Người dùng mạng xã hội tâm lý chung là hầu hết cứ nghe bất kỳ thông tin gì “an nguy” hay “đe dọa” tới sức khoẻ bản thân và gia đình là vội vàng, nhanh tay chia sẻ, những mong cảnh báo tới bạn bè, người thân những nguy hại có thể gặp phải. Số rất ít người dùng mạng xã hội thì bình tâm cân nhắc, suy xét xem thông tin ấy có chuẩn xác hay không, trước khi ấn vào nút “share”.
Những thông tin thất thiệt khiến người nông dân vốn đã cơ cực lại thêm phần khốn đốn. I.T |
Với những thông tin thất thiệt trong mấy ngày qua, đối tượng được đề cập trong các bài báo, thông tin trên là người nông dân một nắng hai sương. Người nông dân là đối tượng dễ tổn thương, cũng khó cất lên tiếng nói của mình bởi ngoài sự chân chất, thật thà, họ không có trong tay phương tiện thông tin nào cả.
Thực tế là với thông tin “ăn cá rô phi nuôi gây tim mạch, hen suyễn, khớp... do nhiễm dioxin, thuộc trừ sâu”, chỉ từ khi thông tin được phát đi, vài tiếng đồng hồ sau, những hậu quả đã bắt đầu hiện hữu. Giá cá xuống thấp, thương lái ép giá người nuôi.
Còn với thông tin “nhãn lồng tẩy bằng lưu huỳnh” thì người trồng nhãn Miền Thiết - một loại nhãn lồng nổi tiếng tại Hưng Yên cũng phải chịu cảnh bị ép giá một cách trắng trợn, giá nhãn rớt xuống còn một nửa.
Và với người trồng sầu riêng cũng chẳng phải là một ngoại lệ.Chị họ tôi có một vườn cà phê xen canh sầu riêng 2ha đã tới ngày thu hoạch, ngày hôm qua, chị gọi cho tôi với giọng thất thểu: “Các cô các chú là nhà báo, chị không rõ các cô các chú lấy nguồn thông tin ở đâu nhưng chỗ chị, làm chi có chuyện sầu riêng ngâm hoá chất. Sầu riêng của chị được thu mua ngay tại vườn, bao năm chị có biết hoá chất là cái chi chi. Mấy ngày qua, sầu đã tới vụ mà giờ sự thể ra ri, chị biết bán cho ai đây?”
Còn tiến sỹ Lê Thanh Lựu - một chuyên gia đầu ngành và có tiếng trên thế giới về thuỷ sản, về nuôi trồng thuỷ sản và cá rô phi khi trả lời những câu hỏi của tôi về cơ sở khoa học của thông tin “dừng ăn cá rô phi ngay lập tức” đã không giữ nổi bình tĩnh.
Ông đã bỏ cả vị trí chủ trì của một cuộc hội thảo quốc tế để ra hành lang nói chuyện với tôi, để bác bỏ những luận điểm phi lý của thông tin khuyến cáo “dừng ăn cá rô phi ngay lập tức”.
“Không hiểu những người viết bài này, họ suy nghĩ cái gì, nhận thức ra sao về hậu quả của những thông tin lá cải, phản khoa học có thể xảy ra với những người nông dân chân lấm tay bùn. Họ quá dã man...” - TS Lựu nói.
Rồi tôi cũng nhận được điện thoại với giọng như mếu của một anh bạn tôi ở Khoái Châu - Hưng Yên, anh có cả trăm gốc nhãn Miền Thiết tới ngày thu hoạch, vốn liếng phần lớn là vay ngân hàng. Đêm hôm trước vợ chồng anh đã khấp khởi mừng vì nhẩm tính với giá bán tại vườn trên dưới 20.000 đồng/kg, sẽ có lãi khá. Thế rồi sau khi có thông tin “nhãn lồng tẩy bằng lưu huỳnh”, giá nhãn đã giảm đi trông thấy. Nhãn đã tới ngày thu hoạch, không hái không được mà hái thì bị mất tới mấy nghìn đồng/kg cũng chua xót.
Nông dân Đồng Tháp, Tiền Giang điêu đứng vì giá xoài giảm 50% sau khi có tin đồn nhiễm độc. Ảnh Người Lao Động |
Trong cuộc trò chuyện với tôi anh nhắc đi nhắc lại câu nói: “Họ làm vậy để làm gì, hả chú (em)? Mục đích của họ là gì? Nếu như họ đã không cất lên tiếng nói bảo vệ người nông dân thì thôi cớ sao còn siết cổ người nông dân hả anh? Những người nông dân như chúng anh đã làm gì sai?”.
Tôi đã phải lặng thinh bởi dù là đồng nghiệp với nhau và tôi cũng thử đặt mình vào vị trí của họ, nhưng tôi không thể tài nào mà lý giải nổi.
Tôi cũng như nhiều đồng nghiệp của mình trong nghề báo đều xuất thân từ nhà nông, tuổi thơ gắn bó với vùng nông thôn. Chúng tôi được nuôi lớn bằng hạt gạo trắng trong của ông bà bố mẹ, từ những chùm nhãn quê được hái xuống - quả ngon, to thì bán cho thương lái, quả còi cọc thì để lại ăn, số tiền gom được dùng để đóng học phí và mua sách vở cho năm học mới.
Tôi cũng biết nhà cậu bạn thân tôi cũng đã vội bán mẻ cá lồng nuôi trên sông với thức ăn chính là cỏ và bèo tây băm nát, dù cá chưa đủ cân nặng đã phải xuất bản để gom tiền cho con trai nhập học đại học.
Chúng ta lớn lên nhờ sữa nguồn ấm áp của quê nghèo, được bao bọc, nuôi dưỡng nhờ sự chân chất, thật thà thậm chí tới nghờ nghệch của người miền quê. Và rồi khi chúng ta trưởng thành, không ít trong chúng ta lại dùng bàn phím, dùng ngòi bút quật lại quê nghèo, hướng thẳng đối tượng vào người nông dân.
Những ngôn từ cay nghiệt và những thông tin thất thiệt chẳng khác gì những nhát dao vô tình găm thẳng vào cơ thể vốn đã xanh xao, yếu ớt của người nông dân khiến họ thêm một lần lao đao, rỉ máu.
Cơ thể đó thấp thoáng có bóng dáng của ông bà, bố mẹ, người thân và có cả tuổi thơ của mỗi chúng ta…
*Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả
Theo Ngọc Thọ (Dân Việt)