Bitcoin, đồng tiền thuật toán nổi tiếng có giá chẳng đến 0,1 USD vào năm 2010, tăng lên gần 10 USD vào năm 2012. Đầu năm 2017, đồng tiền này tăng lên 750 USD và giờ đã lên tới hơn 11.000 USD. Không ai có thể giải thích được mức tăng trưởng kỳ lạ của Bitcoin.
Giới phân tích nhận định Bitcoin có đầy đủ đặc tính của một bong bóng kinh tế và nếu đó là sự thật, Bitcoin sẽ trở thành một trong những bong bóng lớn nhất trong lịch sử. Và giống như những bong bóng trước đó, Bitcoin sẽ sụp đổ theo một vài kịch bản có thể đoán trước.
1. Chốt lời ồ ạt
Giới đầu tư, giao dịch Bitcoin mua bán đồng tiền này không phải vì giá trị sử dụng mà xoay quanh việc làm thế nào để sinh lời từ biến động giá trị.
Theo thống kê của Bloomberg, hầu như mỗi lần Bitcoin vượt qua một mốc giá chẵn như 11.000 USD vừa qua, thị trường đồng tiền ảo này sẽ ghi nhận lượng bán ra mạnh để chốt lời.
Chốt lời ở mốc chẵn là một xu hướng mang tính tâm lý hành vi của con người và với các tài sản có tính thanh khoản cao, giá cả thường hồi phục sau đó. Bitcoin hiện cũng đang hồi phục giá rất tốt sau mỗi lần một phần thị trường quyết định chốt lời.
Tuy nhiên nếu tính thanh khoản thấp, thị trường sẽ không có khả năng hồi phục sau một đợt điều chỉnh mạnh, kéo theo tâm lý cắt lỗ dây chuyền trong cộng đồng đầu tư Bitcoin dẫn tới lượng bán áp đảo lượng mua, giá của đồng tiền ảo này sẽ xuống dốc không phanh.
2. Giá vượt quá cao so với giá trị thực
Vàng có thể sử dụng trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp điện tử, trang sức. Giá trị sử dụng của vàng là giá trị thực, do đó vàng trở thành tài sản có khả năng lưu trữ giá trị.
Khi bong bóng củ tulip vỡ, người sở hữu khi đó mới nhận ra giá trị thực của củ tulip chỉ là trồng hoa tulip, và khi giá củ tulip đã vượt hàng trăm lần so với giá hoa tulip mà thị trường mong muốn, nghịch lý này mới được phơi bày.
Bitcoin có giá trị sử dụng thực, tuy nhiên giá của Bitcoin đang được đánh giá là quá cao so với giá trị thực. Bitcoin được sử dụng như một giải pháp thanh toán với khả năng thực hiện 7 giao dịch/giây và chi phí giao dịch khá cao.
Nếu đem so sánh với Visa, đơn vị này có thể thực hiện 10.000 giao dịch/giây với mức phí rẻ hơn nhiều so với Bitcoin. Hiện giá trị thị trường của Bitcoin là khoảng 192 tỷ USD còn Visa là 251 tỷ USD, dễ thấy ngay tại thời điểm hiện tại giá của Bitcoin đã khá đắt so với giá trị sử dụng thực tế.
Nếu lượng người tham gia giao dịch bằng Bitcoin tiếp tục tăng, sẽ tới lúc một giao dịch đơn giản có thể mất tới hàng chục giờ đồng hồ và chi phí có thể lên tới 50% giá trị giao dịch. Bitcoin khi đó sẽ là một giải pháp thanh toán tệ và giống như củ hoa tulip, nghich lý sẽ sớm được nhìn ra.
3. Bị tin tặc tấn công
Nhiều đồng tiền thuật toán, trong đó có chính Bitcoin, từng bị tin tặc tấn công và đánh cắp. Nếu số vụ tin tặc trộm thành công Bitcoin ngày một gia tăng, niềm tin vào đồng tiền ảo này sẽ không còn, dẫn tới sụp đổ về giá trị.
4. Bị siết quản lý
Bitcoin tạo nên sự đột phá nhờ việc là đồng tiền đầu tiên không bị quản lý bởi bất kỳ một chính phủ, ngân hàng trung ương hay một thể chế kinh tế nào. Tuy nhiên, ngày càng có nhiều chính phủ muốn thắt chặt quản lý với đồng tiền ảo này, ít nhất là trên lãnh thổ của họ.
Trung Quốc hiện là một trong những quốc gia mạnh tay nhất với Bitcoin khi cấm tuyệt đối các hoạt động giao dịch, thanh toán lên quan tới tiền thuật toán. Tháng 8/2017, hàng loạt các sàn tiền ảo nước này đã phải đóng cửa và nhà đầu tư được khuyến cáo nên rút tiền ảo về.
Dù sau đó Bitcoin vẫn tăng trưởng mạnh mà không cần thị trường Trung Quốc, tuy nhiên nếu làn sóng siết quản lý với tiền ảo lan rộng, sẽ không còn đất cho Bitcoin phát triển và mất giá là điều khó tránh khỏi.
Không ai có thể giải thích được Bitcoin đã tăng trưởng như thế nào nên có lẽ nếu vỡ bong bóng, việc đồng tiền này mất giá cũng sẽ khó giải thích như cách giá đã lên.
Bitcoin có thể sẽ đi theo vết xe đổ của các bong bóng trước đó hoặc sẽ giống như bong bóng dot com khi nhà đầu tư ngồi trên những tài sản ảo trị giá khổng lồ nhưng không thể bán được cho ai.
Theo Ngô Minh (Tri Thức Trực Tuyến)