Bộ Tài chính lo nợ công tăng khi tuyến metro Bến Thành - Tham Lương đội vốn

23/11/2015 11:29:34

Cơ quan quản lý ngân sách kiến nghị TP HCM phải vay lại toàn bộ hơn 700 triệu USD phần vốn tăng thêm theo điều kiện vốn vay nước ngoài, thay vì trung ương cấp phát bổ sung vốn ODA.

Cơ quan quản lý ngân sách kiến nghị TP HCM phải vay lại toàn bộ hơn 700 triệu USD phần vốn tăng thêm theo điều kiện vốn vay nước ngoài, thay vì trung ương cấp phát bổ sung vốn ODA.

Trước đó, theo kiến nghị của địa phương, TP HCM xin phép được áp dụng cơ chế tài chính đối với phần vốn tăng thêm theo nguyên tắc đã được phê duyệt cho dự án mà Thủ tướng cho phép thực hiện trước đây.

Theo đó, sẽ thực hiện theo nguyên tắc ngân sách trung ương cấp phát vốn ODA xây dựng kết cấu hạ tầng dự án và chi phí tư vấn, dự phòng; chủ đầu tư vay lại phần chi mua sắm thiết bị.

Bộ Tài chính kiến nghị phần vốn tăng thêm 726 triệu USD tại dự án tuyến đường sắt đô thị số 2 của TP HCM phải chuyển sang hình thức vốn vay nước ngoài.

Tuy nhiên, Bộ Tài chính cho rằng, nếu thực hiện theo đề xuất này thì ngân sách trung ương phải vay nước ngoài để cấp phát bổ sung cho dự án đối với phần vốn xây dựng kết cấu hạ tầng, đường sắt và chi phí khác. “Điều này sẽ tác động không nhỏ đến nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của ngân sách và tỷ lệ nợ công”, Bộ Tài chính quan ngại.

Vì vậy, cơ quan quản lý ngân sách kiến nghị áp dụng cơ chế tài chính Nhà nước cho UBND TP HCM vay lại toàn bộ phần vốn tăng thêm theo điều kiện vốn vay nước ngoài.

Để áp dụng cơ chế này, Bộ Tài chính đề xuất UBND TP HCM tách riêng giá trị dự kiến ban đầu của các gói thầu được áp dụng cơ chế cấp phát một phần, cho vay lại một phần theo nội dung đầu tư như đã được phê duyệt ban đầu và giá trị điều chỉnh tăng áp dụng cơ chế cho vay lại toàn bộ.

Trong trường hợp UBND TP HCM chịu trách nhiệm bố trí và trả nợ cho phần vốn huy động thêm, Bộ Tài chính cho biết thành phố phải trình Chính phủ để cơ quan điều hành báo cáo Quốc hội.

Ngoài ra, Bộ này kiến nghị TP HCM xác định rõ các nguyên nhân khách quan, chủ quan và làm rõ trách nhiệm của các đơn vị, cá nhân trong việc lập, thẩm định, phê duyệt dự án đầu tư để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, thành phố cần rà soát tiến độ triển khai thực hiện từng gói thầu của dự án và có các giải pháp quản lý để tránh tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện, có thể làm tăng tổng mức đầu tư do tăng chi phí quản lý, chi phí lãi vay, rủi ro tỷ giá và biến động giá xây dựng.

Trước đó, TP HCM đã xin phép Thủ tướng được điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án đường sắt đô thị Bến Thành - Tham Lương giai đoạn 1 từ 1,3 tỷ USD lên hơn 2 tỷ USD (tăng 726,5 triệu USD, khoảng 51%).

Tuyến metro số 2 Bến Thành - Tham Lương dài khoảng 20km (Thủ Thiêm - Bến xe Tây Ninh), chia làm 2 giai đoạn. Giai đoạn một dài 11,3km (Bến Thành - Tham Lương) đi qua các quận 1,3, 10, 12, Tân Bình và Tân Phú; trong đó có 9,3km đi ngầm với độ sâu trung bình 18m. Toàn tuyến có 10 ga ngầm và một ga trên cao, tổng vốn đầu tư hơn 26.110 tỷ đổng (hơn 1,3 tỷ USD). Giai đoạn 2 sẽ thực hiện khi có đủ vốn.

Dự kiến ban đầu dự án sẽ được hoàn thành vào năm 2017, chạy thử và đưa vào khai thác cuối năm 2018.

Theo Chí Hiếu (VnExpress.net)

Nổi bật