Mô hình kim tự tháp đang bùng phát như một bệnh dịch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn Trung Quốc.
Tuy nhiên, công việc này hóa ra chỉ là một trò lừa đảo. Li bị cuốn vào mạng lưới điều hành một mô hình kim tự tháp. Hai tháng sau, cậu qua đời. Xác Li được phát hiện tại một cái ao nhỏ ở ngoại ô.
Vụ án này vẫn đang được điều tra, nhưng nó đã làm dấy lên sự giận dữ trên toàn Trung Quốc, đồng thời phản ánh vấn nạn lừa đảo tài chính ngày càng nghiêm trọng tại đây. "Đây gần như là một bệnh dịch, đặc biệt là ở các vùng nông thôn", Violet Ho - giám đốc điều hành cấp cao tại hãng tư vấn Kroll nhận xét.
|
Những người có hiểu biết tài chính thấp thường là nạn nhân của mô hình kim tự tháp |
Mô hình kim tự tháp đang bùng phát tại nhiều vùng có trình độ giáo dục thấp. Những kẻ lừa đảo thường nhắm vào người trẻ hoặc người già, cam kết có công ăn việc làm, lợi nhuận hấp dẫn nhờ bán trực tiếp các món đồ như mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng.
Họ được hứa hẹn kiếm số tiền khổng lồ nếu tuyển thêm nhiều người vào hệ thống. "Mô hình này tạo ra ảo tưởng cho những nạn nhân ngây thơ, rằng họ có thể giàu lên nhanh chóng mà không gặp chút rủi ro nào", Ho cho biết.
Mô hình cho vay ngang hàng và tiền ảo càng làm bùng nổ hoạt động lừa đảo đầu tư, lôi kéo nhiều nạn nhân với kiến thức tài chính yếu. Mô hình kim tự tháp tồn tại dựa trên việc lôi kéo thêm nhà đầu tư mới. Tiền của những người này đổ vào sẽ được dùng để trả cho những nhà đầu tư trước. Nạn nhân thường dùng mọi cách, từ vay tiền đến bán nhà, để tham gia hệ thống khi được hứa hẹn có lời lớn hơn.
Trên mạng xã hội Weibo, nhiều người dùng Trung Quốc cho biết họ đã mất người thân vì sập bẫy lừa đảo. Đây cũng là vấn đề Chính phủ nước này đang tìm cách giải quyết.
Victor Shih - chuyên gia nghiên cứu Trung Quốc tại Đại học California San Diego cho biết có nhiều yếu tố khiến tệ nạn lừa đảo gia tăng. "Chi phí sinh hoạt, đặc biệt là nhà ở, tăng mạnh đã khiến nhiều người phải tìm cách kiếm ra số tiền lớn hơn. Quy định lỏng lẻo tại cấp địa phương cũng khiến tình trạng này bùng phát", Shih cho biết.
Chịu sức ép tăng GDP, giới chức địa phương từng chấp thuận cho nhiều mô hình đầu tư không rõ ràng. Họ không hiểu đúng về chúng, và hy vọng chúng có thể giúp thúc đẩy tăng trưởng.
"Họ từng cho rằng mô hình kim tự tháp có thể đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế. Nhưng giờ chắc không ai nghĩ thế nữa rồi", Ning Zhu - lãnh đạo Viện Nghiên cứu tài chính tại Đại học Thanh Hoa nhận xét.
Giới chức Trung Quốc cũng đang dần chú ý vấn đề này. Họ thừa nhận số vụ kim tự tháp đã tăng mạnh và những kẻ tổ chức sử dụng rất nhiều kênh để lôi kéo và lừa tiền người dân. "Mô hình kim tự tháp làm đảo lộn trật tự kinh tế và gây bất ổn cho xã hội", giới chức Bắc Kinh cho biết trong một thông báo gần đây.
Trung Quốc đang thực hiện chiến dịch 3 tháng, để điều tra và quét sạch hoạt động này. Hơn 100 vụ bắt giữ đã được tiến hành tại miền Nam tháng trước, nhằm vào các cá nhân liên quan đến một đường dây lừa đảo lên tới 360 triệu NDT (54 triệu USD). Năm ngoái, họ cũng phá một vụ lừa đảo tài chính online quy mô 50 tỷ NDT, với số nạn nhân lên tới 900.000 người.
Chính phủ Trung Quốc có thể còn có nhiều hành động hơn. Số vụ mô hình kim tự tháp bị điều tra năm 2016 đã tăng gần 20% so với năm trước đó.
Reuters cho biết nhiều ngày trước khi Li Wenxing qua đời, cậu được cho là đã gọi điện về cho gia đình và dặn dò: "Ai gọi đến đòi tiền cũng đừng đưa cho họ". Ngay khi Li đến Thiên Tân, người thân của cậu đã rất khó liên lạc. Li còn thường hỏi vay tiền bạn bè.
Violet Ho cho biết các biện pháp như tống tiền được cho là khá phổ biến trong các nhóm như của Li. Nạn lừa đảo tại Trung Quốc đã trở nên ngày càng mất nhân tính, khi các tổ chức này bắt giữ người trái phép và sử dụng các biện pháp đe dọa với nạn nhân, đẩy vấn đề "lên một cấp độ khác".
Theo Hà Thu (VnExpress.net)