Đây là một vài đề xuất đáng chú ý tại dự thảo tờ trình đề nghị xây dựng Luật Quản lý thuế sửa đổi vừa được Bộ Tài chính công bố lấy ý kiến.
Làm sao xác nhận người chết còn tài sản hay không?
Theo dự thảo, Luật quản lý thuế hiện quy định một trong những trường hợp được xoá nợ tiền thuế, tiền phạt là: Cá nhân được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự “mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.”
Tuy nhiên, thực tế triển khai xóa nợ với các đối tượng trên theo lãnh đạo Bộ Tài chính là khó khăn vướng mắc vì không có cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm về việc xác nhận cá nhân chết còn tài sản hay không.
“Mặt khác, khi cá nhân còn nợ thuế đã chết, nếu còn tài sản thì tài sản này còn thuộc quyền sử dụng của gia đình họ, cơ quan thuế không thể thực hiện kê biên, bán đấu giá tài sản sử dụng chung của gia đình họ để thu hồi tiền thuế nợ được, nếu thực hiện sẽ gây phản cảm trong dư luận xã hội,” dự thảo nêu lên.
Do vậy, để tạo sự đồng thuận trong dư luận xã hội, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, nên sửa đổi quy định trên thành: Cá nhân (bao gồm cả chủ doanh nghiệp tư nhân) được pháp luật coi là đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự còn nợ tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp thuộc trường hợp được xoá nợ tiền thuế (xóa cụm từ “mà không có tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt”).
Sự thay đổi trên theo lãnh đạo ngành tài chính là phù hợp với văn bản pháp luật có liên quan, không gây phản cảm trong dư luận xã hội, thể hiện tính nhân đạo của pháp luật.
Nợ trên 10 năm không xóa được
Ở hướng khác, dự thảo cũng nêu lên quy định hiện tại về các khoản nợ thuế đã quá hạn 10 năm và cơ quan quản lý thuế “đã áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế” thì được xóa nợ thuế.
Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, đại diện cơ quan chức năng thừa nhận, chưa có trường hợp nào đủ điều kiện được xóa nợ thuế do thực tế triển khai thực hiện, có những khoản nợ thuế trên 10 năm nhưng không thể xóa được do không đáp ứng được điều kiện đã “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế”.
Điều này được lý giải vì doanh nghiệp đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư cho phép giải thể và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh trước khi cơ quan thuế thực hiện các biện pháp cưỡng chế.
Đồng thời, quy định thời hạn 10 năm mới được xoá nợ thuế áp dụng đối với các trường hợp này theo đánh giá là quá dài. Kinh nghiệm các nước thường áp dụng trong khoảng thời gian từ 2 đến 7 năm.
Bởi vậy, cơ quan quản lý dự tính bỏ cụm từ “áp dụng tất cả các biện pháp cưỡng chế.” Thay vào đó, đối tượng được xóa nợ là các khoản nợ quá 5 năm kể từ hết thời hạn nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế cuối cùng theo quy định.
Ngoài ra, dự thảo cũng bổ sung quy định: Trong hai năm tiếp theo kể từ ngày thực hiện xóa nợ, người sáng lập doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật không được thành lập doanh nghiệp mới, trừ trường hợp người nộp thuế thực hiện nộp đủ số tiền thuế theo quyết định xóa nợ vào ngân sách Nhà nước.
Xóa nợ với khoản không còn đối tượng thu
Cũng về xóa nợ thuế, đại diện Bộ Tài chính cho rằng, Từ 1/7/2007 đến 31/12/2012, nền kinh tế trong nước liên tục gặp nhiều khó khăn, thách thức, áp lực lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô lớn, sản xuất kinh doanh gặp nhiều khó khăn khiến nhiều người nộp thuế kinh doanh thua lỗ.
Khi gặp khó khăn, kinh doanh thua lỗ hoặc bị điều tra, nhiều người nộp thuế đã không thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục tạm ngừng kinh doanh, ngừng kinh doanh, giải thể.
Thực tế, đại diện ngành tài chính đánh giá, số nợ thuế đã phát sinh từ trước thời điểm ngừng kinh doanh (mặc dù đã áp dụng biện pháp cưỡng chế nhưng chưa thu hồi được) liên tục tăng thêm do phát sinh tiền chậm nộp thuế trong khi người nộp thuế không có khả năng trả nợ do đã ngừng kinh doanh, giải thể.
Để giảm số nợ ảo thực tế không thể thu hồi, dự thảo ngành tài chính đề nghị bổ sung quy định: Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt không còn đối tượng để thu và đã quá 5 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế thì thuộc trường hợp được xóa nợ./.
Theo Xuân Dũng (VietNam+)