FDI thu lợi lớn và phần nhiều chuyển về nước, còn phần hưởng lợi của Việt Nam hầu hết ở mức thấp, chủ yếu là phí lao động gia công.
PV: - Theo thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam xuất siêu 680 triệu USD, trong đó khối doanh nghiệp FDI vẫn giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế khi chiếm 65% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước. Riêng xuất khẩu của Việt Nam đạt 23,68 tỷ USD, tăng 3% (688 triệu USD), trong đó, giá trị từ khối FDI lên mức 16,6 tỷ USD, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước.
Đây không phải là lần đầu tiên thành tích xuất siêu của Việt Nam đến từ khu vực FDI. Ông đánh giá như thế nào về thành tích này? Nó phản ánh điều gì về bức tranh kinh tế Việt Nam?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Thành tích xuất siêu của Việt Nam đến từ khu vực FDI đã nhiều năm nay. Khu vực FDI chiếm tới hơn 70% tỷ trọng xuất khẩu của cả nước trong năm 2015 và là bộ phận có mức xuất siêu lớn nhất trong cả nền kinh tế, khu vực kinh tế trong nước đã và đang lép vế rõ rệt so với khu vực FDI.
Số liệu cho thấy mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn nhất là điện thoại và linh kiện, máy tính và linh kiện, máy móc thiết bị, phương tiện vận tải và phụ tùng giày dép thì khối FDI, chiếm gần như toàn bộ trị giá xuất khẩu những mặt hàng này.
Theo PGS.TS Phương Ngọc Thạch, thành tích xuất khẩu đem lại lợi ích cho nước ngoài, không phải thành tích của nền kinh tế Việt Nam.
Nhìn chung khu vực các doanh nghiệp FDI tiếp tục đóng vai trò lớn trong tăng trưởng xuất nhập khẩu của Việt Nam khi tỷ trọng của khu vực các doanh nghiệp này chiếm phần lớn trong tổng kim ngạch của cả nước.
Thành tích này đem lại lợi ích cho nước ngoài, không phải thành tích của nền kinh tế Việt Nam. Hiện bức tranh kinh tế Việt Nam nhập siêu tăng mạnh, cán cân thương mại ngày càng thâm hụt. Phần lớn các mặt hàng có tăng trưởng xuất khẩu mạnh đều thuộc về nhóm các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài nên thực chất xuất khẩu nhóm này tăng có thể khiến GDP tăng nhưng phần tăng của GNP chắc chắn sẽ không cao tương ứng, các FDI thu lợi lớn và phần nhiều chuyển về nước trong khi phần hưởng lợi của Việt Nam hầu hết đều ở mức thấp, chủ yếu là phí lao động gia công.
PV: - Cũng theo Tổng cục Hải quan, 2 tháng đầu năm 2016, Việt Nam có 5 mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu vượt ngưỡng 1 tỷ USD, trong đó lớn nhất là điện thoại-linh kiện (4,7 tỷ USD); dệt may (3,3 tỷ USD); máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện (2,3 tỷ USD); giày dép (1,8 tỷ USD); máy móc, thiết bị và các phụ tùng (1,3 tỷ USD).
Có thể thấy đây là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của khối doanh nghiệp FDI hoặc có chăng Việt Nam cũng chỉ "xuất hộ" khi nguyên phụ liệu phải nhập khẩu (dệt may, giày dép). Đây có phải là minh chứng cho nền sản xuất gia công, lắp ráp toàn diện của Việt Nam không, thưa ông? Với thành tích xuất siêu phụ thuộc vào FDI, theo ông, cái Việt Nam nhận được là gì?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Chúng ta đều biết trong hội nhập sâu và rộng, sản phẩm hàng hóa ở Việt Nam hoàn toàn không thể là của Việt Nam từ A đến Z. Các sản phẩm mà đa phần các nguyên phụ liệu đầu vào cho quá trình lắp ráp được cung ứng từ chính nước ta mới là sản xuất tại Việt Nam, các sản phẩm mà đa phần các nguyên phụ liệu linh kiện đầu vào được nhập khẩu từ nước ngoài là sản phẩm gia công lắp táp tại Việt Nam. Đây là minh chứng cho nền sản xuất gia công, lắp ráp toàn diện của Việt Nam.
Với thành tích xuất siêu phụ thuộc vào FDI, Việt Nam nhận được là nước có GDP tăng trưởng, nền kinh tế phụ thuộc vào các nước, nhập siêu tăng mạnh, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước, lao động đi làm thuê bị bóc lột…
Xuất khẩu phụ thuộc lớn vào khu vực FDI, nhưng nhập khẩu lớn hơn khu vực trong nước. Số liệu cho thấy trong hoạt động xuất khẩu, khu vực kinh tế trong nước chiếm tỷ trọng 30%, khu vực FDI chiếm tỷ trọng 68% kim ngạch xuất khẩu, trong hoạt động nhập khẩu, khu vực kinh tế trong nước chiếm 43%, khu vực FDI chiếm tỷ trọng 57% kim ngạch nhập khẩu.
Xuất khẩu những mặt hàng mang tính gia công càng nhiều sẽ càng kéo theo nhập khẩu gia tăng, khiến nhập siêu tăng mạnh, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước. Thực vậy Việt Nam nhiều năm qua cơ bản là nước nhập siêu. Do nhập siêu cao, nhu cầu mua USD trên thị trường tăng mạnh sẽ làm cho tỉ giá USD vọt lên và tiếp tục tạo ra vòng luẩn quẩn mới, tức là lạm phát sẽ tiếp tục tăng lên, giá vật tư hàng hóa lại bị đẩy lên mức cao mới. Đồng thời các ngành công nghiệp thay thế nhập khẩu bị sụp đổ trong cuộc cạnh tranh khốc liệt với hàng hóa của các nước phát triển; Việt Nam trở thành bãi lắp ráp hàng xuất khẩu của các công ty nước ngoài
PV: - Ở chiều ngược lại, sức ép cạnh tranh từ bên ngoài khiến doanh nghiệp trong nước bị lép vế, lấn át so với khối doanh nghiệp FDI. Việt Nam có thể thay đổi thực trạng này không thưa ông, và nếu vậy thì cần phải làm như thế nào?
PGS.TS Phương Ngọc Thạch: - Sức ép cạnh tranh từ hội nhập sâu và rộng khiến doanh nghiệp trong nước bị lép vế, bị lấn át so với khối doanh nghiệp FDI. Các nước hội nhập nhằm tăng xuất khẩu giảm nhập khẩu nhưng Việt Nam thì không thấy hiệu quả đó, ngược lại nhập khẩu tăng.
Theo tôi, có hai nguyên nhân chính: Một là sức cạnh tranh quá kém của doanh nghiệp nội địa ở Việt Nam, hai là chính sách và quản lý nhập khẩu không hiệu quả. Bao trùm lên hai nguyên nhân này là sự thiếu vắng tinh thần trách nhiệm và năng lực quản lý của quan chức các cấp. Nếu lãnh đạo quan tâm thực sự đến tình trạng nhập siêu và năng lực cạnh tranh thấp của Việt Nam thì đã đưa ra các biện pháp thu hút các dự án FDI trực tiếp tăng năng lực cạnh tranh đồng thời yểm trợ hoạt động của doanh nghiệp trong nước (nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa thiếu vốn đầu tư và ít thông tin về thị trường), không ưu tiên vốn cho các tập đoàn, công ty đầu tư vào những lĩnh vực không hoặc ít liên quan đến hiệu quả tăng năng lực cạnh tranh của nền kinh tế như bất động sản, khai thác tài nguyên...
Ngoài ra, Chính phủ cũng chưa sử dụng các công cụ bảo hộ hữu hiệu phi thuế quan và cả thuế quan để bảo hộ các mặt hàng ưu thế của Việt Nam như nông lâm nghiệp nhằm giảm nhập siêu các sản phẩm nông sản có khả năng sản xuất trong nước, góp phần giảm nhập siêu chung của cả nước.
Chúng ta đều biết nền kinh tế có được phát triển bền vững hay không phụ thuộc nhiều vào năng lực cạnh tranh quốc gia cao hay thấp. Việt Nam có thể thay đổi thực trạng quá kém của năng lực cạnh tranh quốc gia với những nhóm giải pháp chủ yếu sau đây:
Thứ nhất, cần thúc đẩy mạnh mẽ liên kết trong nước theo ngành và lãnh thổ. Hoàn thiện cơ chế phối hợp đa ngành, đa lĩnh vực giữa Trung ương và địa phương.
Thứ hai, thúc đẩy ứng dụng khoa học, công nghệ và tăng cường đối mới sáng tạo, thu hút chất xám nâng cao chất lượng lao động.
Thứ ba, tăng cường tiếp cận nguồn lực và thị trường trong nước, thế giới. Tập trung phát triển và tăng cường tiếp cận các yếu tố đầu vào của quá trình sản xuất, đặc biệt là vốn, lao động, khoa học - công nghệ, cơ sở hạ tầng.
Thứ tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động kinh doanh thuận lợi, hiệu quả, giảm bớt chi phí, tăng chất lượng.
Thứ năm, tăng cường hiệu quả thực hiện vai trò chủ đạo của doanh nghiệp nhà nước trong định hướng phát triển hoạt động đầu tư - kinh doanh của các loại doanh nghiệp theo cơ chế thị trường.
Cần phải đẩy lùi lãng phí, tham nhũng, đẩy mạnh thực hiện công bằng xã hội, xóa bỏ bất công xã hội, giảm khoảng cách giàu nghèo. Chú trọng an ninh, an toàn cũng như các yếu tố xã hội như y tế và giáo dục.
Theo Thành Luân (Đất Việt)