Buôn ô tô cũ: Nghề 'hốt bạc' nhưng rủi ro cũng nhiều

05/10/2023 06:35:06

Nghề mua bán xe ô tô cũ mới nghe có vẻ lung linh, dễ "hốt bạc" bởi "việc nhẹ lương cao", thế nhưng thực tế cũng có lắm rủi ro mà chỉ người trong nghề mới thấm.

Lúc "đỉnh cao", kiếm trăm triệu mỗi tháng

Cùng với sự bùng nổ của phương tiện 4 bánh, mua bán, kinh doanh ô tô cũ trở thành nghề khá hot trong khoảng 5-7 năm trở lại đây, thu hút rất nhiều người từ chuyên nghiệp đến không chuyên tham gia.

Với đặc thù là "mua của người chán, bán cho người cần”, giới buôn ô tô cũ trong lúc đỉnh điểm có thể kiếm vài chục triệu, thậm chí trăm triệu mỗi tháng. Điều này phụ thuộc vào khả năng, uy tín, mạng lưới bán hàng và "cái duyên" của từng người.

Buôn ô tô cũ: Nghề 'hốt bạc' nhưng rủi ro cũng nhiều
Thu nhập của dân buôn xe cũ lúc đỉnh điểm có thể đến cả trăm triệu mỗi tháng. (Ảnh minh hoạ)

Chia sẻ với VietNamnet, anh Quốc Khánh - một “thợ săn” xe cũ tại Hà Nội cho hay, thông thường, đối với những mẫu xe phổ thông có giá dưới 1 tỷ đồng được tìm mua nhiều, mỗi chiếc xe cũ bán ra, người buôn bán ô tô cũ có thể ăn chênh từ 8-10%. Ví dụ, bán một chiếc xe với giá 500 triệu đồng thì dân buôn đã thu được 40-50 triệu đồng.

Tất nhiên, trong số này có rất nhiều chi phí như chi cho nguồn tin, những cộng tác viên bán hàng, thẩm định xe, chi phí quảng cáo, thuê mặt bằng hoặc chỗ gửi, tiền dọn dẹp "mông má", làm giấy tờ,... Nếu chiếc xe đã là tài sản thế chấp vay ngân hàng thì chi phí còn có cả tiền lãi và nhiều thủ tục khác.

"Nhìn chung, lúc đông khách mua bán như thời điểm trước dịch bệnh, mỗi tháng anh em nào có duyên và chịu khó có thể bỏ túi trăm triệu ngon ơ. Còn nếu "săn" được chiếc xe sang của đại gia cả thèm chóng chán nào đấy giá vài tỷ đồng thì bán xong có thể đi chơi cả tháng", anh Khánh nói.

Chia sẻ sâu hơn về nghề kinh doanh xe cũ, anh Khánh cho biết, thông thường mỗi salon xe cũ hoặc cá nhân bán xe thường lựa chọn cho mình một phân khúc phù hợp. Có người chuyên các dòng xe sang, có người lại chuyên xe lướt, còn nhiều tay buôn chỉ thích gắn bó với các dòng xe cỏ rẻ tiền, thậm chí cả taxi "hoàn lương", xe tai nạn, ngập nước,... đủ cả.

Vị chuyên gia về ô tô này cho rằng, dòng xe nào cũng vậy, yêu cầu bắt buộc đối với dân buôn xe cũ ngoài am hiểu về kỹ thuật xe cần có mạng lưới rộng, kinh nghiệm và cả sự quyết đoán. Trong đó, không phải lúc nào cũng "ăn dày" được mà chiến thuật cần hết sức linh hoạt.

"Nhiều khi mình đi xem xe và ưng, đặt cọc cho chủ xe một số tiền nhỏ để giữ chỗ rồi đăng ảnh bán luôn. Chỉ 1 giờ sau đã có anh em cần tìm và chốt mua, lúc đó mình sẵn sàng bán qua tay, lấy lãi 'rau dưa' 5-10 triệu thôi. Trường hợp như thế dù lãi mỏng nhưng không cần bỏ vốn cũng như phải nhập xe vào kho", anh Khánh nói.

Tuy vậy, anh Khánh cho hay, việc buôn bán xe cũ ngày càng khó khăn, nhất là sau thời gian dịch bệnh Covid-19, người dân hạn chế chi tiêu khiến thị trường ô tô nói chung và ô tô cũ nói riêng gần như tê liệt. Dân buôn xe hiện nay đành chấp nhận cắt lãi mỏng hơn để mong đẩy được xe sớm, không ít trường hợp đành phải chấp nhận lỗ để bán tháo, thu hồi vốn.

Buôn ô tô cũ: Nghề 'hốt bạc' nhưng rủi ro cũng nhiều - 1
Buôn xe cũ được coi như một nghề "việc nhẹ lương cao". (Ảnh: Hoàng Hiệp)

Lắm rủi ro, "tai nạn" nghề nghiệp

Nghề buôn xe cũ có thu nhập ở mức rất cao so với mặt bằng chung, dù nghe có vẻ "lung linh", thế nhưng thực tế cũng có lắm rủi ro và "tai nạn" mà chỉ người trong nghề mới thấm.

Mới đây, anh H.A - một người mua bán xe cũ có khá nhiều kinh nghiệm đã "trải lòng" trên mạng về câu chuyện của mình. Hồi đầu năm 2023, anh H.A mua chiếc xe Mercedes-Benz E250 đời 2011 biển TP.HCM của 1 người đang sử dụng ở Phú Thọ với giá 395 triệu.

Dù ban đầu có chút nghi ngại về nguồn gốc xe, nhưng sau khi kiểm tra sơ bộ với một người thợ quen, cũng là người từng bán chính chiếc xe này cho chủ xe ở Phú Thọ, anh H.A vẫn quyết định nhập về và sau đó chuyển nhượng thành công cho một người buôn xe khác ở Hà Nội với giá 425 triệu. Việc mua bán giữa cánh thợ buôn xe chỉ ký công chứng chứ không làm thủ tục sang tên đổi chủ.

Tuy vậy, đến tháng 7, người mua xe của anh H.A đi rút hồ sơ thì tá hoả phát hiện chiếc xe đang là vật chứng trong một vụ kiện dân sự, thuộc diện không "sạch" về mặt pháp lý, việc sang tên đổi chủ là không thể. Người này đề nghị trả lại chiếc xe hoặc chỉ mua lại với giá 170 triệu đồng, tức là anh H.A phải bù lại 255 triệu đồng nữa, nếu không sẽ khởi kiện.

"Sốc" vì quá sơ ý trong khâu kiểm tra nguồn gốc xe, anh H.A đành gọi 2 người chủ cũ ra đàm phán. Ban đầu, cả 2 đều đồng ý sẽ bù mỗi người 50 triệu đồng để cùng anh H.A trả cho chủ mới 375 triệu đồng và rút xe về. Tuy vậy, sau đó nhiều ngày, cả hai chủ cũ đều "bặt vô âm tín", không có động thái trả tiền như thoả thuận cho H.A.

"Tôi cũng là người bị hại, ở giữa bị động làm theo mọi người. Tối 24/9 người mua vẫn liên tục de doạ tôi doạ báo công an và "bóc phốt" cả lên mạng xã hội. Câu chuyện bây giờ đã đi quá xa và đành để cho pháp luật giải quyết. Tôi cũng chưa hề nói là không tìm cách giải quyết nhưng buôn xe mà dính như thế này thì chỉ có người cuối như tôi là bị thiệt", anh H.A trần tình.

Theo giới buôn xe cũ, những "cú ngã" như câu chuyện ở trên không hề hiếm gặp, nhưng thường xảy ra với những thợ hoạt động đơn lẻ, hoặc mới vào nghề, hám lợi nhuận vì nhập được xe rẻ.

Buôn ô tô cũ: Nghề 'hốt bạc' nhưng rủi ro cũng nhiều - 2
Việc kiểm tra tình trạng kỹ thuật và tính pháp lý của xe cũ là cực kỳ quan trọng. (Ảnh minh hoạ: Hoàng Hiệp)

Anh Mạnh Dũng, chủ một cửa hàng bán xe ô tô cũ khá lớn nằm trên đường Thành Thái (quận Cầu Giấy, Hà Nội) cho hay, trong kinh doanh xe cũ, việc "nhập xe" đầu vào quyết định đến 80% thành công, và điều này phụ thuộc vào 2 yếu tố là tình trạng kỹ thuật xe và pháp lý. Cả hai đều tiềm ẩn những rủi ro vô cùng lớn.

Về tình trạng kỹ thuật, những chiếc ô tô đã qua sử dụng nhưng mới đi được một thời gian ngắn khoảng dưới 1-2 năm thường được gọi là “xe lướt”. Hầu như, với dạng xe này, giới buôn không cần kiểm tra quá nhiều, chỉ cần giá rẻ là mua. Nhưng với những chiếc xe đời sâu trên dưới 10 năm, thợ xe phải kiểm tra kỹ đến từng con ốc vít, thậm chí không chỉ dùng mắt mà còn phải sờ, nghe tiếng máy tiếng đóng mở cửa,...từ đó đánh giá chất xe và đưa ra quyết định có mua hay không, và mua với giá nào.

Còn về pháp lý, anh Dũng cho rằng, nếu dính đến xe lỗi kỹ thuật còn có thể sửa được, chứ lỗi pháp lý thì... chịu chết. Lúc nhận tiền và làm thủ tục cho khách mới phát hiện ra xe không thể rút hồ sơ hay sang tên được thì vừa mất thời gian, mất tiền và cả uy tín. Thế nên, dân buôn xe cần có nhiều nguồn tin và cẩn thận kiểm tra tính pháp lý khi cần thiết.

"Hiện nay, quy định về định danh biển số theo Thông tư 24 của Bộ Công an dù ít nhiều ảnh hưởng đến cánh buôn xe cũ nhưng tôi cho rằng đây lại là chính sách tốt. Thông tư sẽ giúp thị trường tránh tình trạng xe gian, xe lậu và pháp lý "không sạch" bởi khi chuyển nhượng thì bắt buộc phải thu hồi giấy tờ cũng như biển số", anh Dũng nhận định.

Theo Hoàng Hiệp (VietNamNet)

 

Nổi bật