Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Trọng, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ NN&PTNT vào cuối giờ chiều qua, 14/10.
Theo đó, lãnh đạo Cục này thông tin, hiện tổng đàn lợn của Việt Nam còn lại vào khoảng trên 24 triệu con với đàn lợn nái khoảng 2,7 triệu con. Như vậy, Việt Nam hoàn toàn có thể chủ động về giống lợn để người chăn nuôi tái đàn trong dịp tới, và chủ động về nguồn thực phẩm từ thịt lợn.
Cũng theo ông Trọng, mặc dù có xảy ra thiếu hụt thịt lợn nhưng sẽ chuyển qua bù đắp bằng thịt bò, thịt gà. Bởi vậy, Việt Nam vẫn chủ động về thịt lợn trong 3-4 tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán sắp tới đây.
Đặc biệt, nếu tiếp tục duy trì phát triển chăn nuôi lợn theo hướng an toàn sinh học thì việc thiếu hụt thịt lợn về những tháng cuối năm sẽ không ở mức quá lớn.
Lãnh đạo Cục Chăn nuôi thông tin, đến ngày 14/10, giá lợn hơi ở các tỉnh, thành phố phía Bắc từ 60-63.000 đồng/kg lợn hơi, miền Trung từ 50-57.000 đồng/kg, khu vực Đồng bằng sông Cửu Long từ 56-60.000 đồng/kg. Mức giá này được Cục Chăn nuôi đánh giá đang cao so với thời gian qua. Nguyên nhân là do đàn lợn giảm, đặc biệt là số lượng lợn trong dân không còn nhiều.
Tuy vậy, trước lo ngại của hàng chục triệu người tiêu dùng về tình hình giá thịt lợn đang tăng phi mã theo từng ngày, liệu có cán mốc vượt 100.000 đồng/kg lợn hơi giống như Trung Quốc, ông Trọng trấn an, mặc dù thịt lợn chiếm đến 70% nhu cầu tiêu dùng thịt hàng ngày của người dân. Nhưng chắc chắn, giá thịt lợn tại Việt Nam sẽ không đắt như Trung Quốc.
Ông Trọng cũng nhiều lần khẳng định, Việt Nam sẽ không thiếu thịt lợn về cuối năm, hoặc có thiếu cũng chỉ ở mức bình thường, có thể bù đắp bằng các loại thực phẩm khác.
Thông tin về tình hình dịch tả lợn Châu Phi hiện nay, đại diện Cục Thú y cho biết, hiện tại dịch có chiều hướng giảm mạnh so với những tháng trước đây. Đến nay, chúng ta đã buộc phải tiêu hủy trên 5,5 triệu con lợn, chiếm khoảng 8% sản lượng lợn.
Theo Tuyết Nhung (An Ninh Thủ Đô)