Công ty tài chính, ngân hàng cùng vào cuộc
Chị Mai, nhân viên một công ty điện tử ở quận 9, TP HCM cho biết, tháng trước chị mua trả góp không lãi suất một máy tính bảng giá 5 triệu đồng tại một cửa hàng gần nhà. Trả trước 20% giá trị sản phẩm, số tiền còn lại chia đều trong 6 tháng, mỗi tháng chị trả khoảng 660.000 đồng.
Đến tháng sau, chị lại mua với hình thức trên một điện thoại cùng mức giá. Dù đang có nợ, nhưng chị tiếp tục được nhân viên Công ty tài chính ACS nhiệt tình hướng dẫn làm thủ tục vay.
Và hồ sơ vay nợ thứ 2 của chị được duyệt còn nhanh hơn cả lần mua trước, chỉ 30 phút.
Trả góp với lãi suất 0% thực tế là một hình thức khuyến mại mới doanh nghiệp bán lẻ đánh trúng nhu cầu người tiêu dùng. Ảnh: Lê Quân. |
Theo đại diện Thế giới Di động (TGDD), bán hàng không lãi suất doanh nghiệp đã thực hiện từ năm trước, nhưng sang năm nay tần suất dày đặc, gần như tháng nào cũng chạy chương trình.
Tại các cửa hàng thuộc hệ thống, ngay khi khách ngỏ ý muốn trả góp sản phẩm, các nhân viên thuộc 3 công ty tài chính cùng 1 ngân hàng lập tức tiếp cận, hướng dẫn thủ tục. Thủ tục vay gồm photo chứng minh nhân dân và bằng lái xe, hóa đơn điện nước. Với những khách hàng cũ, công ty tài chính chỉ cần bản photo chứng minh.
Tại hệ thống Nguyễn Kim, có hàng loạt ngân hàng đang nhập cuộc bắt tay thực hiện hình thức khuyến mại này. Tuy nhiên, không thoáng như công ty tài chính, ngân hàng chỉ áp dụng cho vay mua hàng bằng thẻ tín dụng. Như chương trình trả góp lãi suất 0% của Shinhan Bank Vietnam, VietinBank, Sacombank, HSBC đều quy định khách mua hàng phải thanh toán 100% bằng thẻ tín dụng với hóa đơn từ 3 triệu đồng.
Hiện việc mua sắm trả góp lãi suất 0% cũng được liên kết ở mọi lĩnh vực, từ hàng gia dụng đến học ngoại ngữ, yoga, trang sức, vàng bạc, du lịch, chữa bệnh...
Thực tế, đây là một hình thức khuyến mại mới do nhà bán lẻ tổ chức, để kích cầu mua sắm. Thay vì giảm giá, tặng quà thì doanh nghiệp cho khách trả góp không lãi.
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu: Có rất nhiều cách thiết kế công cụ tài chính tiềm ẩn rủi ro mà người tiêu dùng không thể biết được. Hợp đồng không có lãi, nhưng nếu trả chậm dù 1 ngày thì lãi suất khách phải chịu rất cao. Ngoài ra, giữa ma trận hàng hóa thật giả lẫn lộn như hiện nay, người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là hàng đúng chất lượng. |
Vị này nói thêm đây là chương trình khuyến mại được lòng khách hàng trẻ. Nhờ đó, lượng bán ra tăng khá mạnh qua các chương trình trả góp, nhất là trả góp không lãi suất.
Tuy nhiên, vì khuyến mại nên khách mua theo hình thức này không được hưởng những ưu đãi mà những người mua trả trước được hưởng.
Như tại hệ thống Nguyễn Kim, nếu khách mua điện thoại Samsung J5 trả trước được tặng phiếu mua hàng 600.000 đồng áp dụng cho lần mua sau, thì mua trả góp lãi suất 0% sẽ không được tặng quà này.
Tại các cửa hàng điện máy, điện thoại khác, nếu mua điện thoại trả góp, khách hàng không được tặng những phụ kiện như miếng dán màn hình, ốp lưng… như mua trả trước.
Điện máy, điện lạnh là những mặt hàng đang được đẩy mạnh bán trả góp với các chương trình ưu đãi lãi suất. Ảnh: N.Ý. |
Theo ông Đinh Thế Hiển, bán hàng trả góp là hình thức bán lẻ phát triển của những quốc gia có nền kinh tế đô thị phát triển.
“Các nước phát triển như Mỹ, người dân chủ yếu mua hàng trả góp. Người mua có nguồn thu nhập ổn định hàng tháng, họ chủ động số tiền để chi trả cho món hàng mình mua. Vì vậy, chúng ta nên nhìn bán trả góp là hình thức phát triển của thương mại chứ đừng nghĩ như người Việt Nam lâu nay, là không có tiền mới góp, là mắc nợ”, ông Hiển nói.
Chuyên gia này cũng cho rằng, việc bán hàng trả góp không lãi suất chính là một hình thức khuyến mại thông minh của các nhà bán lẻ. Thay vì giảm giá vài chục phần trăm, mua 1 tặng 1… họ cho khách trả góp và hỗ trợ lãi suất.
"Cách này rất thiết thực, đánh trúng tâm lý khách hàng, dù so món quà tặng trị giá vài trăm nghìn đồng với khoản hỗ trợ lãi suất trong 6 tháng là tương đương nhau", ông Hiến nói.
Theo ông, dù cách làm nào thì người tiêu dùng vẫn được lợi. "Chỉ có chuyện doanh nghiệp nâng giá lên cao rồi tổ chức khuyến mại mới đáng phê phán".
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu lại tỏ ra nghi ngờ chiêu khuyến mại này. “Ở Mỹ có một câu tôi tâm đắc, đó là 'Không có bữa trưa nào miễn phí trên đời này'. Mua hàng trả góp mà lãi suất bằng 0 là chuyện không tưởng. Làm gì có ai đi kinh doanh lại tốt như vậy, trừ khi doanh nghiệp tăng giá hàng cao hơn bình thường. Giá món hàng 100 đồng được bán 150 đồng. Mức tăng này sẽ dùng để trả lãi cho đơn vị cho vay".
Ông Hiếu nghi ngờ có thể doanh nghiệp xả hàng tồn, hàng lỗi mốt, kém chất lượng.
Thực tế, cuối năm, không chỉ các doanh nghiệp có nhu cầu giải phóng hàng hóa mà cả ngân hàng cũng tìm cách đẩy vốn ra nền kinh tế. Việc cho mua trả góp lãi suất 0% là nỗ lực của cả doanh nghiệp cũng như ngân hàng trong liên kết kích cầu tiêu dùng và tín dụng. Hình thức này giúp gia tăng được thị phần, kích thích sức mua của người dân.
Song việc bán hàng trả góp không lãi suất cần nhìn nhận theo nhiều khía cạnh. Đầu tiên là tín hiệu tốt, vì nhà sản xuất, nhà bán lẻ bắt đầu quan tâm tới nhiều hình thức bán hàng hiện đại, kích thích tiêu dùng.
Tuy nhiên, theo ông Đinh Thế Hiển, nếu không phải là tín hiệu tốt của thị trường thì cần tính đến mối lo ngại ở góc độ vĩ mô.
"Thực sự quan ngại nếu đang mùa mua sắm cuối năm mà sức mua yếu, các nhà bán lẻ buộc phải giảm giá, xả hàng bằng mọi cách để xoay vòng vốn. Điều này cho thấy kinh tế tiêu dùng đang teo tóp lại, hàng hóa không lưu thông buộc doanh nghiệp phải bán rẻ bằng mọi giá", ông Hiển phân tích.