Tuy nhiên, đến nay vẫn còn có tới 114 văn bản ràng buộc các điều kiện của 167 ngành nghề. Ngoài ra, Chính phủ cũng còn 15 nghị định quy định chi tiết các điều kiện kinh doanh, nhằm cụ thể hóa hướng dẫn 2 luật nói trên nhưng có nguy cơ không ban hành kịp.
Chủ trì hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tinh thần chung là phải cải cách, tạo mọi điều kiện giải phóng sức sản xuất, ủng hộ bảo vệ quyền kinh doanh. "Phải công khai các điều kiện về kinh doanh chứ không để tình trạng làm trái luật, giấy phép con hoành hành”, người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh.
Do 2 luật sẽ có hiệu lực từ 1/7 tới, Thủ tướng cho rằng việc chuẩn bị thi hành phải trên tinh thần không cầu toàn, cái gì làm được phải bắt tay ngay cho kịp. “Tôi đồng ý với kiến nghị Ban hành nghị định theo quy trình rút gọn. Tương tự là nâng cấp các thông tư về điều kiện kinh doanh cũng với tinh thần này để làm sao giảm thiểu thủ tục, giấy phép con và đến 30/5 các công việc này phải hoàn tất để Chính phủ rà soát, ban hành nghị định”.
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng thể chế, luật pháp tốt mà cán bộ thiếu trách nhiệm, không tận tâm thì doanh nghiệp cũng bị phiền hà. Ảnh: VGP |
“Tại sao chỉ việc tập hợp các điều kiện kinh doanh do chính mình ban hành mà các bộ không làm được. Nếu không làm thì doanh nghiệp có quyền suy diễn phải chăng vì điều kiện đó là vô lý nên các anh không công khai”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam đặt nghi vấn.
Còn theo Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, tinh thần đổi mới của hai luật này là thành quả quan trọng của công cuộc cải cách thể chế mà Quốc hội, Chính phủ có được. Điều này cùng với các hiệp định tự do mới ký kết được hy vọng là tạo ra cú hích mới trong thu hút đầu tư, phát triển sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
“Tuy nhiên tiến độ rà soát, chuẩn bị thực hiện của các bộ còn chậm, còn nhiều vướng mắc. Do đó, cần làm ngày làm đêm thì cũng phải làm để tinh thần các luật mới đi vào cuộc sống đúng lộ trình, nếu không sẽ khó ăn nói khi trả lời chất vấn trước Quốc hội”, ông Huệ nói.
Để không tạo ra khoảng trống pháp lý khi 2 luật có hiệu lực từ 1/7, lãnh đạo Bộ Kế hoạch & Đầu tư kiến nghị các bộ phải khẩn trương tập hợp các điều kiện kinh doanh để công khai trên mạng cho doanh nghiệp được biết. Cùng với đó, ông kiến nghị Chính phủ sửa nhiều nghị định theo tinh thần rút gọn để có hiệu lực cùng với hai luật kể trên.
Cơ quan này cũng đề nghị Thủ tướng cử Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ phải vào cuộc cùng dự với cơ quan này trong những buổi rà soát với các bộ chuyên ngành để tránh tình trạng không thống nhất được quan điểm.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng lưu ý, ngoài việc có thể chế tốt thì người thực thi còn phải tận tâm, trách nhiệm. “Không loại trừ chủ trương lớn, đúng đắn nhưng nảy sinh cửa quyền khi thực hiện. Cho nên cần tăng cường vai trò của tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện. Những vụ việc gần đây cho thấy có cải cách tốt, luật pháp tốt mà cán bộ không tốt thì rất cản trở sản xuất”, Thủ tướng lưu ý.