Bốn siêu dự án thép tỷ đô "bám" biển miền Trung

16/12/2016 11:23:00

Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

 
Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.
 
Bốn siêu dự án thép tỷ đô 'bám' biển miền Trung

Hiện nay, Bộ Công Thương đang lấy ý kiến dự thảo lần 2 Quyết định Phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch hệ thống sản xuất thép đến năm 2025, định hướng đến năm 2035".

Theo đó, Bộ Công Thương chủ trương khuyến khích đầu tư các khu liên hợp thép ở ven biển, nơi có nhiều cảng nước sâu, quỹ đất còn nhiều và không ảnh hưởng đến an ninh lương thực.

Tính riêng bờ biển miền Trung, Bộ Công Thương dự kiến sẽ hình thành 4 khu liên hợp thép quy mô lớn. Cụ thể là liên hợp thép Vũng Áng giai đoạn 1 (Hà Tĩnh), khu liên hợp luyện cán thép Cà Ná – Ninh Thuận giai đoạn 1, liên hợp gang thép Nghi Sơn giai đoạn 1, Liên hợp thép Quảng Ngãi giai đoạn 1.

Trong bản dự thảo lần 2 này, Bộ Công Thương đã không để tên của các nhà đầu tư như bản dự thảo lần 1.

Trong bản dự thảo lần 1, dự án ở Cà Ná – Ninh Thuận có ghi tên của Tập đoàn Hoa Sen làm chủ đầu tư chia làm 5 giai đoạn; còn khu liên hợp thép ở Hà Tĩnh là do Công ty CP Sắt Thạch Khê liên doanh với nước ngoài; dự án ở Nghi Sơn – Thanh Hóa do Công ty CP Gang thép Nghi Sơn làm chủ đầu tư.

Liên hợp thép ở Quảng Ngãi chưa xác định nhà đầu tư, nhưng nhiều thông tin cho hay Tập đoàn Hòa Phát đang muốn đầu tư...

Dự thảo quy hoạch của Bộ Công Thương chưa đề cập đến tổng mức đầu tư của các dự án thép ở ven biển miền Trung này, song ước tính tổng vốn đầu tư lên đến hàng chục tỷ USD.

Trong 6 vùng quy hoạch thép (trung du miền núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên, Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung, Đông Nam Bộ, Đồng bằng Sông Cửu Long) thì vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung được xác định tập trung nhiều dự án thép quy mô lớn nhất và năng lực sản xuất thép chiếm phần lớn so với các vùng còn lại.

Việc xây dựng quy hoạch lần này, Bộ Công Thương cũng muốn loại bỏ 12 dự án thép khỏi quy hoạch. Các dự án bị loại bỏ do đề nghị từ các địa phương, dự án chưa có chủ đầu tư hoặc năng lực chủ đầu tư kém, nguồn nguyên liệu không đảm bảo...

Trong một báo cáo về quy hoạch thép do Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim (Bộ Công Thương) xây dựng có nêu kiến nghị Chính phủ có chính sách hỗ trợ và ưu đãi đặc biệt cho các doanh nghiệp trong nước đầu tư xây dựng các khu liên hợp luyện thép gắn với cảng nước sâu với quy mô công suất lò cao có dung tích từ 1000 m3 trở lên sản xuất chủ yếu thép tấm cán nóng có sử dụng nguồn nguyên liệu quặng sắt trong nước trên 50%.

“Có chỉ đạo dừng cấp phép đầu tư nước ngoài đối với việc cấp phép các dự án sản xuất thép thông thường”, báo cáo của Viện Khoa học và Công nghệ mỏ - Luyện kim đề xuất.

Ngoài ra, đề nghị giao Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Công Thương và UBND các tỉnh thành phố địa phương kiểm tra, việc tuân thủ các yêu cầu kỹ thuật về môi trường đối với các nhà máy thép.

Có chế tài xử lý nghiêm khắc, bao gồm cả việc dừng hoạt động hoặc cương quyết đóng cửa các nhà máy thép không đảm bảo các yêu cầu các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về môi trường đối với các nhà máy sản xuất thép.

Dự thảo mới nâng cao tỷ trọng sản xuất thép thô từ gang lỏng và sắt xốp lên mức 21 triệu tấn (năm 2020), 46 triệu tấn (năm 2025), 55 triệu tấn (năm 2035). Theo dự thảo cũ thì các con số này tương ứng chỉ là 8 triệu tấn, 15 triệu tấn và 30 triệu tấn.

Theo L.Bằng (VietNamNet)

Nổi bật