảng kinh doanh tại Việt Nam gồm 19 trung tâm cho một đại gia bán lẻ Thái Lan với giá gần 900 triệu USD.
Sau một năm về tay ông chủ mới, thương hiệu này vẫn giữ nguyên số lượng điểm kinh doanh. Đến đầu năm 2017, hệ thống này đổi tên thành MM Maga Market và thương hiệu Metro không còn trên thị trường.
Chia sẻ với báo chí gần đây, đại diện doanh nghiệp cho biết mảng kinh này tại Việt Nam vẫn chưa sinh lời.
Emart vẫn loay hoay với một trung tâm
Năm 2015, Tập đoàn Shinsegae (Hàn Quốc) mở điểm kinh doanh đầu tiên Emart tại TP.HCM. Quận vùng ven Gò Vấp là nơi ông lớn bán lẻ này đặt chân đầu tiên, với tổng vốn đầu tư 60 triệu USD.
Theo truyền thông Hàn Quốc, sau một năm kinh doanh, doanh thu của trung tâm này là 33,7 triệu USD, vượt xa kỳ vọng của Emart và liên tục tăng qua các năm. Tập đoàn này cũng khẳng định sẽ phát triển hệ thống Emart thành vài chục trung tâm, rộng khắp TP.HCM cũng như Việt Nam.
Dù tuyên bố doanh thu tăng và chuẩn bị mở một trung tâm thứ hai tại Việt Nam, đến nay vẫn chưa thấy động thái nào từ ông lớn bán lẻ đến từ Hàn Quốc này cho việc mở rộng.
Phát triển tốt, Aeon vẫn phải "chia tay"Fivimart
Đại gia bán lẻ Aeon (Nhật Bản) dường như là “ông lớn” ngoại duy nhất đang ăn nên làm ra tại thị trường Việt Nam, tuy số lượng điểm kinh doanh hiện nay khá khiếm tốn với chỉ 4 trung tâm Aeon Mall trên cả nước.
Trong năm đầu tiên vận hành, Aeon Việt Nam đã đạt doanh thu gần 1.300 tỷ đồng. Sau đó, mỗi năm tiếp theo, doanh nghiệp này cho ra đời thêm một trung tâm ở Long Biên (Hà Nội) và quận Bình Tân (TP.HCM).
Năm 2016, doanh thu của tập đoàn Nhật Bản này gấp 3 lần 2014 và không còn thua lỗ khi có được hơn 50 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế. Sau khi hoàn vốn cho chi phí đầu tư khoảng 200 triệu USD mỗi trung tâm, năm ngoái, đại gia này ghi nhận mức lợi nhuận trước thuế hơn 200 tỷ đồng. Trước sự phát triển khả quan này, Aeon dự định sẽ mở rộng chuỗi với 25 trung tâm vào năm 2025.
Trong khi Aeon gặp nhiều thuận lợi thì đối tác của đại gia bán lẻ này lại không may mắn như vậy. Cuối tháng 9, Aeon đã phải nhượng lại chuỗi 23 siêu thị Fivimart cho Vingroup, sau 4 năm hợp tác. Trong khi đó, Citimart cũng ghi nhận lỗ lũy kế lên đến 157 tỷ đồng.
Theo Phúc Minh (Tri Thức Trực Tuyến)