Sau khi Thanh tra Chính phủ công bố kết luận Thanh tra quá trình cổ phần hoá Hãng phim Truyện Việt Nam với nhiều sai sót, vi phạm và hạn chế, Bộ VHTDL cho biết sẽ nghiêm túc thực hiện kết luận của Thanh tra Chính phủ.
Cụ thể, việc xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam khi cổ phần hóa: Tại Thông báo kết luận, Thanh tra Chính phủ đã chỉ ra giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam còn thiếu 71.256.000 đồng theo hướng dẫn tại Khoản 7 Điều 18 Thông tư 127/2014/TT-BTC ngày 5.9.2014 của Bộ Tài chính. Theo quy định về cách tính tại Thông tư số 127/2014/TT-BTC thì giá trị tiềm năng phát triển của Công ty không có.
Riêng khoản tiền 71.256.000 đồng chưa được tính giá trị thương hiệu vì do trong quá trình quản lý Công ty hạch toán trên sổ sách kế toán, báo cáo tài chính hằng năm sai khoản chi phí nâng cấp trang web (được tính là giá trị thương hiệu). Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Công ty rút kinh nghiệm, điều chỉnh hạch toán chuyển số tiền 71.256.000 đồng thành giá trị doanh nghiệp tại thời điểm chính thức chuyển sang công ty cổ phần.
Tuy nhiên sau đó, có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định giá trị thương hiệu của Hãng phim truyện Việt Nam căn cứ trên cơ sở yếu tố lịch sử, bề dày truyền thống, Bộ VHTTDL đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đề xuất thành lập Hội đồng mời đại diện của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và công nghệ, đại diện Hội Điện ảnh và tham khảo ý kiến một số nghệ sĩ đã từng gắn với bó với Hãng phim truyện Việt Nam để xem xét và trình Thủ tướng quyết định.
Bộ VHTTDL cũng chỉ ra sai sót về việc chưa đúng thể thức văn bản, ở đây, ông Vương Đức - Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc Công ty, kiêm Phó Trưởng ban chỉ đạo, Tổ trưởng Tổ giúp việc, khi ký văn bản báo cáo Bộ, không ký với chức danh là Phó Trưởng ban chỉ đạo mà ký với chức danh là Giám đốc Công ty.
Đồng thời, việc chọn lựa và bán cổ phần cho nhà đầu tư chiến lược Ban chỉ đạo cổ phần hoá và Tổ giúp việc đã trình Bộ VHTTDL phê duyệt tiêu chí lựa chọn nhà đầu tư chiến lược theo đúng quy định. Thế nhưng theo ý kiến của Thanh tra Chính phủ thì việc phê duyệt tiêu chí đã không được thực hiện dưới hình thức Quyết định, mà lại thực hiện dưới hình thức Công văn.
Trả lời việc triển khai các thủ tục rút vốn của nhà đầu tư chiến lược, Bộ VHTTDL cho hay, Bộ sẽ thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp để tiến hành các thủ tục xin rút vốn trước thời hạn theo đề xuất nhà đầu tư chiến lược theo đúng các quy định hiện hành.
Triển khai chỉ đạo Công ty khẩn trương giải quyết dứt điểm tồn đọng tranh chấp, hoàn thành nghĩa vụ thuê đất để báo cáo cơ quan có thẩm quyền xem xét phê duyệt đối với Phương án sắp xếp nhà đất tại 2 cơ sở nhà đất chưa được phê duyệt (số 4 Thụy Khuê và số 6 Thái Văn Lung).
Bộ VHTTDL sẽ chỉ đạo Nhà đầu tư đã mua cổ phần tiếp tục duy trì ổn định hoạt động theo đúng cam kết, đồng thời làm việc cụ thể với nhà đầu tư mới để đưa ra những giải pháp cụ thể về định hướng phát triển của Công ty trong thời gian tới. Bộ xác định đây là vấn đề cần phải được quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo phát huy được giá trị lịch sử truyền thống của Hãng phim truyện Việt Nam, đồng thời tạo điều kiện để cho Công ty cổ phần Đầu tư và phát triển phim truyện Việt Nam tiếp tục tồn tại, phát triển phục vụ nhiệm vụ nhà nước giao và vận hành được trong cơ chế thị trường hiện nay.
Ngoài ra Bộ VHTTDL sẽ tổ chức kiểm điểm, chỉ đạo các đơn vị tổ chức kiểm điểm làm rõ trách nhiệm, xử lý đối với các đơn vị, cá nhân theo đúng các quy định hiện hành.
Theo Thảo Nguyên (Dân Việt)