Bộ Tài chính họp, chỉ một chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất tăng thuế

21/08/2017 14:03:00

Một chuyên gia kinh tế có mặt tại cuộc họp cho biết: "Tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình".

Một chuyên gia kinh tế có mặt tại cuộc họp cho biết: "Tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình".

Tăng thuế VAT sẽ tạo thêm gánh nặng cho người thu nhập thấp.

Theo nguồn tin của PV, cuối tuần trước, Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc họp với một số chuyên gia kinh tế để lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế (thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên).

Chỉ duy nhất 1 chuyên gia ủng hộ

Một chuyên gia kinh tế có mặt tại cuộc họp cho biết: "Tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình".

Vị chuyên gia cũng cho biết, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính chưa đưa ra được luận cứ cho thấy đề xuất tăng thuế là chưa hợp lý cũng như chưa đưa ra mức độ đánh giá tác động của tăng thuế đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.

Trao đổi với PV Dân trí, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Riêng tôi chưa ủng hộ được vì chưa thấy thuyết phục. Thứ nhất, Bộ Tầi chính chưa đưa ra được thống kê và luận chứng cụ thể nếu tăng VAT thì bổ sung ngân sách được bao nhiều và tác động thế nào tới đời sống người dân".

Theo ông Hiếu, Bộ Tài chính đưa ra luận chứng VAT của Việt Nam rất thấp so với các nước, ví dụ như EU lên tới 20% là "không thuyết phục".

Vị chuyên gia lấy ví dụ tại Mỹ có thuế tương tự VAT, nhưng không phải VAT mà là thuế cho bán hàng, áp dụng cho người tiêu dùng cuối cùng khi mua 1 món hàng phải trả thuế 5%, 7%, hoặc 10% tuỳ bang nhưng trong quá trình sản xuất qua bao nhiêu công đoạn thì không phải trả thuế đó.

Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế VAT cơ cấu khác, cứ mỗi một công đoạn từ người sản xuất cho tới ng mua hàng tiếp theo thì người mua hàng phải trả thuế VAT cho công đoạn đó. Theo đó, nếu từ sản xuất qua tiêu dùng chỉ 1 công đoạn thì thuế chỉ 10% nhưng qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại phải nộp 10%, thành ra người tiêu dùng phải trả hết tất cả VAT từ các công đoạn đó thực tế sẽ lớn hơn 10%.

Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, thu nhập bình quân của Việt Nam thấp, chỉ trên 2.000 USD. Do đó, với người giàu có, VAT tăng 10% lên 12% sẽ không đáng kể và dễ dàng chịu được. Tuy nhiên, với người thu nhập thấp, chỉ vài trăm USD mỗi năm, thì 2% rất nhiều. Ngoài ra, không chỉ mặt hàng họ tiêu thụ tăng giá mà tất cả hàng hoá liên quan cũng tăng, thành ra tác động với người nghèo rất lớn.

"Nợ công và thâm hụt không phải nằm ở thu mà ở chi, tôi cho rằng, hiện tại Bộ Tài chính mới chỉ tập trung vào 5 luật thuế mà sử dụng ngân sách đầu ra chưa nói đến là thiếu sót. Để cân đối phải nhắm cả 2 đầu, làm sao để giảm và hiệu quả hoá", ông nói thêm.

Gánh nặng thuế khoá đang rất nặng nề

Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du (Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright tại TPHCM) cho rằng, so với các nước trong khu vực, gánh nặng thuế khóa ở Việt Nam đang rất nặng nề. Chi tiêu ngân sách đang rất khủng cho một nhà nước rất cồng kềnh và kém hiệu quả.

Cụ thể, năm 2016 tỷ lệ thu ngân sách/GDP chiếm tới 22,5%, cao hơn rất Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hong Kong, Hàn Quốc, Philippine, Maylaysia và chỉ thấp hơn so với Nhật Bản. Tỷ lệ chi ngân sách ở Việt Nam năm 2016 chiếm tới 28,3% GDP và cũng cao hơn một loạt các nước kể trên, chỉ thấp sau Nhật Bản.

Theo vị chuyên gia, điều này cho thấy gánh nặng thuế khoá rất nặng nề, ảnh hưởng lớn tới người dân, doanh nghiệp và sức cạnh tranh trực diện của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp vốn sức cạnh tranh đã yếu, việc tăng thuế sẽ làm sức cạnh tranh của hàng Việt.

“Người dân đang phải chịu gánh nặng thuế khoá rất nặng nề so với thu nhập của họ. Vấn đề không phải là tăng thuế mà là chi tiêu, chi cho hợp lý, hiệu quả, làm sao giảm được bộ phận biên chế ăn không ngồi dồi", ông Du nói.

Theo ông Du, Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dễ dàng hơn chứ không phải ngày càng tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là những người có vị thế bất lợi hơn trong xã hội.

"Do vậy, việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để tạo ra một nhà nước hiệu quả hơn chứ không phải là tiếp tục tăng thuế và tăng các nguồn thu, nhất là loại thuế đánh vào người nghèo (có tính lũy thoái) như thuế VAT", ông nói thêm.

Theo Phương Dung (Dân Trí)

Nổi bật