Bộ Tài chính lo ngại tính khả thi dự án cao tốc Bắc Nam

26/09/2017 19:24:00

Phương án thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam của Bộ Giao thông vận tải được Bộ Tài chính đánh giá không thể hiện tính khả thi đồng bộ.

Phương án thực hiện dự án cao tốc Bắc Nam của Bộ Giao thông vận tải được Bộ Tài chính đánh giá không thể hiện tính khả thi đồng bộ.

Theo dự thảo tờ trình triển khai, tổng số dự án thành phần của cao tốc Bắc Nam là 20 dự án, trong đó giai đoạn 2017 - 2020 sẽ thực hiện 11 dự án và 9 dự án còn lại được thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải cũng cho biết việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án chưa thể khẳng định sẽ thành công.

Bộ này cũng kiến nghị nếu đấu thầu không thành công sẽ triển khai dự án theo 2 hướng, bao gồm việc đầu tư một số dự án thành phần có nhu cầu cấp bách theo hình thức đầu tư công và giao Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) và Tổng công ty Cửu Long (CIPM) huy động nguồn lực để đầu tư một số dự án thành phần.

Với những đề xuất này, Bộ Tài chính cho rằng "việc thực hiện Dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc Nam không thể hiện được tính khả thi đồng bộ để triển khai và thực hiện".

bo-tai-chinh-lo-ngai-tinh-kha-thi-du-an-cao-toc-bac-nam

Bộ Tài chính cho rằng việc thực hiện Dự án cao tốc Bắc Nam theo phương án báo cáo của Bộ Giao thông Vận Tải không thể hiện tính khả thi đồng bộ.

Làm rõ điều này, Bộ Tài chính cho rằng năng lực tài chính của VEC và CIPM còn rất hạn chế, dẫn chứng là Ngân sách vẫn phải tạm ứng để trả nợ các khoản vay đến hạn do VEC làm chủ đầu tư; một số khoản đang chuyển sang dạng cấp phát do VEC không có khả năng trả nợ. "Việc giao VEC và CIPM huy động nguồn lực để đầu tư các đoạn tuyến thuộc dự án cao tốc là khó khả thi", Bộ Tài chính đánh giá.

Bộ cũng đề nghị xem xét tính khả thi tài chính với các dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BOT và hình thức PPP. Riêng với phương án đấu thầu nhượng quyền vận hành với một số dự án quan trọng theo hình thức đầu tư công của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính cho rằng cần xem xét tính hợp lý để đảm bảo phù hợp với Luật Ngân sách và hình thức đầu tư.

Với đề xuất báo cáo Quốc hội chấp thuận cơ chế xác định mức tăng giá dịch vụ ngay trong báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính trước đây đã cho rằng không đưa nội dung trên vào báo cáo với lý do chưa phù hợp với thẩm quyền và hình thức quy định giá sử dụng đường bộ đối với các dự án để kinh doanh.

Tuy nhiên, nội dung này đã được đưa vào báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của dự án và đề nghị Quốc hội chấp thuận. Bộ Tài chính theo đó cũng đề nghị "Bộ Giao thông vận tải chịu trách nhiệm trước Chính phủ, Quốc hội về nội dung đề xuất mức giá sử dụng đường bộ áp dụng với dự án cao tốc Bắc Nam phía Đông".

Với phương án phân bổ 15.000 tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ còn lại cho giao thông của giai đoạn 2017 - 2020, Bộ Tài chính kiến nghị bố trí khoản vốn này cho dự án thành phần với nội dung thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư thuộc dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai, dự án này trong giai đoạn 2017 - 2020 còn thiếu khoảng 16.474 tỷ đồng.

Đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông đến năm 2020 có tổng mức đầu tư gần 230.000 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách chiếm khoảng 40%, còn lại là vốn nhà đầu tư huy động. 

Theo tờ trình của Bộ Giao thông vận tải, tuyến đường thiết kế tốc độ 100 - 120 km/h; các đoạn qua khu vực có điều kiện địa hình khó khăn sẽ đạt tốc độ thiết kế 60 - 80 km/h. Với chiều dài 1.372km, đề án phân chia thành 20 dự án thành phần, mỗi dự án được khai thác độc lập, phù hợp với khả năng huy động theo hình thức PPP (hợp tác công tư) có sự tham gia hỗ trợ của Nhà nước, thời gian thu phí nhỏ hơn 25 năm.

Theo Minh Sơn (VnExpress.net)