Là Bộ trưởng cuối cùng trực tiếp đăng đàn hôm nay, ông Nguyễn Chí Dũng nhận được nhiều câu hỏi về bất cập trong phân bổ nguồn lực quốc gia.
Phó thủ tướng Vương Đình Huệ cùng các bộ trưởng, trưởng ngành: Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Tài nguyên & Môi trường, Công Thương, Y tế, Giáo dục & Đào tạo, Khoa học & Công nghệ sẽ cùng giải đáp các nội dung liên quan trách nhiệm của Chính phủ và ngành mình.
Trong 30 phút chất vấn cuối giờ chiều 14/6, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã nhận được câu hỏi của 7 đại biểu, trong số 50 đại biểu đăng ký chất vấn ông xoay quanh những điểm nóng của ngành kế hoạch.
11h30: Phiên chất vấn với Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư kết thúc. Quốc hội nghỉ trưa trước khi trở lại với phần chất vấn lãnh đạo Chính phủ, do Phó thủ tướng Trương Hòa Bình đại diện, vào buổi chiều.
11h25 Chủ tịch Quốc hội: Bộ trưởng trả lời 'chưa rõ, chưa thỏa mãn'
Kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư, đã có 37 Đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 19 đại biểu tranh luận. Còn 2 đại biểu xin tranh luận và 11 đại biểu đăng ký đặt câu hỏi, nhưng do hết thời gian nên chưa được phát biểu.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhận nhiệm vụ hơn 1 năm nhưng đã nắm được công việc, lĩnh vực mình quản lý. Bộ trưởng cũng đã nghiêm túc nhận rõ trách nhiệm. Nhưng phần trả lời "chưa rõ, chưa thỏa mãn nên nhiều đại biểu Quốc hội tham gia tranh luận lại".
Chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tiếp thu ý kiến của Đại biểu Quốc hội, chỉ đạo quyết liệt nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế. Cụ thể, thực hiện nghiêm Luật Đầu tư công, theo hướng bảo đảm đơn giản hóa thủ tục lập thẩm định tránh chồng chéo, mâu thuẫn; tăng cường trách nhiệm các cấp trong đầu tư công; tham mưu bố trí vốn cho từng dự án cụ thể, tránh kéo dài... Đồng thời, lãnh đạo Bộ cần đánh giá toàn diện lĩnh vưc đầu tư nước ngoài, nâng cao tính cạnh tranh nền kinh tế.
"Các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ, tránh tình trạng nơi thiếu vốn, nơi có tiền mà không đầu tư được", bà Kim Ngân nhấn mạnh.
11h20 Làm sao để tránh thất thoát khi cổ phần hóa doanh nghiệp?
Đại biểu Nguyễn Hoàng Mai đặt câu hỏi về việc có tình trạng một số dự án đầu tư không được phân bổ vốn. Bộ trong thời gian tới sẽ có giải pháp gì để phân bổ, rà soát lại tình trạng trên?
Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) nêu tình trạng vừa rồi có lãnh đạo Bộ, ngành hoặc người thân sở hữu cổ phần lớn trong doanh nghiệp do họ làm đại diện phần vốn. Ông đặt câu hỏi làm sao để những lãnh đạo như thế này không trở thành những nhà tư sản sau khi doanh nghiệp cổ phần hóa?"
11h15: Đại biểu lo công trình đầu tư 'khủng' dở dang rồi 'gửi lại cho nhiệm kỳ sau'
Đại biểu Nguyễn Hữu Quang (Thanh Hóa) cho rằng giải trình của Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư về bố trí vốn đầu tư công chưa thỏa đáng. Theo ông, 574 dự án lẽ ra phải hoàn thành giai đoạn 2016-2020 nhưng không bố trí đủ vốn, thực tế là vi phạm Luật Đầu tư công.
Cũng cho rằng phần giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng "chưa quyết liệt, chưa toàn diện", đại biểu Đinh Duy Vượt (Gia Lai) đề nghị, Bộ trưởng nghiên cứu, đề xuất chế tài xử lý gắn với trách nhiệm người quyết định đầu tư với hiệu quả đầu tư dự án, cả về kinh tế, xử lý hình sự. Chế tài này theo ông Vượt, phải "truy" trách nhiệm của những người quyết định đầu tư đã nghỉ hưu. "Như thế mới chặn đứng ngay tình trạng các công trình đầu tư khủng, đắp chiếu dở dang, rồi lại gửi lại cho người kế nhiệm", ông Vượt nói.
11h05: Bộ đồng hành cùng địa phương trong thu hút đầu tư
Về câu hỏi của đại biểu Lưu Bình Nhưỡng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết nhu cầu đầu tư rất lớn, nhưng ngân sách hạn chế, nhiều nhiệm vụ, mục tiêu phát sinh mới nên giữa nhu cầu và khả năng đang chênh lệch nhau. Do đó, từ công tác tham mưu, Bộ cũng thừa nhận phải giám sát chặt chẽ hơn để các dự án được đưa vào sử dụng và khai thác hiệu quả hơn.
Về thu hút đầu tư vốn nước ngoài, Bộ trưởng cho biết trước đó đã trả lời gồm những đẩy mạnh hạ tầng, tạo điều kiện mở rộng đầu tư, đào tạo nhân lực...
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu về việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp khó khăn, mặc dù có nhiều chính sách, cơ chế. Tuy nhiên, cũng có một phần liên quan đến cơ chế chính sách, có thể chưa thực tế, chưa thực sự hấp dẫn. Nên Bộ Kế hoạch & Đầu tư cũng đang cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn sửa Nghị định 210 theo hướng tăng hỗ trợ của trung ương lên, những cơ chế ưu đãi cho doanh nghiệp nhỏ và vừa cũng được áp dụng cho doanh nghiệp nông nghiệp.
Người đứng đầu ngành cho biết trong thời gian tới, những thủ tục hành chính phải được cải cách để giảm thời gian, chi phí, điều chỉnh quy mô, đối tượng... hy vọng sẽ mở ra cơ chế khả thi hơn để thu hút đầu tư cho nông nghiệp.
Về hỗ trợ các địa phương trong thu hút đầu tư, Bộ trưởng cho biết, cơ quan này vẫn đang tiến hành. Hiện nay một số địa phương có điều kiện thì tự tổ chức. Còn nhiều địa phương khó khăn hơn thì Bộ vẫn luôn đồng hành, tổ chức xúc tiến đầu tư....
10h50: Phó thủ tướng Vương Đình Huệ: 'Chúng ta có tiền mà không tiêu hết'
Giải trình trước Quốc hội về giải ngân, phân bổ vốn đầu tư công, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ thừa nhận, việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 và 5 tháng đầu năm 2017 tuy cao hơn cùng kỳ nhưng còn chậm, không phân bổ hết dự toán.
"Chúng ta có tiền mà không tiêu hết được", ông nói và cho rằng, có phần trách nhiệm của Chính phủ, là một trong những nguyên nhân làm tăng trưởng kinh tế không đạt kế hoạch, giảm hiệu quả sử dụng vốn. "Chính phủ nhận trách nhiệm trước Quốc hội để làm tốt hơn thời gian tới", ông nói thêm.
Chậm giải ngân vốn đầu tư công, Phó thủ tướng thừa nhận do nguyên nhân chủ quan là chủ yếu. Các Bộ, ngành đang mất nhiều thời gian rà soát ưu tiên để cắt giảm, nên làm chậm thời gian giải ngân. Mục tiêu của Luật Đầu tư công là tránh thất thoát, dàn trải nhưng cũng nhiều quy định thủ tục còn cải trở việc giải ngân.
Về chủ quan, ông cho hay, các Bộ, ngành cũng "giằng xé rất nhiều trong lựa chọn. Có trình trạng việc nào cũng muốn làm, khiến cắt giảm dự án khó khăn".
Phó thủ tướng cũng nhìn nhận phân công, phân cấp ủy quyền cho địa phương chưa quyết liệt.
"Còn tình trạng thích ôm việc của các bộ, ngành. Một số bộ thấy việc gì cũng quan trong, việc gì cũng to để Bộ làm. Việc phân cấp cho địa phương chưa quyết liệt, không thể biện minh hay chối cãi", ông Huệ nhấn mạnh. Ngoài ra, một bộ phận cán bộ còn nhũng nhiễu, chưa được các Bộ xử lý nghiêm...
Để đẩy nhanh tiến độ hiệu quả đầu tư công, ông Huệ cho hay, Thủ tướng, Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo quyết liệt. Tốc độ giải ngân vốn 5 tháng cuối năm 2016 gấp 7 lần so với 7 tháng đầu năm này. Còn 5 tháng đầu năm 2017, tốc độ giải ngân vốn đạt 24,7% mức đã giao, tăng gần 4% so với cùng kỳ. Tuy vậy, kết quả này vẫn bị đánh giá là chậm.
Chính phủ đã đưa ra một số giải pháp cụ thể như yêu cầu bộ, ngành địa phương tiếp tục đấu thầu xây dựng, tăng cường phân cấp hơn nữa; đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng; rà soát bất cập trong văn bản pháp luật hướng dẫn; xử lý cán bộ tham mưu cáp cấp làm chạm giải ngân, gây thất thoát. "Chính phủ mong Quốc hội quan tâm, giám sát thường xuyên", Phó thủ tướng đề nghị.
10h15: Đại biểu chất vấn về suất đầu tư vốn các dự án BOT, thủ tục đấu thầu
Đại biểu Ngô Thị Minh (Quảng Ninh) đề nghị Bộ trưởng giải thích việc bố trí vốn cho 18 dự án hoặc giao vốn cho nhiều dự án chưa được thẩm định. Theo bà Minh, Nghị định 15 về đối tác công tư còn nhiều bất cập. Nghị định ở đây không thể nói về trách nhiệm của UBND, thiếu quy định về sự tường minh của trách nhiệm nhà nước, nhà đầu tư.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) cho rằng quy trình, thủ tục đấu thầu còn bất cập, chậm chạp. Bộ trưởng có giải pháp gì để giải quyết tình trạng này? Câu hỏi thứ 2 của ông Đồng là làm thế nào để đảm bảo tính cạnh tranh tại các dự án BOT. Câu hỏi này Bộ trưởng Giao thông Vận tải cũng tham gia trả lời.
Đại biểu Trần Thị Huyền Trân (Trà Vinh) thì đặt câu hỏi dự án cải tạo quốc lộ 53 trên địa bàn Trà Vinh đến khi nào được bố trí vốn? Đại biểu Nguyễn Quốc Hận (Cà Mau) Bộ làm gì để các địa phương huy động được vốn đầu tư ngoài nhà nước?...
10h07: Bộ trưởng nhận trách nhiệm trong quản lý đầu tư công
Đối với ý kiến của đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) về đầu tư công, Bộ trưởng cho biết Bộ có phần trách nhiệm khi việc quản lý còn hạn chế và gây ra sự lãng phí trong thời gian qua.
“Chúng tôi có hai trách nhiệm đối với vấn đề này. Đó là việc tham mưu cơ chế chính sách chưa đưa ra đầy đủ, và thực hiện công tác kiểm tra, giám sát phát hiện các trường hợp thất thoát chưa tốt. Vấn đề thất thoát, lãng phí trong đầu tư công đã được khắc phục một phần nhờ các luật và nghị định hướng dẫn mới, nhưng chưa triệt đề và vẫn còn nhiều bất cập”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũngnhìn nhận.
Trả lời ý kiến của đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An), Bộ trưởng đồng ý cho rằng thời điểm thanh toán các dự án BT đang có nhiều vấn đề. “Khi ký kết hợp đồng BT thì giá đất khác còn khi hoàn thành dự án thì giá đất khác. Do vậy cần xây dựng các cơ thể thích hợp để hài hóa giữa lợi ích của Nhà nước và các địa phương”, Bộ trưởng cho biết.
Với vấn đề phát triển đầu tư cho ngành du lịch, người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho rằng, lĩnh vực này đã được xác định là một trong những mũi nhọn, có dư địa phát triển tốt để tạo ra tăng trưởng. Không chỉ vậy, đây còn là lĩnh vực có khả năng thu hút vốn đầu tư từ xã hội hóa hơn các lĩnh vực khác.
Quan điểm chung của Chính phủ là cần tạo lập ra cơ chế chính sách, môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư vào hạ tầng cho lĩnh vực này. Trong thời gian gần đây, hệ thống hạ tầng cho du lịch được các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư rất tốt.
Trả lời phần tranh luận của 2 đại biểu về vấn đề phân cấp, phân quyền đối với Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn đã ban hành, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tinh thần của luật không đi ngược lại mục tiêu của Chính phủ với chuyện phân cấp cho các địa phương. Theo Bộ trưởng, các dự án đầu tư công từ nguồn vốn ngân sách cần đươc thẩm định và xác định nguồn một cách kỹ lưỡng để tránh tình trạng lãng phí, thất thoát như trước đây. Đây là trách nhiệm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Còn những dự án sử dụng nguồn vốn của các địa phương vẫn hoàn toàn do các địa phương tự quyết định.
Đối với triển khai các công trình trọng điểm quốc gia và chương trình quốc gia, Bộ trưởng cho biết, từ 16 chương trình mục tiêu quốc gia và 61 chương trình mục tiêu trải dài ra các lĩnh vực thì nay chỉ còn giữ lại 2 chương trình mục tiêu quốc gia là Nông thôn mới và Xóa đói giảm nghèo, cùng với đó là 21 chương trình mục tiêu.
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa các chương trình khác đang trong quá trình thực hiện sẽ bị loại bỏ. Các công việc sẽ được lồng ghép trong các 2 chương trình mục tiêu quốc gia và 21 mục tiêu nếu trên. Việc lựa chọn dự án, bố trí vốn đối với các chương trình này của từng nơi sẽ thuộc thẩm quyền quyết định của chính các địa phương đó.
10h00: Địa phương 'kêu' rất nhiều chuyện thiếu tiền đầu tư
Chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng, đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) tiếp tục tranh luận. Ông Hàm cho rằng, giải trình của Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chưa giải thích rõ căn cứ pháp lý nào để chuyển khoản vay về cho vay lại (gần 18.000 tỷ đồng) của 5 dự án đường cao tốc của VEC thành vốn cấp phát Nhà nước. Tính toán thứ tự ưu tiên trong đầu tư, kiểm soát chi… cũng chưa được nói rõ.
Ngoài ra, ông Hàm cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Dũng cho rằng “trách nhiệm trong phân bổ vốn chậm thuộc về các địa phương, chứ không có trách nhiệm của Bộ Kế hoạch”. Vị này phân tích: Bộ Kế hoạch có chức năng thẩm định nguồn, cân đối nguồn thì hầu như xem xét toàn bộ hàng vạn công trình. "Với lực lượng vài trăm người của Bộ có làm được không, hay chậm nên ách tắc đầu tư?", ông Hàm hỏi.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách cũng không đồng tình khi Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng không có việc dàn trải trong bố trí vốn đầu tư. Nêu thực tế giám sát tại địa phương, ông Hàm cho biết địa phương "kêu rất nhiều chuyện thiếu tiền đầu tư, và phải cam kết. Nếu không cam kết thì không được đăng ký vốn".
Ông Hàm lo lắng, nếu tình trạng bố trí vốn dàn trải tiếp diễn, khi chi phí tăng lên thì nhiều công trình sẽ thiếu toàn bộ vốn đầu tư ban đầu. "Xin Bộ trưởng nói rõ", ông đề nghị.
9h32: Luật Đầu tư công đang 'kéo' về phía Bộ, ngành thay vì phân cấp cho địa phương
Trong phần tranh luận, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) và Nguyễn Văn Thể (Phú Thọ) đều cho rằng Luật Đầu tư công đang bộc lộ nhiều vấn đề về mặt phân cấp, phân quyền khi đi ngược lại với mục tiêu của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (áo đỏ) chất vấn Bộ trưởng về phân cấp, phân quyền trong Luật Đầu tư. |
Đại biểu của đoàn Phú Thọ cho rằng, Luật Đầu tư công đang tập trung nhiều công việc về phía các Bộ, ngành hơn là phân cấp về các địa phương khiến tiến độ thực hiện nhiều công việc còn chậm. Trong khi đại biểu đoàn TP HCM nhìn nhận, Luật đang kéo phần quyết định về phía Bộ Kế hoạch & Đầu tư nhiều hơn, tập trung hơn thay vì phân cấp, phân quyền.
Cả hai đại biểu cũng đề nghị Bộ cần đẩy nhanh tiến độ sửa đổi Luật Đầu tư công và các nghị định hướng dẫn, khi đây là Luật quan trọng tác động đến công tác đâu tư và giải ngân vốn cho các địa phương.
Đối với vấn đề đầu tư vào khu vực 2 (khu vực công nghiệp, xây dựng) hiện nay còn chậm đã ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Đại biểu Nguyễn Văn Thể cho rằng, bên cạnh mảng công nghiệp, xây dựng là một lĩnh vực có liên quan trực tiếp đến xây dựng cơ bản, không chỉ tác động cho tăng trưởng năm nay mà còn tạo tiền đề cho năm sau. Trong giai đoạn sắp tới triển khai nhiều dự án, đại biểu cũng mong Bộ tập trung nhiều hơn nữa cho lĩnh vực xây dựng cơ bản.
9h30: Quốc hội nghỉ giao lao 20 phút
9h20: Bộ trưởng Kế hoạch: Không có xin - cho trong phân bổ vốn
Về giải pháp giảm hoặc giữ chỉ tiêu bội chi năm 2017 không vượt "khung", Bộ trưởng Dũng thừa nhận, từ nay tới cuối năm khó giải ngân hết số vốn 50.000 tỷ đồng Quốc hội thông qua kế hoạch trung hạn 2016 - 2020. Do đó, Bộ đã đề xuất giảm trái phiếu Chính phủ năm 2017 xuống để giảm vốn vay, từ đó giảm bội chi năm 2017. Một phương án khác là tăng vốn nước ngoài nếu sử dụng thiếu. Thực hiện 2 hướng này, bội chi sẽ giữ nguyên theo chỉ tiêu Quốc hội thông qua là 172.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân gốc rễ của việc phân bổ vốn đầu tư cho các công trình trọng điểm quốc gia chậm, ông Dũng cho hay 80.000 tỷ dự án quan trọng quốc gia chưa phân bổ có 70.000 tỷ cho các dự án quan trọng, 10.000 tỷ đồng chống ngập TP HCM và 5.000 tỷ cho dự án sân bay Long Thành.
Bộ trưởng Dũng tỏ ra lúng túng, nhưng được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đỡ lời. Theo bà Ngân, luật quy định tất cả các công trình trọng điểm quốc gia phải trình Quốc hội xem xét, thông qua. Hiện thủ tục hồ sơ của dự án 10.000 tỷ chống ngập TP HCM, dự án cao tốc Bắc Nam hiện chưa hoàn thiện nên Quốc hội chưa thông qua tại kỳ họp này, mà phải dời sang kỳ tới.
“Trách nhiệm chính là do các Bộ, ngành và Bộ Kế hoạch & Đầu tư đã chậm làm thủ tục hồ sơ ra Quốc hội, nên chưa phân bổ được", Chủ tịch Kim Ngân nói.
Ông Dũng liền đáp: “Xin cám ơn Chủ tịch”.
Nói thêm chuyện phân bổ vốn đầu tư chậm, ông Dũng phân trần, do thủ tục thực hiện dự án thay đổi. Trước đây giải ngân theo dự án, cam kết nhà tài trợ; còn hiện theo quy định Hiến pháp vốn ODA được giải ngân theo kế hoạch sử dụng vốn. Tuy nhiên, vừa qua các Bộ, ngành đã không quan tâm, chưa xây dựng kế hoạch.
"Trách nhiệm Bộ Kế hoạch & Đầu tư không thuộc về việc phân bổ", ông Dũng nói và nhắc l ại quá trình phân giao, phân bổ vốn: Bộ, ngành xây dựng kế hoạch chi tiết, đề xuất phân bổ vốn. Bộ Kế hoạch hướng dẫn tiêu chí, định mức phân bổ, sau đó tổng hợp, rà soát và trình Chính phủ quyết định báo cáo Quốc hội. Quốc hội phê chuẩn thông qua thì Chính phủ giao vốn, và Bộ Kế hoạch có nhiệm vụ thông báo.
"Không có chuyện xin cho, toàn bộ do các bộ ngành quyết định", ông Dũng khẳng định.
9h15: Đại biểu đặt hàng loạt câu hỏi về huy động, sử dụng vốn
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) chất vấn Bộ trưởng có những giải pháp nào để huy động sử dụng và quản lý có hiệu quả vốn đầu tư nước ngoài và trong nước.
Đại biểu Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đặt câu hỏi làm sao để phát huy nguồn vốn kinh tế tư nhân? Câu hỏi thứ 2 là Bộ trưởng cần làm rõ hơn hiệu quả, tính khả thi việc thu hút vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Bộ trưởng hãy chứng minh lời kêu gọi chúng ta tại các hội nghị xúc tiến đầu tư rằng Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài.
Đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định) chất vấn tại sao chi phí làm đường cao tốc của Việt Nam cao gấp 2-4 lần các quốc gia khác nhưng chất lượng chưa tốt. Đường sắt cao tốc của Việt Nam cũng cao gấp 2,5 lần của Thái Lan. Trong điều kiện nguồn lực có hạn, Bộ trưởng có giải pháp gì để giảm tỷ suất đầu tư các tuyến hạ tầng giao thông giảm nhưng nâng cao chất lượng.
Với câu hỏi này, Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa sẽ cùng tham gia trả lời.
Đại biểu Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) bày tỏ sự băn khoăn về cơ chế thanh toán cho dự án BT được tính từ thời điểm ban hành quyết định giao đất, thấp hơn nhiều so với khi dự án được hoàn thành. Điều này dễ làm thất thoát quỹ đất. Các bộ, ngành có liên quan có giải pháp gì trong thời gian tới.
Đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho biết dù ghi nhận những nỗ lực của các Bộ trưởng, song thời gian qua theo ông còn quá nhiều tồn tại, yếu kém trong công tác quản lý đầu tư công. Bộ trưởng sẽ làm gì để thay đổi điều này?
Đại biểu Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho biết ngành du lịch được đặt mục tiêu thu hút tăng trưởng trên 30% khách quốc tế. Bộ có giải pháp gì để hỗ trợ phát triển du lịch? Ông cũng đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính về việc thành lập quỹ phát triển du lịch, tại sao đã có chủ trương của Chính phủ nhưng đã 12 năm trôi qua mà quỹ chưa ra đời, đâu là nguồn hình thành của quỹ.
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) cho biết có câu hỏi rất nhẹ nhàng gửi Bộ trưởng: Đồng bằng Sông Cửu Long đóng góp ngày càng lớn cho nền kinh tế. Nhưng vấn đề tải trọng vẫn chưa được giải quyết triệt để. Nhiều dự án hạ tầng, cao tốc Trung Lương chưa hoàn thành. Trách nhiệm của Bộ trưởng đến đâu?
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho rằng câu hỏi tuy "nhẹ nhàng" nhưng để trả lời được thì rất "nặng nề".
Trả lời về việc định giá lại bất động sản trong quá trình cổ phần hóa vừa qua, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng có nhiều bất cập dẫn đến lợi ích của nhà nước bị thất thoát. Theo Bộ trưởng, khi cổ phần hóa, phần đất mà doanh nghiệp thuê của Nhà nước và trả tiền hằng năm không được tính vào giá trị tài sản khi định giá doanh nghiệp. Tuy nhiên, sau cổ phần hóa, nếu chuyển đổi mục đích sử dụng đất thì phần lợi ích này lại thuộc về doanh nghiệp.
Do vậy Bộ đang xây dựng các giải pháp để tránh làm thất thoát phần giá trị tăng thêm này. Bộ có kiến nghị các doanh nghiệp nhà nước trước khi cổ phần hóa phải rà soát lại quỹ đất, nếu không sử dụng, phải trả lại nhà nước. Bên cạnh đó, phải công khai hóa, minh bạch các khu đất đang sử dụng và sau cổ phần hóa. Nếu thực hiện chuyển đổi mục đích sử dụng đất phải thực hiện đấu giá lại, định giá lại giá trị tài sản của Nhà nước. Khi đó, các doanh nghiệp sẽ phải nộp bổ sung phần sau khi định giá lại.
Đối với một số công trình hiện nay đầu tư lớn cho hạ tầng, khiến giá trị đất hai bên đường và giá trị đất cả khu tăng lên rất nhiều. “Một số công trình hiện nay sử dụng vốn đầu tư của Nhà nước giúp giá trị đất của cả khu vực tăng lên, tuy nhiên phần tăng lên này lại sau đó doanh nghiệp lại là người được hưởng, dù không bỏ vốn đầu tư”, Bộ trưởng nhận xét.
Người đứng đầu Bộ Kế hoạch & Đầu tư đề nghị phải xây dựng các giải pháp để mang lại giá trị địa tô cao hơn cho với đất nước. Một số giải pháp được Bộ kiến nghị như khi giải tỏa mặt bằng cần thực hiện giải tỏa thêm diện tích hai bên đường và sau khi xây dựng xong hạ tầng cơ bản sẽ thực hiện đấu giá khu đất đó nhằm tạo giá giá trị tăng thêm.
“Nhà nước bỏ tiền làm quy hoạch, đầu tư hạ tầng , thiết kế… kể cả hạ tầng giao thông, đô thị sau đó mới đấu giá. Chứ để doanh nghiệp làm hạ tầng, thiết kế đô thị sau khi đã hoàn thiện hạ tầng giao thông thì giá trị địa tô tăng lên thì giá trị thuộc về doanh nghiệp, chứ không phải Nhà nước”, Bộ trưởng đưa ra ý kiến.
8h53: Tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp khoảng 70%
Một số đại biểu tranh luận vì sao tỷ lệ lấp đầy tại khu công nghiệp ở các địa phương hiện không tương đồng. Bộ trưởng cho biết, hiện nay cơ quan quản lý đã cấp phép khoảng 224 khu công nghiệp trên cả nước và lấp đầy khoảng 70%. Có nhiều nguyên nhân về môi trường, lợi thế cạnh tranh của một số địa phương không bằng những địa phương khác như vị trí, hạ tầng giao thông, nhân lực... Những địa phương không bằng được thì không thu hút được. Tới đây sẽ tập trung phát triển hạ tầng, nhân lực, xúc tiến đầu tư, rà soát quy hoạch...
Về Nghị định 15 về thủ tục đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), có đại biểu cho rằng hiện nay có khá nhiều vấn đề bất cập. Bộ trưởng thừa nhận tình trạng này nhưng ông cũng cho biết, nhiều quy định, tiệm cận thông lệ quốc tế, khá chặt chẽ. Tuy nhiên, còn cần khắc phục trong thời gian tới, nên Bộ cũng đang kiến nghị sửa đổi Nghị định 15.
8h50: Cấp bách khống chế bội chi
Đại biểu Hoàng Quang Hàm (Phú Thọ) nêu, năm 2017 bội chi là 172.000 tỷ, tình hình hiện nay khống chế thấp hơn là hết sức cần thiết, cấp bách. Tuy nhiên, Chính phủ đang xin chuyển nguồn trái phiếu Chính phủ chưa phân bổ 12.500 tỷ đồng; 18.000 tỷ vay về cho vay lại của 5 dự án mà VEC làm chủ đầu tư chưa xử lý và 5.000 tỷ vốn ODA đã giải ngân năm 2015 nhưng chưa có dự toán.
“Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ xử lý 3 khoản đầu tư trên như thế nào để vừa đúng luật, không làm tăng bội chi ngân sách?”, ông Hàm đặt câu hỏi.
Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính và ngân sách của Quốc hội cũng đặt vấn đề, việc Bộ trưởng đổ lỗi cho Luật Đầu tư công chưa hoàn toàn thuyết phục khi lý giải việc bố trí vốn dài trải 80.000 tỷ đồng, giải ngân vốn đầu tư chậm…
“Tại sao phân bổ vốn, giải ngân vốn chậm, ODA thiếu dự toán…? Nguyên nhân gốc rễ có phải vẫn tồn tại xin cho nên phân bổ chậm? Bộ đã can thiệp quá sâu vào quá trình phân bổ nên ách tắc cho đầu tư hay không?”, ông Hàm đặt loạt câu hỏi và đề nghị được biết hướng khắc phục của Bộ trưởng Kế hoạch.
Đại biểu Huỳnh Thanh Cảnh (Bình Thuận) cho rằng, hiện thủ tục dự án đầu tư công tư PPP còn nhiều vướng mắc, làm hạn chế thu hút nhà đầu tư. Hiện cả nước còn nhiều khu công nghiệp, khu kinh tế chưa lấp đầy, còn bỏ trống. "Thực trạng cụ thể ra sao? Trách nhiệm Bộ trưởng ra sao khi để xảy ra tình trạng này?", ông Cảnh chất vấn.
Đại biểu Hoàng Quang Hàm chất vấn Bộ trưởng Nguyên Chí Dũng |
8h30: Mâu thuẫn Nghị định 136 và một số điều luật
Theo đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm ( TP HCM), báo cáo của Bộ trưởng về quy trình lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư nêu đơn vị đề xuất là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, người đứng đầu cơ quan trung ương (Bộ trưởng) và Hội đồng nhân dân cấp tỉnh (Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền) phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư của dự án. Bà đặt vấn đề việc ủy quyền cho (Thường trực Hội đồng nhân dân được ủy quyền) căn cứ vào Nghị định 136 của Chính phủ. Tuy nhiên, nếu ủy quyền cho thường trực hội đồng nhân dân sẽ vi phạm 3 luật: Luật Đầu tư công, Luật Ban hành văn bản vi phạm pháp luật và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, trong luật đầu tư công không nêu thường trực Hội đồng nhân dân. Tuy nhiên, trong thực tế, HĐND một năm họp 2 lần. Quy định trong luật thì những quyết định này phải ban hành trước 31/10. Do đó, một số địa phương bị vướng trong việc ra quyết định nếu địa phương họp sau ngày 31/10.
Việc này sẽ được báo cáo Chính phủ để làm rõ xem có vi phạm luật không, nhưng tinh thần là để tháo gỡ cho các địa phương ở điểm đó.
8h15: Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng: Công tác chuẩn bị của nhiều dự án thật sự có vấn đề
Trả lời câu hỏi của các đại biểu về kế hoạch vốn đầu tư công trung hạn, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư cho biết, kế hoạch đầu tư công trung hạn đã được Bộ xây dựng từ tháng 8/2014, sau đó được Quốc hội thông qua. Hiện số vốn này đã giao được 88% và chỉ còn gần 200.000 tỷ đồng chưa giao. Số vốn này tại một số dự án chưa đủ thủ tục, dự án đầu tư đường ven biển, vốn điều lệ cho các ngân hàng, các dự án trọng điểm quốc gia (đường cao tốc Bắc – Nam, sân bay Long Thành…).
Theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, việc giải ngân vốn, thu xếp vốn đầu tư còn chậm trong thời gian qua đã làm ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng. Trong thời gian tới Bộ sẽ đẩy nhanh tiến độ giải ngân để các địa phương chuẩn bị có kế hoạch đầu tư 2018-2019.
Đối với vấn đề phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Theo luật, sau năm 2014 các Bộ ngành địa phương sẽ không được làm phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản. Từ 31/12/2014 trở về trước, số nợ xây dựng cơ bản khoảng 11.000 tỷ và đã thu xếp được vốn để xử lý hết. Đối với các chương trình mục tiêu quốc gia, số nợ đọng xây dựng cơ bản là 15.000 tỷ, hiện còn nợ 9.000 tỷ đồng. Số nợ đọng này chủ yếu tập trung vào lĩnh vực giao thông và dự kiến trong giai đoạn 2016 – 2020 sẽ thanh toán được hết khoản nợ này.
Giải đáp thắc mắc của đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) về vướng mắc đầu tư công và trình tự xử lý, Bộ trưởng cho biết, vướng mắc chủ yếu do Luật Đầu tư công là bộ luật mới nên việc triển khai còn lúng túng, một số nội dung chưa đúng với quy định của pháp luật, đặc biệt là chất lượng chuẩn bị dự án chưa tốt.
“Công tác chuẩn bị dự án của chúng ta thật sự có vấn đề. Nhiều dự án còn tồn tại những điểm chưa tốt, còn lỏng lẻo, chưa nghiêm trong công tác chuẩn bị”, Bộ trưởng nhận xét và cho biết, một số địa phương đôi khi chỉ đưa ra dự án để xin, sau đó về mới lên công tác chuẩn bị chi tiết.
Nhiều năm trước việc đề xuất dự án thường gấp 3 lần số vốn chúng ta có thể cân đối vốn thực hiện, dẫn đến vốn bị giàn trải. Từ khi có Luật Đầu tư công, số này đã được giảm đi đáng kể, trong giai đoạn 2012 – 2013 có khoảng 15.000 dự án thì nay giảm đi hai phần ba chỉ còn 4.000 – 5.000 dự án, điều này sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm đưa các dự án vào sử dụng. Sắp tới Bộ cũng sẽ rà soát lại toàn bộ quy định, nghị định hướng dẫn (nghị định 136, nghị định 15) để công tác chặt chẽ nhưng vẫn đảm bảo được thuận lợi, dễ thực hiện.
Đối với việc tháo gỡ khó khăn đầu tư dự án nhóm C, quy mô nhỏ. Vướng mắc trong thời gian qua tại một số địa phương trong việc triển khai 2 chương trình quốc gia là nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo. Bộ ghi nhận và tìm hướng giải quyết các vấn đề này.
Việc xây dựng kế hoạch vốn trung hạn cho các dự án có vốn đầu tư nước ngoài theo các hiệp định đã ký kết khoảng 300.000 tỷ đồng trong kế hoạch 5 năm tới, trên thực tế vừa qua đã phân bổ 243.000 tỷ, số dự phòng đang để lại là 57.000 tỷ đồng (trong đó ở trung ương là 30.000 tỷ đồng). Nếu thiếu vốn, các Bộ ngành, địa phương có thể đề xuất để sử dụng quỹ dự phòng 10% hiện có.
8h10: Tích tụ hạn điền để hút đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp
Trả lời đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP HCM), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng thừa nhận thực tế thu hút vốn ngoại vào nông nghiệp đang khá thấp, chỉ khoảng 0,9%. Nguyên nhân là do đặc thù đất đai nhỏ lẻ, manh mún, không có khả năng tích tụ diện tích lớn, không thể áp dụng ngay cơ giới hóa; hạ tầng nông thôn còn hạn chế, kết nối doanh nghiệp và người dân, nhà đầu tư thủ tục còn phức tạp.
"Lợi thế so sánh trong lĩnh vực này với các nhà đầu tư chưa hấp dẫn, chưa đủ để họ tham gia đầu tư vào nông nghiệp. Thực tế trước đây dự án vào nông nghiệp hầu hết là thất bại", ông Dũng nói.
Giải pháp được vị trưởng ngành Kế hoạch đưa ra, là mở rộng hạn điền, tích tụ diện tích đất lớn hơn để áp dụng công nghệ cao, cơ giới hóa; quy hoạch vùng nguyên liệu ổn định rõ ràng; hỗ trợ đào tạo nhân lực đáp ứng nhu cầu nông nghệ chất lượng cao.
Không hoàn toàn hài lòng, đại biểu Trần Hoàng Ngân bấm nút tranh luận. Theo ông Ngân, nếu cứ loay hoay về giải pháp mà không bàn sâu hơn thì nông dân vẫn tiếp tục khó khăn.
"Hạn điền không phải bài toán quan trọng mà phải phát triển chuỗi giá trị, hợp tác nông hộ nên phải phát triển được mô hình Hợp tác xã, như đã thành công ở Thái Lan", ông Ngân nói và đề nghị Bộ trưởng Kế hoạch & Đầu tư quan tâm hơn vấn đề này.
8h03: Bộ trưởng Kế hoạch Đầu tư: Liệt kê quy định để thấy rõ trách nhiệm từng Bộ, ngành
Đặt câu hỏi với Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo của Bộ gửi tới Quốc hội, phần trả lời về các dự án trọng điểm quốc gia mới chỉ nêu ra loạt quy định, Nghị định.... mà không rõ được trách nhiệm của Bộ Kế hoạch & Đầu tư và cá nhân Bộ trưởng.
"Tôi thấy cách trả lời của Bộ trưởng rất giống cách trả lời của Bộ trưởng Kế hoạch cách đây 3 nhiệm kỳ. Khi đó, Đại biểu Quốc hội khóa XII Nguyễn Ngọc Trân đã phải nhận xét 'Bộ trưởng đã đưa ra cả một rừng luật, nhưng không thấy trách nhiệm của Bộ trưởng ở đâu", bà Thúy nói và đề nghị Bộ trưởng khẳng định trách nhiệm của Bộ mình trong việc thực hiện các dự án trọng điểm quốc gia và cam kết để khắc phục hạn chế chậm trễ tại các dự án này.
Đáp lại, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, theo Luật Đầu tư và Luật Đầu tư công chỉ có dự án quan trọng quốc gia, không có dự án trọng điểm quốc gia.
Theo ông, để xác định được trách nhiệm các bộ, ngành ra sao trong các dự án này thì cần nêu lại các quy định trách nhiệm các bộ, ngành nằm ở các quy định pháp luật nào, được nhận diện, nhận danh ra sao. "Vì thế, trong báo cáo sơ bộ gửi tới Quốc hội chúng tôi đã nêu chi tiết các quy định, Nghị định... quy định trách nhiệm các bộ, ngành", ông Dũng nói.
Riêng về trách nhiệm Bộ Kế hoạch, có 3 chức năng: Chủ tịch Hội đồng thẩm định Nhà nước; giám sát và tham mưu huy động, phân bổ vốn đầu tư cho thực hiện dự án nếu sử dụng Ngân sách Nhà nước.
Ông cũng nói thêm, giai đoạn 2011 - 2015 Bộ đã thẩm định một dự án quan trọng quốc gia là sân bay Long Thành, đã báo cáo Quốc hội ở kỳ họp thứ 2 và gần đây thẩm định dự án cao tốc Bắc Nam đang được trình tại kỳ họp này.
Đại biểu Kim Thúy không đồng tình, bà tranh luận lại, theo báo cáo của Bộ Kế hoạch gửi tới đại biểu có trích dẫn các văn bản pháp luật và viện dẫn các văn bản, nhưng phần viện dẫn cũng không đúng.
Cụ thể, như dự án đường cao tốc Bắc Nam ngày 30/5 Chính phủ mới có tờ trình Quốc hội, Quốc hội chưa thông qua thì “không thể nói Bộ Kế hoạch có trách nhiệm trong thẩm định thực hiện dự án này”.
Nữ đại biểu thành phố Đà Nẵng cũng “truy” trách nhiệm Bộ trưởng Dũng trong dự án điện hạt nhân Ninh Thuận mà Quốc hội đã có Nghị quyết tạm dừng tại kỳ họp thứ 2.
“Cam kết của Bộ trưởng thế nào để khắc phục những hạn chế này”, bà Thúy hỏi.
Theo VnExpress.net