Buôn lậu đến 15 tỉ USD?

10/06/2015 09:42:45

Giới chuyên gia đã phân tích việc chênh lệch 15 tỉ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể đây là khoản tiền buôn lậu.

Giới chuyên gia đã phân tích việc chênh lệch 15 tỉ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc có thể đây là khoản tiền buôn lậu.

Hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc bị tiêu hủy Hàng hóa nhập lậu từ Trung Quốc bị tiêu hủy - Ảnh: Ngọc Thắng

 
Không phải đến khi ĐBQH Mai Hữu Tín (tỉnh Bình Dương) đề cập đến con số chênh lệch khoảng 15 tỉ USD thâm hụt thương mại với Trung Quốc tại nghị trường Quốc hội ngày 8.6 người ta mới nghi ngờ số liệu thực trong giao thương giữa hai nước. Hồi đầu năm, tại một hội thảo về kinh tế, TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế VN, cũng đã nhấn mạnh đến số tiền thanh toán qua biên giới của VN với Trung Quốc trong năm 2014 là khoảng 15 tỉ USD. Nếu cộng với gần 30 tỉ USD nhập siêu chính thức từ nước này, VN nhập siêu tổng cộng 45 tỉ USD chỉ riêng thị trường láng giềng này.
 
3 năm qua, thời gian chúng ta hân hoan là tình trạng xuất siêu đã xuất hiện, thực tế không có mà chúng ta đã và đang nhập siêu 20 năm

 TS Mai Hữu Tín
Trước đó, trong một đề xuất của phía Trung Quốc về thanh toán bằng nhân dân tệ tại VN, nước này cũng khẳng định năm ngoái đã giao dịch qua biên giới lên đến 15 tỉ USD. Tất cả những con số này đều không có trong thống kê của phía VN.

Th.S Phạm Bích Ngọc, thuộc Viện Kinh tế VN, nhận định rằng nhập siêu quá lớn là vấn đề nổi cộm trong quan hệ thương mại VN - Trung Quốc. Đặc biệt, khi so sánh số liệu của VN và số liệu của Trung Quốc luôn chênh lệch khá lớn. Số liệu thâm hụt thương mại của VN với Trung Quốc do Tổng cục Thống kê VN công bố luôn nhỏ hơn số liệu của Tổng cục Thống kê Trung Quốc rất nhiều. Năm 2011, con số này chênh lệch lên tới 4,7 tỉ USD; năm 2010 khoảng 4 tỉ USD...

Điều này được lý giải bởi một lượng hàng hóa với quy mô lớn được nhập lậu và xuất lậu tiểu ngạch qua biên giới mà các cơ quan quản lý của VN chưa kiểm soát được. Khi hàng hóa buôn lậu ồ ạt qua biên giới, không chịu thuế nhập khẩu sẽ bóp chết các doanh nghiệp sản xuất trong nước vì phải chịu mức thuế và chi phí cao.

Tại phiên thảo luận ở hội trường sáng 8.6, TS Mai Hữu Tín dẫn số liệu năm 2014 của Tổng cục Thống kê Trung Quốc, nước này đã nhập khẩu từ VN 19,9 tỉ USD, cao hơn trên 30% so với số liệu của Tổng cục Thống kê VN. Trong khi đó, Trung Quốc lại xuất khẩu vào VN 63,7 tỉ USD, cao hơn đến 45% so với con số công bố của VN. Như vậy, thâm hụt thương mại giữa VN và Trung Quốc là 43,8 tỉ USD, cao hơn con số 28,9 tỉ USD của VN công bố tới... 15 tỉ USD.

Ông Tín cho rằng, có thể giải thích là do phần lớn hàng hóa xuất nhập lậu không thể thống kê được. Đồng quan điểm này, TS Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình nghiên cứu kinh tế Trung Quốc thuộc Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách, cũng nhận định con số chênh lệch 15 tỉ USD đến từ hàng nhập tiểu ngạch, hàng trốn thuế. Thực tế, tình hình buôn lậu qua đường biên giới phía bắc giáp với Trung Quốc luôn nóng suốt năm. Hàng hóa nhập lậu thượng vàng hạ cám từ thuốc lá điếu, rượu ngoại, mỹ phẩm, thực phẩm, đồ chơi trẻ em, quần áo, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm... đến ma túy, thậm chí gà, vịt, chó, mèo.

TS Phạm Sỹ Thành cho rằng công tác kiểm soát cửa khẩu, đường mậu biên của chúng ta có vấn đề và thực tế đã có vấn đề từ lâu. Chúng ta chưa kiểm soát được hay bản chất của vấn đề liên quan đến lợi ích nhóm, chính quyền các địa phương? TS Mai Hữu Tín nhận xét: “Xuất lậu chỉ có thể là tài nguyên khoáng sản, những mặt hàng VN đang cấm xuất. Như vậy, với những con số trên, 3 năm qua, thời gian chúng ta hân hoan là tình trạng xuất siêu đã xuất hiện, thực tế không có mà chúng ta đã và đang nhập siêu 20 năm”. Số liệu từ Trung Quốc có thể không hoàn toàn chính xác, nhưng theo ông Tín là Trung Quốc đã tính giùm ra phần kinh tế ngầm mà theo chuyên gia kinh tế tài chính cũng nhận định là lợi ích nhóm từ những con số này.

Tìm nguồn nguyên liệu thay thế

Giải pháp trước mắt, theo TS Nguyễn Xuân Cường, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu Trung Quốc, VN chỉ có con đường duy nhất là tăng cường quản lý chặt lượng hàng hóa xuất nhập khẩu với Trung Quốc. “Đặc biệt là vấn đề truy xuất xuất xứ hàng hóa. Cấm xuất khẩu tài nguyên khoáng sản, hạn chế xuất nguyên liệu thô. Xây dựng tiêu chuẩn và hàng rào thương mại, môi trường phù hợp với quy định của Tổ chức Thương mại thế giới để kiểm soát hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Thứ hai, kiểm soát biên giới, hạn chế xuất nhập khẩu tiểu ngạch. Thậm chí tước giấy phép kinh doanh, mạnh tay trừng trị các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, dùng hàng Trung Quốc giả hàng nước khác”, TS Cường cho biết và đề nghị nên lập ban điều phối một số ngành hàng xuất khẩu chủ lực. Tìm đối tác ở các nước đang phát triển thay thế nguồn nguyên liệu từ Trung Quốc.
 
Theo Nguyên Nga - Ng Trần Tâm (Thanh Niên Online)

Nổi bật