Chuyện lạ: Mát-xa hoa dừa chảy ra mật bổ dưỡng
Từ trước, dừa thường bán trái tươi hoặc khô chứ không ai lấy mật. Tuy nhiên, vợ chồng anh Phạm Đình Ngãi (Trà Vinh) lại có cách làm khác, đó là lấy mật hoa dừa.
Anh Ngãi kể, lúc đầu, ai cũng nói anh học nhiều nên khùng. Nhưng vợ chồng anh quyết tâm chinh phục thử thách. Về giá trị kinh tế, thu nước mật sẽ cao hơn từ 3-4 lần với để trái bán.
Mật hoa dừa vị ngọt nhẹ và thanh, dùng sản xuất các loại gia vị với chỉ số đường huyết thấp, khoáng cao. Sản phẩm mật hoa dừa gây tiếng vang lớn và mở ra cơ hội mới cho người trồng dừa ở miền Tây.
Anh Ngãi còn nghiên cứu hoàn thiện kỹ thuật lấy mật hoa dừa. Anh cho biết, để có mật, phải chọn những hoa dừa đủ tuổi, uốn cong trở xuống rồi bó lại. Sau đó, người thợ phải “mát-xa hoa dừa” rồi dùng vật cứng gõ đều xung quanh thì hoa mới tiết mật.
Cho dưa leo trèo cây bắp, bắt đất 'đẻ' 400 triệu đồng/ha
Dân Việt thông tin, những năm trước, mảnh đất gần 1ha của anh Phạm Đình Thôi (Đồng Nai) chỉ canh tác được 1 vụ bắp và 1 vụ lúa. Sau nhiều đêm trăn trở, anh Thôi quyết định luân canh quanh năm với vụ bắp nếp, vụ dưa leo, đậu bắp và vụ lúa.
Khi cây bắp đạt khoảng 65 ngày tuổi, anh thu hoạch trái rồi bẻ gập đọt cây xuống cho bớt bóng rợp để trồng xen dưa leo. Dưa trồng dưới gốc bắp khỏe mạnh, cho trái nhiều và ít sâu bệnh.
Sáng kiến của anh Thôi được nhiều người khen là canh tác thông minh, lạ mà hay. Theo anh Thôi, mô hình này có thể cho mức thu nhập 300-400 triệu đồng/ha/năm.
Đàn cá anh vũ quý hiếm giữa lưng chừng đèo
Cá anh vũ thuộc họ cá chép, thịt thơm ngon nổi tiếng, xưa thường dùng để tiến vua. Giống cá quý này chỉ sống ở những nơi nước chảy xiết, dùng miệng bám vào đá mà cạp rong rêu nên có đôi môi bành ra, dày, to. Đó cũng là bộ phận ngon nhất, quý nhất của cá anh vũ.
Xưa, cá anh vũ phân bố từ sông Hồng, sông Lô ngược lên sông Gâm ở Chiêm Hóa, Na Hang (Tuyên Quang) rồi đến Bắc Mê (Hà Giang). Nhưng khi các con đập dựng lên, hóa chất đổ xuống sông cộng với kích điện, lưới mắt nhỏ, đánh bắt vô tội vạ khiến cho anh vũ gần như bị tuyệt diệt.
Vậy mà, ở lưng chừng đèo Ái Au dưới chân con suối bắt nguồn từ đỉnh Khau Đao của xã Thượng Lâm (huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang) hiện xuất hiện 8 cái ao nuôi nhiều loại cá hiếm mà quý nhất là anh vũ. Theo Nông Nghiệp Việt Nam, chủ nhân của trang trại kỳ lạ này là một cặp vợ chồng người Tày. Đàn cá anh vũ hiện đã đạt hơn 2.000 con. Cá anh vũ đạt trọng lượng 5-7 lạng có giá 3-4 triệu đồng/kg.
Quán cà phê cây mít, quả sai trĩu từ gốc đến ngọn
Cộng đồng mạng vô cùng thích thú trước hình ảnh cây mít tại một quán cà phê ở Tuyên Quang sai trĩu từ gốc đến ngọn.
Cây mít có tuổi đời khá lâu năm, sở hữu bộ thân, tay, cành rắn chắc. Cây được người chủ cho mọc đâm xuyên qua tầng 2 của quán cà phê, tạo nên một khung cảnh hấp dẫn.
Đặc biệt, số lượng quả trên cây khiến thượng khách trầm trồ, kinh ngạc. Nhiều người thích thú đến quán uống nước, nói chuyện dưới tán cây.
Siêu phẩm 'Ngai vàng đất Việt' chục tỷ của chàng trai mê cây từ nhỏ
Lê Đức Nam (SN 1976, Đồng Mai, Hà Đông, Hà Nội) từ nhỏ đã đam mê cây cảnh. Năm 13 tuổi, anh sở hữu cây cảnh đầu tiên bằng tiền tiết kiệm từ nhặt phế liệu, nhịn ăn sáng... Anh được trời phú cho bàn tay tài hoa để tự mình hoàn thiện những tác phẩm để đời, thay vì bỏ bạc tỷ để sở hữu những tác phẩm đã hoàn thiện.
Siêu phẩm “Ngai vàng Đất Việt” gần 20 năm trước là một cây sanh chưa hoàn thiện, anh Nam mua lại từ một nhà vườn ở Hà Nội. Một tác phẩm hội tụ đủ 4 yếu tố “cổ, kỳ, mỹ, văn” cần hàng chục năm để tạo thế, cắt giật, nuôi từng tay bông của cây,... “Ngai vàng Việt Nam” là một trong số hiếm hoi những tác phẩm cây cảnh như thế.
Tại triển lãm sinh vật cảnh 2019 tại Thanh Hóa, “Ngai vàng Đất Việt” đã chinh phục được nhiều người yêu cây. Có đại gia sẵn sàng bỏ nhiều tỷ để mua lại nhưng anh Nam không bán.
Ao cá trắm khổng lồ ở Nam Định cho thu nhập 7 tỷ/năm
Ông Trần Thanh Năm (xã Xuân Vinh, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định) nổi tiếng khắp vùng về tài nuôi cá mát tay.
Đặc biệt, ông Năm nuôi cá bằng cách xay tỏi rồi cho thêm một chút đường và dấm gạo nếp vào. Cách nuôi cá bằng thảo dược này đơn giản, rẻ tiền nhưng cực kì hiệu quả, kích thích cá tiêu hóa nên đàn cá lớn rất nhanh, phát triển khỏe mạnh, thịt thơm ngon hơn.
Trang trại nuôi cá của ông Năm rộng 6ha, mỗi năm xuất bán trên 70 tấn cá trắm đen và 30 tấn cá chép và trắm cỏ, mà con nào con nấy đều thuộc dạng "siêu to khổng lồ". Cá trắm đen lúc xuất bán đều trên dưới 10 kg/con, nhiều con nặng gần 20kg. Doanh thu từ bán cá mỗi năm từ 6-7 tỷ đồng.
Miền Tây xuất hiện bưởi lạ như màu ngọc ruby
Gần đây, nhiều người dân ở các tỉnh Vĩnh Long, Tiền Giang,... quan tâm đến một giống bưởi lạ, xuất xứ từ Thái Lan có tên ruby.
Một nhà vườn cho biết, đây là giống bưởi đặc sản của Thái Lan, giá bán khá cao. Sở dĩ bưởi có tên ruby là do ruột bưởi có màu đỏ đậm như màu ngọc ruby. Bưởi ruby phát triển rất tốt. Quả bưởi vỏ mỏng, ruột đỏ, tép bưởi nằm ngang, mọng nước, nặng từ 1,5kg trở lên.
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm cho hay, giống bưởi này chưa nằm trong danh mục giống cây trồng của Bộ NN-PTNT, do đó, chưa được phép sản xuất, kinh doanh mua bán giống bưởi này.
Cặp đĩa khổng lồ cực quý, khách trả triệu USD không bán
Bảo tàng Bình Dương đang lưu giữ một “báu vật”, đó là cặp đĩa khổng lồ được sản xuất độc nhất mà cán bộ bảo tàng tiết lộ dù có người trả triệu USD vẫn không được sở hữu.
Cặp đĩa bằng gốm sứ cao cấp với chiều dài gần 2m, chiều rộng hơn 1m. Trên mặt một chiếc đĩa được khảm hình ảnh Hai Bà Trưng ra trận, chiếc còn lại là hình Quang Trung dẫn quân ra trận.
Theo lời hướng dẫn viên, điểm đặc biệt của hoa văn trên hai chiếc đĩa này là càng để lâu năm càng rõ nét, sẽ không bị mòn, phai màu. Cặp đĩa khổng lồ này đủ chứa cả trăm món ăn.
Cây sung tiền tỷ của đại gia Thái Nguyên
Tác phẩm sung nghệ thuật có tên "Long mã hồi đầu" được đặt ở vị trí cao trên một đỉnh núi nhân tạo ở Khu sinh thái Dũng Tân (Thái Nguyên), bao quanh là những viên đá quý lớn, còn thô sơ. Cây sung có dáng rất lạ, bệ rễ và thân cây như thân một con rồng.
Chủ nhân cây sung này là ông Lê Văn Dũng (TP. Sông Công, Thái Nguyên). Ông Dũng cho biết, cây sung quý này được ông mua của một nghệ nhân nổi tiếng ở làng cây cảnh cổ làng Vị Khê (Nam Trực, Nam Định). Nhiều người mê cây trả giá bạc tỷ nhưng ông không bán.
Theo Hạnh Nguyên (VietNamNet)