Nghị định 126 có hiệu lực từ đầu tháng 12 năm nay cho phép cơ quan thuế được nắm thông tin về số dư cũng như chi tiết giao dịch qua tài khoản ngân hàng của các cá nhân. Bên cạnh đó, nhà băng cũng sẽ được "trao quyền" thu hộ thuế bằng cách trực tiếp khấu trừ thuế trên các giao dịch thanh toán ra nước ngoài nhằm mục đích đánh thuế các nền tảng xuyên biên giới.
Nói với VnExpress, ông Đặng Ngọc Minh, Phó Tổng cục trưởng Thuế khẳng định, ngân hàng không có nghĩa vụ cung cấp thông tin của toàn bộ khách hàng cho cơ quan thuế. Các nhà băng chỉ cung cấp thông tin tài khoản cá nhân của một số đối tượng và vụ việc cụ thể thuộc diện cơ quan thuế yêu cầu.
Đối tượng chủ yếu mà ngành thuế hướng tới theo các chuyên gia trong ngành, chính là những người kiếm tiền trực tuyến như bán hàng online hay có nguồn thu nhập từ nước ngoài nhưng chưa chủ động đóng thuế.
Make Money Online đã trở thành cụm từ phổ biến để nói đến cộng đồng cá nhân hay tổ chức kiếm tiền trên mạng như bán hàng online, cung cấp dịch vụ, nội dung cho các nền tảng nước ngoài như YouTube, Facebook... Nhiều người có nguồn thu nhập lớn trên mạng vẫn "chây ì" trong việc đóng thuế do họ cho rằng ngành thuế sẽ không nắm được thu nhập của họ.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hiệp hội tư vấn thuế cho rằng, trong bối cảnh thu thuế kinh doanh thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn, việc hợp tác với các nhà băng sẽ giúp cơ quan thuế theo dõi giao dịch từ ngân hàng để quản lý thuế hiệu quả hơn.
Như với những ca sĩ hay nghệ sĩ sản xuất nội dung trên Youtube, lượng xem càng cao thì họ càng nhận được nhiều tiền. Số tiền đó được chuyển từ nước ngoài vào tài khoản cá nhân và cơ quan thuế không thể kiểm soát nếu không có sự phối hợp với ngân hàng.
" Những người kinh doanh truyền thống vẫn phải thuê trụ sở, cửa hàng và gánh thêm nhiều chi phí nhưng họ vẫn kê khai, nộp thuế đầy đủ. Trong khi đó, những người kinh doanh thương mại điện tử hiện đại hơn, chi phí thấp, lợi nhuận cao hơn thì lại tránh thuế", bà nhìn nhận.
Bởi vậy, Chủ tịch Hội tư vấn thuế đánh giá quy định cơ quan thuế được nắm thông tin tài khoản của một số cá nhân là hoàn toàn phù hợp nhằm đảm bảo bình đẳng giữa những người kinh doanh thương mại điện tử và kinh doanh truyền thống.
Liên quan đến việc bảo mật thông tin cho chủ tài khoản, Luật tổ chức tín dụng yêu cầu các ngân hàng không cung cấp thông tin cho bên thứ ba nhưng vẫn được phép cung cấp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền yêu cầu. Bên cạnh đó, Nghị định 126 cũng yêu cầu ngành thuế có nghĩa vụ và trách nhiệm bảo mật thông tin khi khai thác từ ngân hàng.
Trên thực tế, việc ngân hàng cung cấp dữ liệu cho cơ quan thuế cũng đã thành thông lệ quốc tế giúp ích cho cơ quan thuế trong việc thanh, kiểm tra. Các chuyên gia trong ngành khẳng định, đây là quy định phổ biến đã được thế giới áp dụng từ lâu nhằm tạo sự công bằng giữa những người nộp thuế và minh bạch hoá thông tin.
Tuy nhiên, phía ngân hàng và ngành thuế thừa nhận có những khó khăn trong quá trình triển khai ban đầu.
Là một trong những ngân hàng có quy mô lớn nhất, Vietcombank có hàng triệu tài khoản khách hàng. Vì thế, đại diện nhà băng này cho biết có một số vướng mắc liên quan đến việc cung cấp dữ liệu nên vẫn đang chờ hướng dẫn cụ thể từ cơ quan thuế về cách thức cung cấp thông tin và đầu mối thực hiện.
Còn với nghĩa vụ khấu trừ thuế thu nhập tại nguồn đối với các giao dịch điện tử liên quan đến Facebook, Google..., đại diện Vietcombank cho rằng, với tư cách là trung gian thanh toán, ngân hàng không có đủ thông tin để xác định khoản chuyển tiền nào là chịu nghĩa vụ thuế. Việc trực tiếp thực hiện khấu trừ là khó khăn với ngân hàng. Do đó, nhà băng này cũng kỳ vọng vào hướng dẫn cụ thể hơn từ cơ quan thuế.
Trước những vướng mắc trên, Tổng cục thuế cho biết cơ quan này cùng Ngân hàng Nhà nước và Hiệp hội ngân hàng đang trao đổi và trong quá trình ban hành Thông tư hướng dẫn cụ thể.
Bản thân ngành thuế cũng có những bất cập khi thực hiện Nghị định này. Ông Vũ Mạnh Cường, Vụ trưởng Vụ thanh tra, kiểm tra (Tổng cục thuế) nói với VnExpress, việc xử lý dữ liệu thu được từ ngân hàng cũng là một trong những khó khăn với đơn vị này. "Các ngân hàng có nghĩa vụ cung cấp thông tin nhưng nếu dữ liệu đưa ra không chuẩn thì rất khó trong việc khai thác", ông nói.
Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng bày tỏ lo ngại, dù cơ quan thuế nắm được dữ liệu tài khoản ngân hàng nhưng vẫn sẽ bỏ sót nhiều đối tượng bán hàng trực tuyến sử dụng phương thức thanh toán bằng tiền mặt.
Trước ý kiến này, Phó tổng cục trưởng Thuế chia sẻ, cơ quan thuế có những lực lượng theo dõi trên mạng xã hội và xác định được những tài khoản nào có hoạt động kinh doanh với nguồn thu lớn. Ông nói, mọi giao dịch thương mại điện tử đều có dấu vết. Ngành thuế sẽ từng bước hợp tác với các đơn vị thương mại điện tử cũng như đơn vị trung gian vận chuyển có lượng khách hàng lớn... để nắm dữ liệu đầy đủ hơn về cộng đồng bán hàng trực tuyến.
Ông cũng khẳng định, trách nhiệm đăng ký, kê khai là của cá nhân và tổ chức. Mục tiêu của cơ quan thuế là tuyên truyền về mặt chính sách và thực hiện kiểm tra, thanh tra.
Trên thực tế, từ đầu tháng 7 năm nay khi Luật quản lý thuế mới có hiệu lực, cơ quan thanh tra của Tổng cục thuế đã phối hợp với hơn 40 ngân hàng để thực hiện công tác thanh, kiểm tra.
Vụ thanh tra (Tổng cục thuế) cũng cho biết, cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng – Ngân hàng Nhà nước đã chỉ ra 23 trường hợp có hiện tượng khách hàng cá nhân chuyển tiền về với nội dung thanh toán tiền chạy quảng cáo, nhận tiền thay cho nhiều cá nhân khác từ Google, Facebook, Youtube... hoặc có nội dung không rõ ràng.
Vụ Thanh tra hôm 28/9 đã trình Tổng cục thuế ban hành công văn mật – gửi một số Cục thuế địa phương về việc xử lý thông tin những giao dịch qua ngân hàng có dấu hiệu đáng ngờ này. Theo đó, Tổng cục thuế đã đề nghị các cục thuế lập danh sách cụ thể các mã số thuế cá nhân để đối chiều, rà soát, xác minh thông tin xử lý theo đúng quy định.
Theo Quỳnh Trang (Vnexpress.net)