Bộ Tài chính: Thuế tăng không có nghĩa giá ôtô sẽ tăng

20/05/2015 08:48:53

Trước ý kiến lo ngại người tiêu dùng thiệt thòi khi thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng giá xe phụ thuộc vào thị trường.

Trước ý kiến lo ngại người tiêu dùng thiệt thòi khi thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính cho rằng giá xe phụ thuộc vào thị trường.


Theo dự thảo Bộ Tài chính mới công bố, từ năm 2016, như các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt của xe nhập là giá bán ra chưa có Thuế Giá trị gia tăng, Thuế bảo vệ môi trường. Còn hiện tại, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với những dòng xe này được tính bằng giá khi vừa nhập cảng (giá CIF) cộng với thuế suất.
 
Với cách tính mới, thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp của các doanh nghiệp nhập khẩu sẽ tăng lên. Do đây là khoản thuế gián thu nên không loại trừ khả năng chi phí này sẽ được đưa vào giá bán để người tiêu dùng gánh chịu.
 

Các nhà nhập khẩu xe hơi chính hãng phản đối đề xuất thay đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt của Bộ Tài chính. Ảnh: Q.H.

 
Trong khi đó, ở góc nhìn cơ quan soạn thảo, Bộ Tài chính khẳng định việc sửa đổi cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt này không làm giá ôtô tăng. Ông Phạm Đình Thi - Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế giải thích: "Giá trong cơ chế thị trường thì sẽ do thị trường quyết định, tức là cung và cầu. Theo tôi, chính sách sẽ có tác động nhưng không có nghĩa sẽ hình thành giá bán mới. Thị trường sẽ không chấp nhận và các nhà kinh doanh phải tự tiết giảm chi phí, nâng cao quy trình, khả năng quản lý để đảm bảo lợi nhuận".

Khi nêu đề xuất, Bộ Tài chính lý giải cách tính mới nhằm đảm bảo sự công bằng giữa doanh nghiệp nhập khẩu và sản xuất, lắp ráp trong nước chứ không vì mục đích tăng thu thuế. Ngoài ra, việc này còn để tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng trong bối cảnh phát hiện nhiều doanh nghiệp nhập khẩu có dấu hiệu lách thuế, chuyển giá.

Không chỉ vậy, theo ông Phạm Đình Thi, cách xác định giá tính thuế ở các nước trong khu vực cũng khá tương đồng với đề xuất mới này của Việt Nam. Tại Philippines, giá tính thuế tiêu thụ đặc biệt với ôtô hiện theo giá bán buôn. Còn Malaysia thì lấy giá bán buôn trừ đi phần nội địa hóa. "Với một số nước khác như Thái Lan, cách xác định hiện cũng là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu. Tuy nhiên, chúng tôi có trao đổi với Cục tiêu thụ đặc biệt, Bộ Tài chính Thái Lan thì được biết, họ cũng đang sửa đổi quy định theo hướng tính theo nhà kinh doanh bán ra với ôtô sản xuất trong nước và ôtô nhập khẩu", ông Thi cho hay.

Đại diện một công ty nhập khẩu xe sang cho biết trong số gần chục doanh nghiệp nêu kiến nghị lần này với Bộ Tài chính, có một đơn vị là nhà sản xuất, lắp ráp trong nước chứ không chỉ là nhập khẩu. "Bản thân các doanh nghiệp này cũng phải nhập nên cách tính thuế mới này còn gây khó khăn cho họ", ông nói.

"Các doanh nghiệp lắp ráp không có động lực để tăng tỷ lệ nội địa hóa của sản phẩm trong nước, tác động tiêu cực đến thị trường ôtô Việt Nam. Phương án này nếu không triển khai hợp lý sẽ ảnh hưởng đến sức hút cũng như niềm tin của các doanh nghiệp nước ngoài vào tính ổn định của chính sách", các nhà nhập khẩu giải thích.

Theo lập luận của các nhà nhập khẩu xe hơi hiện nay, cơ sở giá tính thuế của xe trong nước và nhập khẩu hiện hành là tương đồng nhau thay vì bất công như các doanh nghiệp nội địa phản ánh. Nguyên nhân là giá tính thuế nhập khẩu hiện nay là giá CIF cộng với thuế nhập khẩu. Trong khi đó, giá CIF đã gồm cả giá thành, chi phí bán hàng và trong đó cũng đã có lãi của nhà sản xuất chính hãng.

"Luật tiêu thụ đặc biệt là để điều phối tiêu dùng cho những sản phẩm không cần thiết chứ đâu phải để bảo hộ cho doanh nghiệp trong nước như vậy. Nếu cần bảo hộ thì đã có chính sách cho thuê đất hay giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu... Tất cả những chính sách này đều đã được thực hiện rồi. Phần còn lại là do năng lực kém của ngành ôtô trong nước", đại diện một doanh nghiệp phân phối dòng xe sang cao cấp nói.

Trong văn bản kiến nghị lần này, các nhà nhập khẩu cũng nêu thắc mắc, tại sao các chính sách hỗ trợ của Nhà nước vốn rất thành công với các doanh nghiệp khác nhưng riêng với ngành công nghiệp ôtô lại không thành công và luôn nhận được những lời than phiền. Ngoài ra, theo họ, chính sách mới này có thể tạo ra một sự phân biệt đối xử lớn giữa doanh nghiệp nhập khẩu và trong nước - điều mà không nên có trong bối cảnh thực hiện các cam kết với WTO.
 
>> Giảm thuế: Ôtô 7.000 USD từ Thái, Indo tràn về
>> Giá xăng dầu lại sắp “dọa” tăng

Theo Thanh Thanh Lan (VnExpress.net)