Gặp gỡ chúng tôi trong ngày đầu năm mới 2019, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng nói rằng mong muốn của ông là được nhìn thấy nụ cười trên khuôn mặt của mỗi người dân. "Bởi nụ cười chỉ xuất hiện khi người dân cảm thấy hạnh phúc, các chính sách của Chính phủ đã đi đúng hướng".
Tiết lộ việc hai chữ "bứt phá" trong thông điệp của Chính phủ 2019 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và cá nhân ông tư vấn và trăn trở, ông Dũng nói động lực chính cho bứt phá kinh tế nằm ở khu vực kinh tế tư nhân. Đất nước rất cần những doanh nghiệp “cánh chim đầu đàn”, đóng vai trò dẫn dắt, lan tỏa.
Tự nhận là một người yêu thích nghệ thuật, Bộ trưởng bộc bạch dù bận, ông vẫn đưa vợ đi xem những đêm nhạc, đặc biệt là nhạc Phú Quang. Ông mê nhạc Phú Quang và coi nhạc sĩ tài hoa là một người bạn đặc biệt. Khi rảnh, vị bộ trưởng vẫn cùng nhạc sĩ đi “lê la cháo phở” vỉa hè Hà Nội.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói về tình yêu với nhạc Phú Quang |
- Chính phủ coi phát triển kinh tế tư nhân là một trong những trọng tâm đột phá của 2019. Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ tham mưu cho Chính phủ những chính sách cụ thể nào để khơi nguồn lực trong khối này?
- Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII đã coi phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Vừa rồi, Chính phủ đã cụ thể thành đột phá trong năm 2019, coi đây là trọng tâm bứt phá, là động lực quan trọng cho thời gian tới.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho Chính phủ ban hành nghị quyết 02 về cải thiện môi trường đầu tư, cắt giảm điều kiện kinh doanh. Chúng ta phải thực hiện nghị quyết này một cách thực chất hơn nữa. Các bộ, ngành, địa phương phải làm cho được vấn đề cắt giảm được các điều kiện, thủ tục, chi phí, để doanh nghiệp hoạt động được thuận lợi hơn nữa, giảm được các chi phí hơn nữa, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế.
Đây cũng là cách để hỗ trợ phát triển cho khu vực tư nhân phát triển một cách lành mạnh.
Thứ hai, chúng ta cũng cần nhận thức cho đúng khu vực tư nhân. Ở một số nơi, một số người có thái độ nhận thức chưa đủ, chưa đúng về khu vực này. Chúng ta mới tiếp cận theo hướng xin - cho, mà chưa đồng hành, chưa hỗ trợ, chưa cảm nhận được những khó khăn, thách thức để tháo gỡ cho người ta.
Vấn đề thứ ba là đổi mới công nghệ, nhất là trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nó vừa là cơ hội, vừa là thách thức, và là một xu thế bắt buộc chúng ta phải làm, nhất là khi hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.
Chúng ta đã thông qua hiệp định CPTPP, cũng đã ký hơn 10 FTA. Điều này đòi hỏi chúng ta phải phải thay đổi công nghệ, để có thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Đấy là công việc mà chúng tôi tham mưu cho Chính phủ hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực đóng góp cho nền kinh tế.
- Nhìn sang các nước khu vực thì thấy họ đều có các doanh nghiệp lớn mang tính dẫn dắt, đóng vai trò cánh chim đầu đàn, đơn cử, Hàn Quốc có Samsung, Nhật Bản có Toyota… Việt Nam thì sao, thưa ông?
- Chắc chắn rồi, quốc gia nào cũng có chủ trương xây dựng cho được doanh nghiệp lớn, tập đoàn lớn có tính chất xuyên quốc gia, dẫn dắt cuộc chơi, dẫn dắt thế giới.
Chúng ta cũng thế, mong muốn và chủ trương phải có những doanh nghiệp tầm cỡ như vậy. Họ đóng vai trò rất quan trọng cho nền kinh tế về lao động, năng lực sản xuất, thu ngân sách.
Quan trọng nhất là họ có thể tham gia vào cuộc chơi, sân chơi trên thế giới, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Với sân chơi trong nước, họ có khả năng làm “con chim đầu đàn”, dẫn dắt, lan tỏa, thúc đẩy, lôi kéo các thành phần kinh tế khác phát triển, hưởng lợi theo.
Vừa qua chúng ta có nhiều quyết sách với khu vực tư nhân. Trong đó có những doanh nghiệp lớn. Nhưng thành thực mà đánh giá, các quyết sách riêng dành cho những doanh nghiệp lớn của Chính phủ chưa đủ mạnh. Thời gian tới, đây là điều cần phải có.
Nhìn lại kinh tế của chúng ta thời gia qua, chúng ta đã nổi lên một số doanh nghiệp lớn như Vingroup, Sun Group, FLC, VietJet, Viettel… Tuy nhiên, họ đều là những doanh nghiệp tự lực, tự thân là chính. Sự phát triển phần nhiều tự phát. Tất nhiên có sự hỗ trợ của Nhà nước nhưng không nhiều.
Tôi nghĩ sắp tới phải có chính sách riêng để có những hỗ trợ cần thiết cho những doanh nghiệp lớn như thế này. Ví như hỗ trợ tiếp cận về khoa học công nghệ, tín dụng, đất đai. Và điều quan trọng nhất là Nhà nước tạo ra một sân chơi lớn hơn, để các doanh nghiệp lớn tham gia đóng góp cho nền kinh tế, thúc đẩy các doanh nghiệp khác phát triển.
- Câu chuyện tư nhân phát triển kinh tế thời gian qua được nói khá nhiều, mà một trong các điển hình thường được các chuyên gia kinh tế dẫn ra là sân bay quốc tế lần đầu tiên do tư nhân phát triển ở Quảng Ninh. Là người đứng đầu ngành kế hoạch - đầu tư, ông suy nghĩ gì về điển hình này, việc huy động tư nhân tham gia các dự án lớn và khó trong tương lai?
- Đây là một vấn đề rất thú vị. Vừa qua, Quảng Ninh đã thu hút những dự án tư nhân rất lớn, rất có ý nghĩa với tỉnh và cả khu vực Đông Bắc như sân bay Vân Đồn. Điều này cho thấy nhiều vấn đề.
Thứ nhất, năng lực của các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã trưởng thành, lớn mạnh. Trước kia chúng ta không thể nghĩ họ sẽ huy động được một lượng vốn lớn. Chúng ta cũng không giao cho tư nhân làm những việc lớn, đòi hỏi chất lượng, chuyên nghiệp cao như vậy.
Việc họ làm đã chứng minh các doanh nghiệp tư nhân Việt Nam đã lớn mạnh, đủ tiềm lực tham gia vào những công trình lớn, những vấn đề lớn của nền kinh tế.
Thứ hai, chúng ta thấy được cùng một mặt bằng như nhau, tỉnh này làm được, tỉnh kia không làm được; doanh nghiệp này làm được, doanh nghiệp kia không làm được. Chúng ta phải suy nghĩ nguyên nhân đến từ đâu.
Thứ ba, chủ trương, đường lối của chúng ta đã có, sao việc tổ chức thực hiện chưa tốt và sắp tới chúng ta phải làm gì.
Nhiệm vụ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là phải nghiên cứu, đề xuất cho được chính sách, khuôn khổ pháp lý phù hợp, để thu hút nguồn lực này vào đầu tư cơ sở hạ tầng lớn. Chúng ta không thể dựa vào ngân sách Nhà nước nữa.
Chúng ta cũng phải giữ nguyên tắc những gì tư nhân làm được thì Nhà nước không nên làm. Nhà nước chỉ làm những cái gì mà tư nhân họ không làm được, không muốn làm. Đó là những công trình hạ tầng lớn, công ích thì nhà nước mới làm. Kể cả sân bay, đường cao tốc… nếu như chúng ta thấy tư nhân làm được thì để cho tư nhân làm.
Nhà nước chỉ làm một việc là tạo khuôn khổ chính sách, tham gia đồng hành, hỗ trợ người ta để có thể huy động được nguồn lực làm các dự án đó cho nền kinh tế.
- Vài năm gần đây, kinh tế tư nhân Việt Nam được xem là có bước nhảy vọt, với việc xuất hiện của những tỷ phú USD. Thế nhưng, con số đó còn rất ít ỏi. Làm thế nào để nhân rộng con số này ra và tận dụng họ để lan tỏa, cộng hưởng cho cả nền kinh tế?
- Vấn đề mấu chốt là khoa học và công nghệ. Các doanh nghiệp Việt Nam hiện nay chậm phát triển, quy mô nhỏ, năng lực hấp thụ, năng lực nghiên cứu, khả năng mua, chuyển giao các công nghệ rất hạn chế. Từ đó không có điều kiện để nâng cao trình độ của các doanh nghiệp Việt Nam.
Nhiệm vụ của Nhà nước là phải tạo dựng nên các hệ sinh thái, hỗ trợ nghiên cứu, kể cả cơ bản và ứng dụng, phục vụ đổi mới sáng tạo, giúp các doanh nghiệp tiếp cận những công nghệ mới.
Tôi nghĩ đó là cách thức để các doanh nghiệp Việt Nam vươn lên ở tầm cao hơn.
- Như ông nói sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân và xuất hiện các đại gia trong lĩnh vực này vẫn chủ yếu là tự thân và tự phát. Khắc phục chuyện này thế nào?
- Vấn đề nằm ở hai yếu tố: chính sách - thể chế và nguồn lực. Trên thế giới, các nước đều thành lập các quỹ mạo hiểm và đầu tư rất lớn cho công nghệ, từ đó sinh ra những doanh nghiệp thực sự lớn. Nói cách khác, phải có bàn tay Nhà nước thực sự. Chúng tôi đã nghiên cứu nhiều nước thì thấy Mỹ, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc và đặc biệt Trung Quốc đầu tư hàng trăm tỷ USD cho các quỹ đầu tư mạo hiểm. Các doanh nghiệp tiếp cận được nguồn vốn, sở hữu được công nghệ tốt nhất. Nếu chỉ để cho các doanh nghiệp tự làm thì khó.
Chỉ số lượng rất ít doanh nghiệp có nguồn lực tiếp cận được công nghệ, còn phần lớn sẽ đành bó tay. Vì thế cần có bàn tay Nhà nước, chính là cung cấp nguồn lực qua các quỹ này.
Xây dựng cơ chế, nhưng đồng thời chúng ta phải trao nguồn lực để đầu tư cho công nghệ. Phần đầu tư này ở Việt Nam chưa được chú trọng và chưa mạnh.
- Gần đây có một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng tuyên bố chuyển hướng sang lĩnh vực công nghệ. Ông nghĩ sao về điều này?
- Đây là vấn đề rất hay, điển hình như Vingroup xuất phát điểm ban đầu là một tập đoàn dịch vụ và bất động sản giờ đã chuyển sang lĩnh vực công nghệ. Có doanh nghiệp tư nhân thì tự thành lập những trung tâm đổi mới sáng tạo, đi vào nghiên cứu các công nghệ. Họ cũng đang huy động nhân tài người Việt ở các nơi, các chuyên gia quốc tế về phối hợp với họ.
Đó là những bước đi rất lớn và Nhà nước hoàn toàn khuyến khích và ủng hộ.
Nếu cần bất cứ điều gì để trở thành doanh nghiệp công nghệ hàng đầu, Nhà nước sẵn sàng hỗ trợ.
- Cụ thể, theo bộ trưởng, Nhà nước sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp thế nào, đặc biệt trong vòng xoáy của cách mạng công nghiệp 4.0?
- Đúng là với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chúng ta mới dừng lại ở câu chuyện hội thảo, hội nghị, diễn đàn; mới chỉ nhận diện cơ hội, thách thức, chưa bắt đầu vào việc. Chúng tôi đã kiến nghị Chính phủ giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư 3 việc cần phải làm ngay.
Trước hết, đó là phải xây dựng một chiến lược quốc gia về phát triển cách mạng công nghiệp 4.0 một cách bài bản, có một tầm nhìn, đường hướng, định hướng tốt. Qua đó chúng ta có thể đi nhanh, bền vững hơn; tranh thủ tận dụng các cơ hội, tránh được các thách thức.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang hoàn thiện dự thảo cuối trước khi lấy ý kiến các bộ ngành. Sau khi tiếp thu các ý kiến, chúng tôi sẽ trình Chính phủ ban hành ngay trong năm nay để sớm triển khai.
Thứ hai, chúng tôi xác định phải làm ngay một hệ sinh thái về công nghệ. “Bàn tay của Nhà nước” sẽ hỗ trợ cho việc nghiên cứu khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, để hỗ trợ các doanh nghiệp. Tất nhiên, việc tận dụng công nghiệp 4.0 phải lấy doanh nghiệp làm chủ thể chứ không chỉ nghiên cứu ở viện, trường.
Để làm được điều đó, Bộ đang nghiên cứu xây dựng trung tâm đổi mới sáng tạo ở Hòa Lạc, Hà Nội. Tại đó việc nghiên cứu phải kết hợp giữa viện trường và doanh nghiệp, nghĩa là sản phẩm nghiên cứu phục vụ ngay nhu cầu của doanh nghiệp, chứ không phải chỉ nghiên cứu ra, không biết ai sử dụng.
Thứ ba, cần phát huy trí tuệ của nguồn nhân lực chất lượng cao, đó là trí tuệ của tất cả các trí thức, nhà nghiên cứu, chuyên gia công nghệ, nhà khoa học trên thế giới. Đặc biệt là người Việt tài năng, đang nghiên cứu làm việc trong các lĩnh vực công nghệ ở khắp nơi trên thế giới.
Để Việt Nam bứt phá trong thời gian tới, chúng tôi cho rằng Việt Nam cần hướng tới việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, nỗ lực bắt kịp những tiến bộ công nghệ để không bị tụt hậu phía sau trong kỷ nguyên mới.
- Đó có phải là lý do mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư lần đầu tổ chức sự kiện mời 100 trí thức trẻ Việt Nam ở nước ngoài về nước tham gia Chương trình Kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo?
- Với cách tiếp cận chiến lược hướng đến đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tập hợp sức mạnh trí tuệ người Việt khắp thế giới để nhanh chóng nâng cấp năng lực công nghệ trong nước.
Ngay từ bây giờ, chúng ta cần tạo mạng lưới để kết nối những người Việt tài năng, đặc biệt là các bạn trẻ để chuẩn bị thật tốt nguồn nhân lực phục vụ định hướng này. Để làm được điều đó, cần sự vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước và đặc biệt là sự quan tâm, ủng hộ của các cấp lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ.
Với vai trò cơ quan tham mưu hoạch định chiến lược được Thủ tướng giao nhiệm vụ xây dựng Chiến lược 4.0, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động, phối hợp với các Bộ ngành, địa phương để tổ chức Chương trình Kết nối mạng lưới Đổi mới sáng tạo đầu tiên trong năm 2018.
Trước sáng kiến và sự “lĩnh xướng” của Bộ Kế hoạch và Đầu tư , các bộ ngành, địa phương, doanh nghiệp đã hết lòng ủng hộ và cùng phối hợp rất tích cực để thực hiện.
Chúng tôi đã mời 100 bạn trẻ tiêu biểu đầu tiên là người Việt trên toàn thế giới về hỗ trợ đất nước. Các bạn trẻ đều đã được đào tạo bài bản ở nhiều nước phát triển có trình độ khoa học công nghệ cao, đã có nhiều công trình nghiên cứu, được quốc tế công nhận và đánh giá cao.
Nhiều bạn làm ở các tập đoàn rất lớn, trường đại học, đã thành danh… có bạn được coi là “bộ não” của Google, Facebook.
Trong khuôn khổ chương trình, nhiều hội thảo khoa học về các lĩnh vực công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 như trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), tài chính số, đã được tổ chức với sự tham gia của các chuyên gia người Việt trong và ngoài nước.
Các hội thảo đã giúp chúng ta tiếp cận được các xu hướng công nghệ mới nhất, đồng thời nêu ra nhiều khuyến nghị chính sách hữu ích để Việt Nam nhanh chóng nắm bắt, phát triển các công nghệ này.
Sự kiện này cho thấy năng lực công nghệ của người Việt là rất đáng kể, tạo cơ sở và niềm tin về khả năng Việt Nam sẽ tiếp cận hiệu quả những công nghệ hiện đại của Kỷ nguyên 4.0 với một lộ trình và ưu tiên phù hợp.
- Làm thế nào để các nhân tài trở về không chỉ là hình thức, có đóng góp thiết thực cho đất nước?
- Chúng tôi tổ chức việc kết nối để tạo cơ chế trao đổi công việc, dự án, các chương trình, các cơ hội làm việc, phối hợp, đầu tư, liên kết cụ thể. Đây là hình thức giúp cả hai bên là những trí thức người Việt và các doanh nghiệp, các cơ quan, các địa phương có thể gặp gỡ cùng tìm lời giải cho những bài toán công nghệ chúng ta đang vướng mắc.
Do đó, sẽ không còn là hình thức kêu gọi trở về từ một phía, mà thực sự dựa trên nhu cầu công việc, nhu cầu trao đổi và cũng chính là cơ hội cho những bạn trẻ người Việt tìm được môi trường phù hợp, tạo “thị trường” để khai thác và tận dụng hiệu quả “tài sản trí tuệ” người Việt.
Đối với nhiều bạn, đây thực sự là cuộc trở về đầy ý nghĩa bởi các bạn hiểu rằng tổ quốc đang cần các bạn và các bạn là những người có thể đóng góp vào sự thịnh vượng của đất nước trong tương lai. Đó là điều mà rất nhiều bạn trẻ mong muốn và muốn khẳng định bản thân bằng sự ghi nhận xứng đáng.
Tôi cho rằng, từ xưa đến nay, tâm huyết và khát vọng lớn của phần lớn người Việt chúng ta là được cống hiến và đóng góp cho đất nước, với những tài năng thì mong muốn đó lại càng mạnh mẽ. Chúng ta chỉ cần mang đến cho họ những cơ hội phù hợp, tôi tin rằng các bạn sẽ đều muốn đóng góp hết sức mình.
Chúng tôi chú trọng tổ chức các cuộc trao đổi, gặp gỡ để các bạn trẻ này có thể chia sẻ các lĩnh vực liên quan đến các bộ ngành, hỗ trợ trong công tác quản lý Nhà nước. Ví như làm việc với Ngân hàng Nhà nước về thanh toán điện tử; Bộ Công Thương về công nghiệp chế tạo, chuyển đổi số; Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về sản xuất thông minh..
Chúng tôi cũng tổ chức các cuộc gặp với lãnh đạo các địa phương như Hà Nội, TP.HCM, Quảng Ninh… tư vấn giải quyết bức xúc phổ biến hiện nay, đặc biệt là đô thị và môi trường.
Ba là cuộc gặp với các doanh nghiệp công nghệ. Từ đó có thể xem nhu cầu trong nước, có thể chia sẻ được điều gì từ nước ngoài. Tôi cho rằng sẽ rất tốt để thông qua các doanh nghiệp để chuyển giao công nghệ.
Sau chương trình, đã rất nhiều bạn trẻ khóc vì xúc động. Có bạn còn viết thư cho tôi chia sẻ rất tự hào khi được mời về đóng góp cho đất nước.
- Cuối năm 2018, nhiều người xúc động khi chứng kiến bộ trưởng ngồi xe lăn chủ trì và tham gia các cuộc họp quan trọng của Chính phủ. Với công việc bận rộn của một trưởng ngành, ông có nhiều thời gian dành cho bản thân hay không?
- Đã là thành viên Chính phủ thì bộ nào, cơ quan nào cũng có rất nhiều công việc. Riêng Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan tham mưu tổng hợp, nên những nhiệm vụ nghiên cứu chung, tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng là rất lớn.
Công việc rất nhiều, áp lực rất lớn, thời gian dành cho bản thân rất eo hẹp. Để đáp ứng yêu cầu công việc đã mất rất nhiều thời gian rồi. Thời gian dành cho cá nhân rất ít.
- Ông sử dụng một ngày của mình như thế nào?
- 7h30 tôi đến cơ quan, làm theo lịch biểu hàng ngày. Hôm thì họp với Chính phủ, cơ quan Đảng, Nhà nước, Quốc hội. Hôm thì làm việc với anh em các đơn vị trong bộ. Công việc diễn ra như mọi người thôi.
- Được biết Bộ trưởng là một người rất yêu thích âm nhạc và nghệ thuật. Nhiều người từng bắt gặp ông rất bình dị đi thưởng thức những đêm nhạc. Ông có thể chia sẻ một chút về sở thích này của mình được không? Nghệ thuật và những con số khô khan của kinh tế, ông thích điều gì hơn?
- (Cười) Hỏi thế thì hơi khó, tôi là một người yêu âm nhạc. Từ hồi trẻ, cứ rảnh là 2 vợ chồng đi xem các đêm nhạc. Ngày xưa, hồi mới giải phóng miền Nam còn bay vào Sài Gòn xem các chương trình trong đó. Sau này bận hơn, ít đi hơn.
Tôi rất yêu nhạc Phú Quang. Tôi rất tâm đắc, có những cảm hứng nhất định với dòng nhạc đó.
Bất kể ai, nếu có những phút giây như vậy, đều là điều rất tuyệt để tuyền cảm hứng, cảm xúc cho mình, từ đó có những có những sáng tạo tốt hơn. Âm nhạc và công việc bổ trợ cho nhau thì đúng hơn, chứ nói cái nào khô khan, thích cái nào hơn thì rất khó.
Công việc là công việc. Thời gian dành riêng cho bản thân thì tôi thích văn nghệ, ca nhạc. Khi có công việc thì không nhớ đến nó nữa.
Theo Hiếu Công - Phương Loan (Tri Thức Trực Tuyến)