Lần điều chỉnh trần lãi suất huy động gần đây nhất diễn ra cách đây 2 năm. Vào cuối tháng 10/2014, NHNN công bố giảm mức lãi suất tiền gửi tối đa bằng tiền đồng của các tổ chức, cá nhân tại các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài từ 6%/năm xuống 5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng.
Lãi suất tiền gửi cho các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên không bị giới hạn bởi trần lãi suất mà do TCTD và khách hàng tự thỏa thuận.
Kiến nghị dỡ bỏ trần lãi suất huy động cũng từng được nhiều lần đề cập trước đây. Hồi đầu năm nay, trước câu hỏi về khả năng dỡ bỏ trần lãi suất huy động của chúng tôi, một lãnh đạo NHNN cho biết sau thời gian dài áp dụng chính sách “trần lãi suất” từ năm 2010, NHNN thấy các nhà băng đã chấp hành tốt quy định, trong đó những ngân hàng thương mại có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, đã ấn định mức lãi suất thấp so với trần.
Từ đó, NHNN đã từng bước dỡ bỏ quy định trần lãi suất: Từ tháng 6/2012, bỏ quy định trần lãi suất huy động đối với kỳ hạn từ 12 tháng trở lên và từ tháng 6/2013 đến nay chỉ áp dụng trần đối với tiền gửi có kỳ hạn dưới 6 tháng, hiện là 5,5%.
Vị này cho biết giữ mức trần này nhằm định hướng kỳ vọng lạm phát và xem như một “barrie” để các ngân hàng có lợi thế quy mô, cạnh tranh huy động thấp hơn, còn ngân hàng nhỏ hơn có thể huy động gần trần cho phép mà vẫn đảm bảo sự linh hoạt và phản ánh đúng quan hệ cung cầu trên thị trường. Ngân hàng không còn động lực để "đi đêm" lãi suất.
Nay, một lần nữa vấn đề bỏ trần lãi suất huy động được Phó Thủ tướng đề nghị NHNN lưu ý.
Trao đổi với chúng tôi, TS Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính ngân hàng cho biết, hiện nay các ngân hàng cũng không còn hiện tượng cạnh tranh vô lối về lãi suất, thanh khoản hệ thống dồi dào, tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) hiện nay trên 80%, cao hơn mọi năm. Như vậy, trần lãi suất gần như không còn cần thiết.
Thực tế, trần lãi suất tạo áp lực về cân đối vốn lên các ngân hàng nhỏ trong khi lại không có nhiều ý nghĩa với các ngân hàng lớn dư thừa thanh khoản.
"Ngoài ra, chúng ta cũng cần giảm bớt các biện pháp hành chính trong điều hành kinh tế vĩ mô nói chung và tài chính tiền tệ nói riêng. Trần lãi suất được áp dụng cách đây nhiều năm, và đây là thời điểm thuận lợi để NHNN có thể bỏ trần lãi suất huy động", vị chuyên gia chia sẻ.
Đồng tình việc dở bỏ trần lãi suất, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng nếu dỡ bỏ trần lãi suất hiện nay cũng không có vấn đề gì.
"Chúng ta đang đi ngược quy trình, đáng lẽ là phải giới hạn trần lãi suất cho vay và thả nổi lãi suất huy động. Nếu sắp tới thả nốt trần lãi suất huy động trở về thị trường thì cũng tốt, cho các ngân hàng huy động được nhiều hơn trong bối cảnh đẩy mạnh tín dụng và có lợi cho người dân. Tuy nhiên cũng cần thận trọng nếu thả nổi lãi suất ít nhiều sẽ tác động đến lạm phát. Ngoài ra sẽ gây ra tình trạng tranh đua lãi suất, ngân hàng nhỏ yếu thanh khoản tăng lãi suất để huy động", ông nêu quan điểm.
Các chuyên gia của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cũng đã kiến nghị cần sớm dỡ bỏ trần lãi suất huy động, hoặc chỉ áp dụng trần lãi suất với các kỳ hạn huy động rất ngắn (dưới 1 tháng) để thị trường có thể linh hoạt tự điều chỉnh, cân đối cung cầu về vốn.
Trong khi đó, một vài ý kiến khác lại cho rằng trần lãi suất huy động kỳ hạn dưới 6 tháng cần tiếp tục duy trì và quy định mức lãi suất hợp lý để định hướng kỳ vọng lạm phát và đảm bảo tính linh hoạt áp dụng (lãi suất tại Việt Nam đang gánh vác nhiều trọng trách như kỳ vọng lạm phát, tăng trưởng GDP, hỗ trợ doanh nghiệp..).
Cụ thể là đối với những ngân hàng lớn có uy tín cao, thanh khoản tốt, nguồn vốn dồi dào, có thể tự ấn định mức lãi suất thấp xa với mức trần; trong khi những ngân hàng vừa và nhỏ có thể ấn định một mức lãi suất cao hơn nhưng trong khuôn khổ trần cho phép.
Việc duy trì trần lãi suất tiền gửi cộng với sự nghiêm ngặt kiểm tra tính tuân thủ quy định, một mặt sẽ giúp hình thành một đường cong lãi suất ổn định, cơ cấu kỳ hạn với mức lãi suất được rõ ràng hơn. Từ đó khuyến khích các tổ chức tín dụng huy động được nguồn vồn dài hạn và cơ cấu lại tốt hơn nguồn vốn của mình.
Mặt khác, trần lãi suất tiền gửi dưới 6 tháng cũng hỗ trợ tái lập sự ổn định trên thị trường tiền tệ, hạn chế cạnh tranh không lành mạnh và dịch chuyển vốn giữa các NHTM trong điều kiện hệ thống TCTD đang trong quá trình tái cơ cấu.
Tính đến thời điểm 20/9/2016, tổng phương tiện thanh toán tăng 11,76% so với cuối năm 2015, tăng khá cao so với cùng kỳ năm (8,88%), nhưng vẫn nằm trong định hướng 16-18% mà Ngân hàng Nhà nước dự kiến cho cả năm nay. Xu hướng tốc độ tăng trưởng huy động vốn của các ngân hàng cao hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng, đã có từ đầu năm, tiếp tục thể hiện. Điều này giúp thanh khoản hệ thống tiếp tục bảo đảm, cân đối vốn dư thừa trong thời gian qua. Cụ thể, tính đến 20/9, huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 12,02% (cùng kỳ năm 2015 tăng 8,9%); tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế đạt 10,46% (cùng kỳ năm trước tăng 10,78%). So với mục tiêu tăng 18-20% dự kiến cả năm mà Ngân hàng Nhà nước đã đưa ra, có thể có điều chỉnh tùy tình hình thực tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng nói trên có dấu hiệu chậm và đang khá thấp so với chỉ tiêu kế hoạch. Đáng chú ý, dấu hiệu đó có ở đầu mùa cao điểm sản xuất kinh doanh những tháng cuối năm. Tổng cục Thống kê cho biết, lãi suất huy động hiện nay tương đối ổn định (chỉ tăng khoảng 0,2-0,3%/năm trong khoảng thời gian từ giữa tháng 2 đến tháng 3/2016). Còn ở diễn biến mới nhất, ngày 26/9 vừa qua, các ngân hàng thương mại nhà nước, khối chiếm thị phần lớn trên thị trường, đã đồng loạt giảm lãi suất huy động VND từ 0,3-0,5%/năm ở nhiều kỳ hạn ngắn, chủ yếu dưới 12 tháng. |
Theo Kim Tiền (Cafef.vn/Trí Thức Trẻ)