Bộ Tài chính đề xuất tăng phí trước bạ: Xe bán tải, xe VAN sẽ bị tăng phí gấp 3 đến 4,5 lần

04/09/2018 10:18:19

Bộ Tài chính vừa chính thức công bố dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 140/2016/NĐ-CP ngày 10.10.2016 của Chính phủ về lệ phí trước bạ.

Bộ Tài chính đề xuất tăng phí trước bạ: Xe bán tải, xe VAN sẽ bị tăng phí gấp 3 đến 4,5 lần
Ảnh minh họa

Đáng chú ý với đề xuất này, Bộ Tài chính đề xuất tăng mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với xe ôtô bán tải chở hàng và ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống.

Để công bằng với ôtô con?

Bộ Tài chính lý giải: Căn cứ quy định tại khoản 5 Điều 7 Nghị định số 140/2016/NĐ-CP thì: Nếu trên Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường do cơ quan đăng kiểm cấp ghi là ôtô chở người từ 9 chỗ trở xuống (ôtô con) thì mức thu lệ phí trước bạ (LPTB) lần đầu trong khung 10-15% (mức thu cụ thể do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định); nếu ghi là loại ôtô khác không phải là ôtô con thì mức thu LPTB lần đầu là 2%.

Xe ôtô pick-up (bán tải) được phân thành 2 loại: Chở hàng và chở người và là ôtô con.

Đối với ôtô bán tải chở người và là xe ôtô con mức thu LPTB lần đầu đối với loại xe này trong khung 10-15% (quy định này đã rõ); Ôtô bán tải chở hàng ghi là loại ôtô khác không phải là ôtô con thì mức thu LPTB lần đầu là 2%.

Trong khi đó, về quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ thì phương tiện được xác định là xe ôtô con để được áp dụng hệ thống báo hiệu đường bộ của xe ôtô con khi tham gia giao thông gồm: Xe ôtô chở người không quá 9 chỗ ngồi kể cả lái xe; Xe ôtô chở hàng với khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg; phương tiện được áp dụng hệ thống báo hiệu đường bộ như xe ôtô con khi tham gia giao thông là xe pick-up có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống.

Như vậy, loại xe ôtô nêu trên khi tham gia giao thông được áp dụng các hệ thống báo hiệu đường bộ như ôtô con, không bị hạn chế về thời gian được phép lưu thông trong đô thị, được phép lưu thông vào làn đường dành cho ôtô con.

Chính sự ưu ái về LPTB mà lượng xe bán tải tăng rất nhanh, đặc biệt tốc độ tăng trưởng nhập khẩu nhanh (xe pick-up nhập khẩu năm 2017 là 28.482 chiếc, tăng 8,7 lần).

Thực tế, xe ôtô bán tải chở hàng và ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống được sử dụng kết hợp vừa chở người, vừa chở hàng; các xe ôtô tải khác chủ yếu sử dụng để chở hàng.

Ngoài ra, tại Thông báo số 133/TB-VPCP ngày 14.3.2017 của Văn phòng Chính phủ thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về tình hình nhập khẩu ôtô về giao Bộ Tài chính nghiên cứu đánh giá lại mức thu LPTB đối với xe ôtô bán tải để đề xuất báo cáo Chính phủ kịp thời điều chỉnh cho phù hợp thực tế và mục đích sử dụng của loại xe này.

Do đó, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nêu trên, để đảm bảo công bằng về mức thu LPTB lần đầu và từ lần thứ 2 trở đi đối với xe ôtô con, việc nghiên cứu quy định mức thu LPTB lần đâu đối với xe ôtô pick-up chở hàng và ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở cho phép dưới 1.500kg và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống là cần thiết.

Lệ phí trước bạ tăng gấp 3-4 lần

Theo phân tích, một chiếc ôtô bán tải trị giá 600 triệu đồng sẽ phải nộp lệ phí trước bạ từ 36-54 triệu đồng, thay vì 12 triệu như hiện nay.

Cụ thể, mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với loại xe này sẽ bằng 60% mức thu lệ phí trước bạ lần đầu đối với ôtô con (trong khung 10-15%), thay vì mức thu 2% như đang áp dụng hiện nay. Chỉ khi đăng ký lại từ lần thứ 2 trở đi thì mức thu lệ phí trước bạ đối với loại xe này mới là 2%. Như vậy, lấy ví dụ là một chiếc xe ôtô bán tải trị giá 600 triệu đồng, theo quy định hiện nay thì người mua phải nộp lệ phí trước bạ 2% là 12 triệu đồng. Nhưng nếu áp dụng theo đề xuất thì số tiền lệ phí trước bạ mà người mua sẽ phải trả là 600 triệu x 10% x 60% = 36 triệu đồng; hoặc 600 triệu x 15% x 60% = 54 triệu đồng, gấp từ 3 - 4,5 lần so với hiện nay.

Bên cạnh việc lý giải, Bộ Tài chính cũng đánh giá tác động của đề xuất này. Theo đó đơn vị này cho rằng, việc tăng lệ phí trước bạ đối với dòng xe sẽ góp phần đảm bảo quản lý nhà nước đối với xe bán tải chở hàng và ôtô tải VAN có khối lượng chuyên chở nhỏ hơn 1,5 tấn và có từ 5 chỗ ngồi trở xuống; góp phần điều tiết hạn chế sử dụng phương tiện giao thông tại các thành phố lớn.

Ngoài ra, còn đảm bảo tính đồng bộ của pháp luật về lệ phí trước bạ, nâng cao tính pháp lý của quy định hiện hành về lệ phí trước bạ đối với chuyển nhượng xe ôtô, xe máy mang biển ngoại giao chuyển nhượng cho tổ chức, cá nhân khác.

Đặc biệt, theo Bộ Tài chính, đề xuất này sẽ góp phần làm tăng thu ngân sách.

3 ngày nghỉ lễ 2.9, gần 100 người thương vong vì tai nạn giao thông

Theo báo cáo của Văn phòng Bộ Công an ngày 3.9.2018, toàn quốc xảy ra 33 vụ làm chết 14 người, bị thương 32 người, nâng tổng số vụ tai nạn trong 3 ngày nghỉ lễ Quốc khánh lên 83 vụ, làm chết 46 người, bị thương 53 người. So với cùng kỳ năm 2017 tăng 9 vụ, giảm 12 người chết, giảm 3 người bị thương.

Lực lượng tuần tra kiểm soát đường bộ đã tổ chức 9.398 lượt tuần tra kiểm soát, xử lý 16.794 trường hợp vi phạm, phạt tiền 9.090.632.000 đồng, tạm giữ 3.062 phương tiện, tạm giữ 3.571 giấy tờ các loại, tước 542 giấy phép lái xe.

Lực lượng tuần tra kiểm soát đường thuỷ đã tổ chức 142 lượt, phát hiện 436 trường hợp vi phạm, phạt tiền 131.197.000 đồng.

Đánh giá về tình hình giao thông trong ba ngày nghỉ lễ, Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia nhận định giao thông về cơ bản được đảm bảo, không xảy ra tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng. Dù nhu cầu đi lại và mật độ phương tiện giao thông tăng cao nhưng hoạt động vận tải và bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc được duy trì ổn định. Dù vậy, vẫn còn có nhiều tai nạn giao thông mà nguyên nhân chủ yếu là do người điều khiển phương tiện môtô xe máy, các hành vi vi phạm chính: chở quá số người quy định, không đội mũ bảo hiểm, chạy quá tốc độ, thiếu quan sát, đi sai phần đường, làn đường, vi phạm quy định nồng độ cồn, không bảo đảm an toàn kỹ thuật phương tiện.

Hiện tượng ùn ứ giao thông còn xảy ra trên một số tuyến cửa ngõ ra vào TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh vào giờ cao điểm ngày 1.9 và 3.9 do mật độ phương tiện tăng cao; tại một số điểm du lịch xảy ra ùn tắc cục bộ do lượng khách đổ về tăng đột biến.

Hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ vẫn còn xảy ra trên một số tuyến đường bộ như tình trạng xe khách chở quá số người, thu tiền quá giá vé quy định diễn ra trong ngày đầu và ngày cuối kỳ nghỉ.

Uỷ ban cũng đã tiếp nhận và xử lý 98 cuộc gọi và tin nhắn phản ánh của người dân về các vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận tải khách bằng ôtô mà chủ yếu là tình trạng chở quá số lượng, nhồi nhét hành khách, tăng giá vé trái quy định và tình trạng ùn ứ giao thông tại một số khu vực cửa ngõ. 

Theo Chính Phong (Lao Động)