Giải thích kỹ hơn, Bộ Tài chính cho hay, giá trị còn lại của tài sản là giá trị đã được trừ hao mòn lũy kế của thời gian thực tế đã sử dụng để hạch toán trên sổ sách kế toán theo quy định của pháp luật về kế toán. Giá trị còn lại của tài sản sẽ giảm dần và bằng 0 khi tài sản đã hết thời hạn sử dụng.
Theo chế độ hiện hành, xe ô tô có thời hạn sử dụng là 15 năm, mức hao mòn 1 năm là 6,7%.
Như vậy, Bộ Tài chính cho rằng con số 390 triệu đồng phải được hiểu là giá trị còn lại trên sổ sách kế toán của 264 xe ô tô tại thời điểm có quyết định thanh lý, không phải là số tiền thu được từ bán thanh lý 264 xe ô tô này.
Vì vậy Bộ Tài chính khẳng định thông tin “Thanh lý 264 xe ô tô công, thu về 390 triệu đồng” là thông tin không chính xác.
Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định tại Nghị định số 52/2009/NĐ-CP thì xe ô tô đủ điều kiện thanh lý khi đã sử dụng vượt quá thời gian sử dụng theo quy định của chế độ mà không thể tiếp tục sử dụng.
Khi đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan Trung ương, Chủ tịch UBND quyết định hoặc phân cấp cho cơ quan có thẩm quyền quyết định thanh lý. Việc tổ chức thanh lý xe ô tô do các cơ quan, tổ chức, đơn vị có tài sản thực hiện và chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.
Việc bán thanh lý xe ô tô được thực hiện theo hình thức đấu giá công khai theo quy định của pháp luật về bán đấu giá. Như vậy, giá bán thanh lý xe ô tô là giá thị trường tại thời điểm bán.
Số tiền thu được từ bán thanh lý xe ô tô của các cơ quan nhà nước được nộp vào ngân sách nhà nước theo quy định.
Bộ Tài chính cho biết, tính từ ngày 1/1/2016 đến ngày 17/6/2016, trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản nhà nước, khối Bộ, ngành, cơ quan trung ương đã thực hiện điều chuyển 20 xe ô tô với tổng nguyên giá 12,33 tỷ đồng cho các Bộ, ngành địa phương có nhu cầu sử dụng theo quy định; thực hiện thanh lý 264 xe ô tô phục vụ công tác với tổng nguyên giá 79,68 tỷ đồng; giá trị còn lại 390 triệu đồng.
Theo Hà Duy (VietNamNet)