Bộ trưởng Tài chính: 'Ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, ngân sách dự phòng thì hết'

17/09/2021 14:17:53

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc chia sẻ, hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14.620 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới có thể chi tiếp tục.

Ngày 16/9, tại phiên thảo luận về việc ban hành một số giải pháp về miễn, giảm thuế nhằm hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch Covid-19 kỳ họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã đưa ra những giải trình với các đại biểu.

Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, số thuế hỗ trợ theo chính sách này, trong điều kiện thông thường thì chỉ bằng TP. HCM thu 20 ngày. Trong bối cảnh giãn cách xã hội ở 23 tỉnh thành, doanh nghiệp đang cực kỳ khó khăn, số thu thuế hiện giảm gần 50% và tới đây còn giảm nữa. "Vào lúc khó khăn này, đây chính là 'một miếng khi đói bằng một gói khi no' để hỗ trợ doanh nghiệp".

Bộ trưởng Tài chính: 'Ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, ngân sách dự phòng thì hết'

Cùng với đó, theo Bộ trưởng Phớc, việc thiết kế chính sách cũng phải dựa trên mức bình quân tương đối, chứ không thể đạt công bằng 100%. Đối với những doanh nghiệp không có thuế phải nộp, thì chính sách hỗ trợ được hưởng là không bị tính tiền phạt đối với các khoản chậm nộp trước đó.

Về ý kiến bổ sung thêm các gói, chương trình hỗ trợ doanh nghiệp, Bộ trưởng cho hay, hiện nay ngân sách nhà nước rất khó khăn, ngân sách trung ương gần như không còn đồng nào, hàng chục ngàn chiến sĩ công an, quân đội đang tham gia chống dịch ở phía Nam, nhưng không có ngân sách để cấp. Ngân sách dự phòng thì đã hết.

Bộ trưởng Bộ Tài chính chia sẻ, hiện phần tiết kiệm chi và một số khoản khác còn lại khoảng 14.620 tỷ đồng. Bộ Tài chính đang trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến mới có thể chi tiếp tục.

Liên quan đến một số nội dung cụ thể như gói hỗ trợ lãi suất, Bộ Tài chính đã bàn với Ngân hàng Nhà nước. Song, từ kinh nghiệm triển khai gói kích cầu 2009 không hiệu quả, khó quản lý, Ngân hàng Nhà nước đã đề nghị không triển khai. Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước cũng đang có chương trình giảm lãi suất cho vay với doanh nghiệp, với cam kết của các ngân hàng khoảng hơn 24 nghìn tỷ đồng.

Đối với việc quản lý thuế GTGT, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thông tin, sẽ chỉ đạo cơ quan thuế tăng cường quản lý, chống thất thoát, có biện pháp để đảm bảo đối tượng thụ hưởng chính sách là người tiêu dùng hàng hóa.

Một vấn đề được quan tâm tại phiên thảo luận là hỗ trợ đúng đối tượng, ngành nghề, lĩnh vực. Bộ trưởng Tài chính nhận định, Chính phủ đã tiếp thu đưa lĩnh vực hoạt động xuất bản phần mềm, kinh doanh trên nền tảng số ra khỏi lĩnh vực được giảm thuế và sẽ tiếp tục rà soát đối với một số lĩnh vực như vật tư y tế… Giải pháp để đảm bảo triển khai hỗ trợ kịp thời nhưng đúng đối tượng là thực hiện kê khai trước, kiểm tra sau.

Bộ trưởng Tài chính kết luận, lúc này, điều cấp thiết là các giải pháp hỗ trợ cần được triển khai sớm. Các doanh nghiệp trên cả nước đang gặp rất khó khăn. Điển hình, dù có 8 tỉnh không có dịch nhưng cũng bị ảnh hưởng đáng kể về nguồn cung ứng hàng hóa, về thị trường, lao động.

Theo Hà Trần (Doanh Nghiệp & Tiếp Thị)