Chiều nay (27/4), Bộ Tư Pháp tổ chức họp báo công tác tư pháp quý 1/2022. Theo lãnh đạo Bộ Tư pháp, kết quả thi hành án dân sự 6 tháng năm 2022 (tính từ ngày 1/10/2021- 31/3/2022) cho thấy đã thi hành xong hơn 200 ngàn việc, đạt tỷ lệ 49% với hơn 35.000 tỷ đồng.
Về thi hành án tín dụng ngân hàng, đã thi hành xong gần 2.500 việc với hơn 11.000 tỷ đồng. Về thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: Đã thi hành xong 715 việc, tương ứng với hơn 9.000 tỷ đồng.
Kết quả thi hành các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi: Đã tổ chức thi hành xong 45 vụ việc với gần 35.000 tỷ đồng.
Kết quả công tác theo dõi thi hành án hành chính: Các cơ quan thi hành án dân sự đã thực hiện thủ tục theo dõi đối với 262/262 bản án đã có quyết định buộc thi hành án của Tòa án. Các cơ quan hành chính đã thi hành xong 94 việc.
Liên quan đến việc kê biên và phong tỏa tài sản trong vụ án Trịnh Văn Quyết (cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC) và vụ Tân Hoàng Minh, đại diện Cục Thi hành án dân sự cho biết: Lâu nay việc thi hành án vẫn luôn gặp khó khăn khi tiền phải thi hành án lớn, nhưng xác minh tài sản của người phạm tội thì lại rất ít.
Theo người đại diện Cục thi hành án dân sự, việc cần nhất là phải có biện pháp ngăn chặn ngay từ qúa trình điều tra, xét xử. Điều này đã được quy định rất rõ trong luật và trong Chỉ thị của Ban Bí thư.
“Cục thi hành án dân sự chúng tôi rất quan tâm đến 2 vụ việc trên. Đến nay, các cơ quan tố tụng đã tạm giữ, phong tỏa tài sản của các chủ thể liên quan trong quá trình điều tra. Cục thi hành án sẽ tiếp tục theo dõi và tiến hành các biện pháp để đảm bảo thi hành án”, người đại diện Cục thi hành án dân sự cho hay.
Tăng cường thanh kiểm tra lĩnh vực đấu giá tài sản
Theo Bộ Tư pháp, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra trong các lĩnh vực bổ trợ tư pháp như đấu giá tài sản, giám định tư pháp, thừa phát lại... để xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền có biện pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của địa phương trong việc thực hiện quản lý nhà nước đối với lĩnh vực bổ trợ tư pháp.
Theo quy định tại Điều 56 Luật Đấu giá tài sản, sau khi có quyết định của người có thẩm quyền về việc đấu giá tài sản, người có tài sản đấu giá thông báo công khai trên trang thông tin điện tử của mình và trang thông tin điện tử chuyên ngành về đấu giá tài sản về việc lựa chọn tổ chức đấu giá.
Trên cơ sở đó, các cơ quan, tổ chức có tài sản đấu giá đã thực hiện tương đối nghiêm túc, đầy đủ việc thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá, đảm bảo tính công khai, minh bạch.
Tuy nhiên, còn tình trạng một bộ phận người có tài sản khi lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản đã đặt ra các tiêu chí “chủ quan”, chưa minh bạch, không trực tiếp liên quan việc tổ chức cuộc đấu giá mà có thể hướng đến tổ chức đấu giá đã được lựa chọn trước.
Từ tình hình thực tiễn nêu trên, ngày 8/2/2022, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Thông tư số 02/2002/TT-BTP hướng dẫn lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.
Liên quan đến vụ việc đấu giá đất tại khu chăn nuôi xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng (Hà Nội), đại diện Cục Hỗ trợ Tư pháp cho biết, ngày 10/3, Cục Hỗ trợ Tư pháp đã có 2 văn bản đôn đốc UBND huyện Đan Phượng, đề nghị thực hiện kết luận của thanh tra.
Ngày 15/4, UBND huyện Đan Phượng có báo cáo, theo đó UBND huyện Đan Phượng đề nghị Bộ tư pháp không thực hiện giải pháp không công nhận quyền trúng đấu giá đối với các lô đất này.
Vì những người trúng đấu giá các lô đất này sau đó đã đem chuyển nhượng. Nếu hủy đấu giá các lô đất đó thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều người, nhất là bên thứ 3 ngay tình, và phát sinh những vấn đề phức tạp.
Theo T.Nhung (VietNamNet)